Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mục tiêu của ĐCSVN không phải là hạnh phúc của dân (*)

Nguyễn Đức Hạo Nhiên

 

(VNTB) – Dân Việt có thật sự được hạnh phúc?

 

Tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” do ông Hồ Chí Minh đặt ra, ghi dưới quốc hiệu Việt Nam từ 1945 đến nay (từ Việt Nam dân chủ cộng hòa sang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) khẳng định ông muốn dân Việt Nam được hạnh phúc, nhưng dân Việt có thật sự được hạnh phúc hay chỉ riêng giai cấp đảng viên? 

Ông Hồ Chí Minh thường nói mong muốn dân chúng được “cơm đủ no, áo đủ mặc”. Từ khi cướp được chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cho đến năm 1975, toàn miền Bắc Việt Nam, dân chúng hoàn toàn thiếu thốn về cả cái ăn lẫn cái mặc. Chế độ tem phiếu từ bắt đầu tư áp dụng sổ gạo vào khoảng năm 1960, lúc đầu là lương thực, sau thêm tem phiếu cho tất cả càng mặt hàng nhu yếu trong thời kỳ đó hẳn tất cả người từ trung niên đến lớn tuổi đều đã trải qua. Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, đều chỉ được cấp phát phần thực phẩm, nhu yếu phẩm theo quy định tối thiểu để sống qua ngày. Phần gạo cho cán bộ 13kg/tháng, cho nông dân, những người oằn lưng trên ruộng lúa , lao động cực nhọc hơn cán bộ nhiều, để nuôi cán bộ nhà nước cũng chỉ được 13-15kg/tháng, phần gạo cho trẻ em dưới 1 tuổi là 3kg/tháng. Mỗi phụ nữ chỉ được mua vài thước vải mùng để dùng vệ sinh trong tháng. 

Chế độ phân biệt đối xử thưc hiện rõ rệt trong cách phân chia này. Trong khi tuyệt đại đa số vật lộn với những tờ tem phiếu rất hạn chế thì cán bộ cao cấp hưởng thụ dư thừa. Ví dụ thịt heo, dân thường chỉ được mua 1,5 kg/tháng nhưng cán bộ có chức có quyền được mua 6kg/tháng. Trong khi dân chúng phải xếp hàng từ đêm khuya, chịu các cô, bà mậu dịch viên mắng chửi  để có được con cá ươn, miếng thịt đã thiu thì hạng quan quyền xông xênh ra vào các chợ, cửa hàng phục vụ riêng, có tiêu chuẩn cao nhất.  Bài ca dao của người Hà Nội: “Tôn Đản là chợ vua quan/ Nhà thờ là chợ trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân là của thương nhân/ Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.” Hẳn sẽ được lưu truyền mãi cho hậu thế thấy “hạnh phúc” của con dân trong thời kỳ này.

Sự phân biệt không chỉ trong việc phân phối lương thực, nhu yếu phẩm, ngay cả đến sức khỏe cũng bị phân biệt giữa giữa đảng viên, cán bộ cao cấp và nhân dân hèn hạ. Cán bộ cỡ từ chuyên viên trở lên thì nằm ở Việt – Xô, tràn ngập thuốc ngoại, đặc trị của Liên Xô, Trung quốc, Cuba, Pháp, Mỹ. Cán bộ cấp thấp nằm các bệnh viện bình thường, người dân xếp cá hộp trong các bệnh viện thiếu thốn đủ thứ, có thời chỉ thấy bệnh nào cũng trị bằng thuốc đỏ, penicillin, xuyên tâm liên.

Ăn chia phần, sức khỏe chia lớp, nhà ở cũng phân chia giới hạn. Mỗi người chỉ được phép có 4 m vuông. Nhiều gia đình cả 3, 4 thế hệ nằm xếp lớp chung lộn trong một căn phòng không đủ không khí để thở.  5,7 gia đình, ở cùng một căn biệt thự của dân tư bản chạy vào Nam, chung nhau một nhà vệ sinh. Một chỗ riêng tư cho hai vợ chồng mới cưới là vấn đề rất khó giải quyết.

Hạnh phúc của người dân thời đó là làm sao hơn nhau được một chút. Gia đình có thể vui mừng cả ngày vì may mắn mua được phần nước xuýt (nước lèo) cô mậu dịch viên múc cho thêm miếng tiết đọng. Những gì công nhân có thể ăn cắp trong công xưởng được thì đem về nhà hay bán ngay lại cho bà hàng nước gần công trình, sở làm. Cầu Thăng Long, trụ sở quốc hội  xây hàng chục năm không xong vì vật tư thiếu hụt do công nhân lấy về, mỗi người mỗi ngày một chút xi măng, cục gạch, vài cái đinh. Ăn cắp, ăn cướp tràn lan, thậm chí các nhà vệ sinh công cộng từ nông thôn đến thành thị phải gắn bảng: “Cấm ăn cắp cứt”. Nhà nước giành giật cả phân người với bọn ăn cắp!

