Thanh Bình
(VNTB) – Có lẽ thành tích năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua là đã được tính trên việc giả định loại trừ những hệ lụy mà dịch Covid đã – đang xảy ra tại Việt Nam.
“Mặc dù không hoàn thành một số chỉ tiêu, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với kết quả thành tích đặc biệt có ý nghĩa để nâng cao lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, niềm tin với Đảng, tính ưu việt của chế độ” – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận định.
Với phát biểu trên, cho thấy rất có khả năng ông Nguyễn Xuân Phúc lại được Đảng tin cậy để phân công ông tái nhiệm vị trí Thủ tướng ở nhiệm kỳ mới sắp tới đây của Quốc hội.
Có thật là năm 2020 là năm thành công nhất trong 5 năm qua?
Theo góc nhìn của hãng truyền thông Reuters thì mọi chuyện không hẳn như vậy nếu tính bằng các con số. Bài báo trên Reuters dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố hôm 27/12, và biên tập viên William Mallard đưa ra nhận định: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất ba thập kỷ vì Covid-19, thiên tai và kinh tế toàn cầu suy thoái.
Có lẽ thành tích năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua là đã được tính trên việc giả định loại trừ những hệ lụy mà dịch Covid đã – đang xảy ra tại Việt Nam.
Trong làm ăn kinh tế, dịch Covid khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đành cam phận để các ông lớn ngoại quốc bung tiền ‘thâu tóm’.
Công ty cổ phần Pymepharco (PME) đã hoàn tất họp Đại hội cổ đông bất thường hồi thượng tuần tháng 12-2020, trong đó nội dung chính là cho phép cổ đông lớn Stada Service Holding B.V, và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% vốn điều lệ của công ty mà không cần thực hiện chào mua công khai. Dự kiến việc tăng sở hữu của Stada thuộc Tập đoàn dược phẩm Stada Arzneimittel AG (Đức) sẽ hoàn tất trong năm 2021.
Stada đã vào PME từ cách đây hơn một thập kỷ và sau đó đã trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 62% vốn. Gần đây, cổ đông này nhận chuyển nhượng thêm gần 6 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 70%.
Còn PME là tiền thân là Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên, thành lập cách đây hơn 30 năm – một trong những nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực với hệ thống nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Đây là doanh nghiệp dược có quy mô vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán sau Dược Hậu Giang (DHG).
Quỹ STIC Investments đến từ Hàn Quốc cũng đã chi hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phần công ty dược Nanogen với định giá cũng ngang ngửa Pymepharco. Toàn bộ 8 nhà đầu tư nước ngoài tại Nanogen đều đến từ Hàn Quốc, trong số này có quỹ STIC Shariah Private Equity Fund III nắm 9,3% vốn cổ phần.
Nói thêm, công ty Nanogen chính là nơi đang thử nghiệm vắc xin Covid-19 của Việt Nam.
Ông lớn Hàn Quốc SK Group hồi cuối tháng 5 năm nay cũng nhận chuyển nhượng 12,32 triệu cổ phiếu, tương đương 24,9% cổ phần của Dược phẩm Imexpharm, với giá trị khoảng 670 tỷ đồng (gần 30 triệu USD). Phần lớn số cổ phiếu này được mua lại từ nhóm quỹ Dragon Capital với 11,3 triệu cổ phiếu, phần còn lại đến từ một số quỹ khác như CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…
Tại Imexpharm, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ xấp xỉ 49% cổ phần. Các cổ đông lớn khác gồm có nhóm VinaCapital (7%), KWE Beteiligungen AG (14,3%) và Tổng Công ty dược Việt Nam – Vinapharm (22,9%).
Hiện khá nhiều doanh nghiệp dược lớn đã mở room ngoại lên 49% qua đó mở đường cho doanh nghiệp ngoại nắm quyền chi phối như Taisho Pharmaceutical sở hữu 51% cổ phần Dược Hậu Giang, Abbott nắm giữ 51,7% cổ phần Domesco,…
Từ giữa 2019, Taisho của Nhật Bản đã chào mua thành công 20,6 triệu trong tổng số 28,3 triệu cổ phiếu Dược Hậu Giang. Theo đó, Taisho đã nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 66,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,78%. Dược Hậu Giang như vậy chính thức trở thành công ty con của đơn vị này.
Khép lại năm 2020, không quá khó khi có thể thấy rằng hiện nhiều doanh nghiệp ngành dược của Việt Nam đã thuộc quyền sở hữu của những ông lớn nước ngoài. Và với quy mô ngành dược được đánh giá là rất lớn với giá trị khoảng 5 tỷ USD năm, thì điều này cho thấy lợi nhuận mang đến từ ngành dược, chủ yếu hưởng lợi vẫn là những ‘chủ nhân’ ngoại quốc.