Việt Nam Thời Báo

VNTB – Muốn làm quan phát tài được lâu dài, phải biết làm hài lòng Đảng

Sơn Trà

(VNTB) – Nhạc Dương lâu ký (ghi chép ở lầu Nhạc Dương), trong đó có câu nổi tiếng khi nói về nhiệm vụ của người quân tử: “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).

Chuyện xứ Tàu kể: Phạm Trọng Yêm (989 – 1052), là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục nổi tiếng thời Bắc Tống bên Trung Quốc. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 8 (1015) đời Tống Chân Tông, Phạm Trọng Yêm đỗ tiến sĩ, sau lên đến chức phó tể tướng.

Năm 1043, thời Cảnh Tông, ông cùng các đồng sự đề xuất cải cách công việc triều chính mang tên “đáp thủ chiếu điều trần thập sự” (10 điều cần cải cách), trong đó có các nội dung bổ nhiệm, bãi miễn quan chức phải rõ ràng; thu thuế quân điền; tu sửa võ bị, bớt lao dịch cho dân…, nhưng sau đó những đề xuất cải cách này bị phe bảo thủ chống đối không thi hành được và ông bị giáng chức, đau buồn mà chết.

Về văn chương, Phạm Trọng Yêm để lại tác phẩm nổi tiếng là Nhạc Dương lâu ký (ghi chép ở lầu Nhạc Dương), trong đó có câu nổi tiếng khi nói về nhiệm vụ của người quân tử: “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” [lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ]. (*)

Nhớ hồi đó tiết Hán văn trên giảng đường Văn khoa, giáo sư Lưu Khôn – người xứ Cao Lãnh, Đồng Tháp, luôn nhắc nhở sinh viên rất nhiều lần mấy câu của Phạm Trọng Yêm, “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Thầy nhắc riết đến độ sau này khi ra trường, có thời gian đâu khoảng gần “một nhiệm kỳ 5 năm”, người viết bài này được “làm quan”, và cứ mãi ám ảnh lời dạy của Thầy về phận làm quan: phải biết lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ.

Thế nhưng chốn quan trường chẳng mấy đúng như lời người xưa.

Nhớ lại cái thời “mới được bổ nhiệm”, chừng vài tháng sau đó, một thủ trưởng tại Hà Nội gọi điện thoại nói với tôi, rằng ông đã thu xếp cho tôi một suất học lớp đối tượng Đảng. Về mặt thủ tục, ông và cô chủ tịch công đoàn sẽ là người đứng ra giới thiệu tôi vào Đảng. Ông còn nói thêm, “mọi chuyện đã có anh lo, em chỉ ra đây một tuần”.

Mặc dù hiểu thiện ý của vị thủ trưởng, song tôi đã kiếm cớ để từ chối “ra Hà Nội”. Tôi muốn “lính” của mình nhìn mình bằng con mắt “làm nghề thuần túy”, chứ không cần phải dựa hơi Đảng. Về sau, có người phán câu xanh dờn: đồ ngu, không nịnh Đảng thì sớm muộn ông cũng phải rời ghế…

Tôi hiểu chứ. Hồi “mới được bổ nhiệm”, tôi đã nhận lời ra tiếng vào vì chuyện “không đảng viên” mà dám ngồi “lãnh đạo” – nói luôn, nơi tôi làm là cơ quan tầm đại diện nhỏ xíu thôi, cần ‘cứng nghề’ chứ không yêu cầu về Đảng – Đoàn chi hết. Lời ra tiếng vào chỉ râm ran chút rồi thôi, vuốt mặt nể mũi – vì người ký quyết định bổ nhiệm vốn là một quan chức có thời làm rất to trong ngành tư pháp.

Vài năm đi qua. Thủ trưởng của tôi ở Hà Nội chuyển cơ quan khác. Người mới lên thay là một quan chức cũng rất to. Khác với tiền nhiệm, ông “ngã” hẳn “giá” về “ghế”… Vì không là đảng viên, không chịu bất kỳ ràng buộc nào về tổ chức Đảng, tôi chọn… chuyển công tác. Dĩ nhiên là lúc ‘giao thời’ cho bàn giao chức vụ lãnh đạo cấp trung ương, tôi đã chọn sẳn nơi mình sẽ nhảy việc.

Câu chuyện đi qua cũng lâu rồi, từ thời ông Phan Văn Khải làm thủ tướng lận kìa.

Cuối giờ chiều ngày 18-9-2020, tôi nhận tin một người bạn vốn đã bị “dừng chức hiệu trưởng” Đại học Tôn Đức Thắng, giờ còn chịu cú đánh bồi tiếp theo về kỷ luật Đảng, với kiểu “đập hội đồng” từ cơ quan Đảng ở Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đến cơ quan Đảng của Khối Đại học, Cao đẳng… Tôi nhận ra đúng là ở xứ Việt, nếu muốn bước chân vào chốn quan trường, thì đừng nhắc cho chuyện ‘vinh’ hay ‘nhục’ của kẻ sĩ – bởi cả ‘tiên’ và ‘hậu’ đều không đúng như lời của tiền nhân, mà đó phải như là câu thơ lãng mạn cách mạng hồi nào của thi sĩ Tố Hữu ở “Bài ca Xuân 61”:

Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về

Mà nói vậy: “Trái tim anh đó

Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ, và phần để em yêu…”

Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”

Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí

___________

Chú thích:

(*) Nhạc Dương lâu ký (chuyển âm Hán Việt, nguồn Hán Văn – Trần Trọng San) như sau:

“Khánh Lịch tứ niên xuân, Đằng Tử Kinh trích thủ Ba Lăng quận. Việt minh niên, chính thông nhân hoà, bách phế cụ hưng, nãi trùng tu Nhạc Dương lâu, tăng kỳ cựu chế, khắc Đường hiền kim nhân thi phú ư kỳ thượng; thuộc dư tác văn dĩ ký chi.

