VNTB – Năm 2023 đầy khó khăn đối với Chính phủ Phạm Minh Chính

VNTB – Năm 2023 đầy khó khăn đối với Chính phủ Phạm Minh Chính

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – “Năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung,” Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

 

Bầu trời giờ đầy u ám

Từ những khó khăn được dự báo trước đó nên người dân không hề bất ngờ khi liên Bộ Công thương – Bộ Tài chính đưa ra giải thích rằng dù sử dụng quỹ bình ổn, nhưng giá các mặt hàng xăng dầu vẫn tăng khá mạnh trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên trong năm Quý Mão 2023, xăng E5RON 92 và xăng RON 95 cùng tăng gần 1.000 đồng mỗi lít.

Dữ liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công thương cho thấy trên thị trường Singapore tính đến 16-1-2023, giá xăng RON 92 là 97,3 USD/thùng, xăng RON 95 là 100,2 USD/thùng, dầu diesel 116,3 USD/thùng, cao hơn rất nhiều so với bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá gần nhất.

Tôi cho rằng năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và ngành công thương nói riêng.

Lý do như chúng ta đã dự báo, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng và lương thực vẫn chưa thể kết thúc sớm. Xu hướng bảo hộ mậu dịch, căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga – Ukraine kéo dài sẽ khiến cho nguồn cung và giá cả năng lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường” – ông Nguyễn Hồng Diên có chia sẻ như vậy trong một gặp gỡ tân niên Quý Mão với giới truyền thông.

Có một điều mà ông Nguyễn Hồng Diên tránh đề cập, đó là nhân sự cấp cao trong bộ máy Chính phủ ngay từ đầu năm 2023 đã biến động với chiều hướng không mấy sáng sủa; trong đó việc “trống” ghế của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đến nay vẫn chưa thấy có thông báo nào liên quan.

Nhìn đâu cũng thấy nợ

Trong bức tranh cảnh báo không mấy tươi sáng ở trên, ghi nhận số liệu từ Phòng Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, về công khai thông tin các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn, cho biết hiện TP.HCM có 60 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động. Những sàn này được thành lập trong giai đoạn từ 2017 đến tháng 11-2022.

Trước đó, trong tháng 12-2022, có 5 sàn giao dịch bất động sản chấm dứt hoạt động, đây là con số được đánh giá rất đáng lưu tâm.

Liên quan thị trường bất động sản, mới đây Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý IV-2022 và cả năm 2022, cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ Xây dựng cho biết tính đến hết năm 2022 tổng nợ vay bất động sản hơn 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp bất động sản khoảng 800.000 tỷ đồng, nợ trái phiếu khoảng 419.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cho biết theo số liệu thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng khoảng 13,7%; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 56,7%.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể trong năm 2022 cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, năm 2022 vẫn là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều thách thức, có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Về nguyên nhân, Bộ Xây dựng cho biết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.

Tiền không còn… ‘dễ in’ nữa rồi!

Bên cạnh đó lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Không những vậy, khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư…

Ðến nay, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa công bố chính xác con số tăng trưởng tín dụng năm 2023 bao nhiêu, nhưng các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tính toán sớm để hỗ trợ cho nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đã đề ra.

Ở đây, việc Chính phủ Phạm Minh Chính trình Quốc hội chỉ tiêu lạm phát không quá 4,5%, tương đương chấp nhận lạm phát cao hơn năm trước là một yếu tố thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng, hay kéo giảm lãi suất để phục vụ phát triển đời sống làm ăn.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)