Hạnh phúc của người dân còn tệ hại hơn nữa khi đảng Cộng Sản giải phóng miền Nam. Cả nước đều phải ăn độn bo bo, khoai lang, khoai mì… Hàng trăm ngàn quân cán chính chế độ cũ bị tống vào tù. Hàng triệu người bị tống lên vùng kinh tế mới. Hàng trăm ngàn gia đình tan tác. Hàng triệu người, từ bắc chí nam, bỏ quê hương chạy trốn, nhiều người mất xác trong rừng rậm, trên biển khơi.

Tất cả những điều kể trên, không người đầu óc bình thường nào không nhận là thời kỳ bất hạnh của dân tộc, nhưng có một số người tặc lưỡi: “ Quá khứ đen tối qua rồi, Bây giờ đã đổi mới, dân ăn ngon, mặc đẹp rồi, Không có đảng sao được như ngày nay”

Trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17-10-1945), Hồ Chí Minh nói: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Hạnh phúc của nhân dân Hồ chí Minh muốn nói phải gắn liền với tự do. Bản yêu sách Nguyễn Ái Quốc theo lênh các cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường  mang đến Hội nghị quốc tế Versailles, Pháp (năm 1919) đòi tự do độc lập cho thuộc địa, trong đó nhấn mạnh đến dân quyền khi nêu các điểm cụ thể: “3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận; 4. Tự do lập hội và hội họp; 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”.

Hiển nhiên đến nay ai cũng thấy ông HCM và đảng CSVN không hề thực hiện hay cố tình ngăn chặn các quyền tự do để tạo ra hạnh phúc cho người dân. 

Tên của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đứng ngang hàng với những kẻ hay nhóm vi phạm tồi tệ nhất về tự do báo chí, kìm kẹp Tự Do Thông tin như nhóm Tội phạm có tổ chức Ý Jabhat Al-Nosra, nhóm vũ trang Syria, Kim Jong-Un, lãnh tụ tối cao, Bắc Triều Tiên. Tập Cận Bình chủ tịch Trung Quốc,  Lực lượng Hồi Giáo Cực Đoan ISIS v..v

Trong năm 2021, Việt Nam đã bắt giữ, kết án hàng chục nhà báo với tổng số lên đến hơn 100 năm tù. Chỉ riêng 3 nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn thuộc hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam đã bị xử tổng cộng 37 năm tù và nhiều năm quản chế. Tổ chức Phóng viên Không Biên xếp hạng Việt Nam đứng thứ 175/180 nước không có tự do báo chí vào năm 2021.

Quyền tự do lập hội và hội họp của người dân không được ĐCSVN tôn trọng.

Tại Việt Nam người dân hoàn toàn không được phép bày tỏ quan điểm chính trị, không hội nhóm, biểu tình, ngay cả các hoạt động văn hóa, văn nghệ kinh tế, xã hội cũng bị “định hướng”, việc thờ phụng tôn giáo và bày tỏ  niềm tin phải xin phép. Hành vi đàn áp tôn giáo của nhà nước tràn lan từ Bắc vào Nam, đặc biệt với các thành phần dân tộc thiểu số. các tổ chức công đoàn độc lập bị ngăn chặn, bắt bớ, các hội đoàn không thuộc nhà nước bị đánh phá, hội viên bị quy chụp mũ phản động, âm mưu chống, lật đổ chính quyền. 

ĐCSVN luôn  nhấn mạnh đến sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng trên mọi mặt xã hội và không công nhận một tổ chức, đảng phái nào khác. Quyền Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương cũng không được tôn trọng. Hàng ngàn người bị gán ghép tôi liên lạc với người nước ngoài, tham dự các tổ chức bất hợp pháp dù các tổ chức này có sự hiện diện của các quan chức Liên Hiệp Quốc và ngay cả quan chức của chính quyền Việt Nam. Hàng trăm công dân bị tước hộ chiếu. Quyền tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp lại càng bị dẫm đạp khi hàng trăm trường học của tư nhân, các tôn giáo bị tịch thu, giáo viên bị đuổi, hay không cho đứng lớp.

Không một nhà lãnh đạo nào ở khắp nơi trên thế giới, tự cổ chí kim lại không nhận họ muốn mưu cầu hạnh phúc cho dân, nhưng  vẫn có những nhà cai trị bị mang tiếng là bạo chúa, khát máu như Tần Thủy Hoàng, Nero, Hitler, Mao Trạch Đông và chẳng đâu xa, như Lê Long Đỉnh,  các vua Chó vua Lợn ở Việt Nam xa xưa  đều bị xem là những vết nhơ trong lịch sử. Xã hội Việt Nam từ ngày ĐCS cai trị, rõ ràng không được như ông Hồ Chí Minh mong muốn, từ không ăn no mặc ấm đến các quyền căn bản của con người bị tước đoạt. ĐCSVN phớt lờ ý của ông HCM hay chỉ muốn hạnh phúc cho riêng tầng lớp đảng viên và một số “đại gia”, “tư bản đỏ” đang kết nối nuôi béo lẫn nhau?

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thế giới ” định kiến” với Việt Nam đấy!

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam hùng cường cùng đảng quang vinh: cái bánh vẽ

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng CSVN: những nguy cơ nội tại ( bài 13)*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.