Dư quan phù Ba Lăng thắng trạng, tại Động Đình nhất hồ. Hàm viễn sơn, thôn Trường Giang, hạo hạo thang thang, hoành vô tế nhai; triêu huy tịch âm, khí tượng vạn thiên; thử tắc Nhạc Dương lâu chi đại quan dã, tiền nhân chi thuật bị hĩ. Nhiên tắc bắc thông Vu Giáp, nam cực Tiêu Tương, thiên khách tao nhân, đa hội ư thử, lãm vật chi tình, đắc vô dị hồ?

Nhược phù dâm vũ phi phi, liên nguyệt bất khai; âm phong nộ hiệu, trọc lãng bài không; nhật tinh ẩn diệu, sơn nhạc tiềm hình; thương lữ bất hành, tường khuynh tiếp toả; bạc mộ minh minh, hổ khiếu viên đề; đăng tư lâu dã, tắc hữu khứ quốc hoài hương, ưu sàm uý cơ, mãn mục tiêu nhiên, cảm cực nhi bi giả hĩ!

Chí nhược xuân hoà cảnh minh, ba lan bất kinh, thượng hạ thiên quang, nhất bích vạn khoảnh; sa âu tường tập, cẩm lân du vịnh, ngạn chỉ đinh lan, uất uất thanh thanh. Nhi hoặc trường yên nhất không, hạo nguyệt thiên lý, phù quang dược kim, tĩnh ảnh trầm bích, ngư ca hỗ đáp, thử lạc hà cực! Đăng tư lâu dã, tắc hữu tâm khoáng thần di, sủng nhục giai vong, bả tửu lâm phong, kỳ hỉ dương dương giả hĩ!

Ta phù! Dư thường cầu cổ nhân nhân chi tâm, hoặc dị nhị giả chi vi, hà tai? Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi, cư miếu đường chi cao, tắc ưu kỳ dân; xứ giang hồ chi viễn, tắc ưu kỳ quân. Thị tiến diệc ưu, thoái diệc ưu; nhiên tắc hà thì nhi lạc gia? Kỳ tất viết: “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc dư”! Y! Vi tư nhân, ngô thuỳ dữ quy! Thì lục niên cửu nguyệt thập ngũ nhật”.

Bản dịch của Bùi Kỷ:

“Mùa xuân, năm thứ tư niên hiệu Khánh Lịch, ông Đằng Tử Kinh phải trích ra làm thái thú quận Ba Lăng. Đến năm sau, chính sự thông đạt, lòng người vui vẻ, phàm việc gì từ trước phế thì đều sửa lại cả. Bèn sửa sang lại lầu Nhạc Dương, khắc những thơ phú của các nhà hiền sĩ từ đời Đường đến đời nay ở trên lầu, cậy ta làm bài ký.

Ta ngắm xem: Cảnh đẹp nhất của Ba Lăng là hồ Động Đình, ngậm bóng núi, nuốt nước sông, mông mênh man mác, không biết đâu là bờ; ánh sáng buổi sớm, bóng râm ban chiều, khí tượng muôn nghìn thay đổi, đấy thật là cái đại quan của lầu Nhạc Dương, mà người xưa đã trước thuật nhiều rồi. Song Động Đình mặt bắt thông đến núi Vu Giáp, mặt nam thông đến suối Tiêu Tương, là những chỗ hay tụ hội của những người trích giáng, và những bọn tao ngâm; không biết đối với phong cảnh chốn này, nỗi cảm xúc của những bậc người ấy có khác nhau hay không?

Khi mưa dầm gió bấc, trăng sao mù mịt, sông núi lờ mờ, thuyền buôn đóng bến, lái gãy mui lật, chiều hôm tối đen, hổ gào vượn hét, ai lên lầu này, xa nước nhớ làng, lo sợ sàm báng, mà lại trong thấy cảnh tiêu điều ở trước mắt, tất phải cảm mà thương khóc vậy.

Khi mùa xuân êm ái, sóng gió im lặng, chân trời mặt nước xanh biếc một màu, đàn sa âu lặn lội tự do, cỏ quanh bờ xanh tươi mơn mởn. Hay là khi một trời khói trắng, muôn dặm trăng trong, sáng nổi lớp vàng, bóng chìm hạt ngọc, tiếng hát của bọn thuyền chài xướng hoạ theo chiều gió, ai lên lầu này, tâm khoáng thần di, quên cả vinh nhục, uống rượu hóng gió mát, vui biết là chừng nào!

Than ôi! Đến như ta, sao ta muốn tìm xem lòng của các bậc nhân nhân đời xưa, lại thấy khác hẳn với sự buồn và sự vui vừa nói ở trên này: không vì cảnh vật mà mừng, cũng không vì thân thế của mình mà buồn, ở chỗ cao như trên lang miếu thì lo dân, ở chỗ xa như ngoài giang hồ thì lo vua, thế là iến cũng phải lo mà thoái cũng phải lo vậy. Song thế thì lúc nào được vui? Tất phải trả lời rằng: “Khi lo là lo trước cái lo của thiên hạ, khi vui là vui sau cái vui của thiên hạ”. Than ôi! Nếu không phải được người như thế, thì ta cùng với ai?”.

Tin bài liên quan:

VNTB – Trình độ tính toán của cán bộ quản lý!

Phan Thanh Hung

Đừng để vọoc chà vá phải đu dây điện tại bán đảo Sơn Trà

Phan Thanh Hung

VNTB – Thủy sản Việt Nam chịu ảnh hưởng biến động tỷ giá ngoại hối

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.