VNTB – Mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội theo Điều 117 của Bộ luật hình sự

VNTB – Mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội theo Điều 117 của Bộ luật hình sự

 

Thới Bình

 

(VNTB) – “Hình sự” là phải xác định được những thiệt hại vật chất và tổn thương tinh thần cụ thể.

 

Bởi nếu không cụ thể được mức độ thiệt hại thì bản án tuyên phần “đền bù” ra sao?

Bộ luật hình sự, Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Để có phiên tòa hình sự xét xử theo tội danh Điều 117, cần phải hoàn tất cáo trạng. Tuy nhiên phần cáo trạng này nếu tuân thủ theo đúng nội dung của Điều 243, Bộ luật tố tụng hình sự, xem chừng sẽ không thể diễn ra bất kỳ phiên xét xử nào.

“Điều 243. Quyết định truy tố bị can

Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.

Bản cáo trạng ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng.

Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng”.

Như vậy, theo Điều 117, ở đây “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã chịu những thiệt hại cụ thể gì do hành vi được cho là vi phạm theo Điều 117 gây ra?

Những “nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” – “nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” – “chiến tranh tâm lý” được xác lập ra sao để qua đó có thể cân – đo – đong – đếm được những thiệt hại mà “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã phải chịu; và ai sẽ là đại diện bị hại trong phiên xét xử này?

Trong trường hợp ở trên thật ra không hề là đánh đố vì Việt Nam đã có Luật giám định tư pháp. Thế nhưng đáng tiếc rằng đến tận thời điểm 2022 này, Luật giám định tư pháp ‘chưa cập nhật’ điều khoản nào về quy định “giám định tư tưởng”, và giám định viên tư pháp cũng chưa có trường lớp nào cấp chứng chỉ chuyên môn cho “giám định tư tưởng”.

Điều này có nghĩa, khi kết án một người phạm vào Điều 117, Bộ luật hình sự, thì cáo trạng và kết luận điều tra phải chứng minh được, trước hết, việc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân của cá nhân đang bị truy tố phải gây ra hậu quả rõ ràng, bởi “hình sự” là phải xác định được những thiệt hại vật chất và tổn thương tinh thần cụ thể.

Thứ nữa, “chiến tranh tâm lý” của cá nhân đang bị truy tố, đã cụ thể gây ra hậu quả với thiệt hại vật chất, tinh thần cho những ai đang được quyền nhân danh bị hại “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”?

Ngoài ra, cần cụ thể “nội dung bịa đặt” nào đã “gây hoang mang trong nhân dân”, và “nhân dân” chịu sự hoang mang đó là những ai, liệu họ có được yêu cầu đền bù phần thiệt hại dân sự nếu có trong thời gian được gọi là hoang mang ấy?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)