Cát Tường – Hà Nguyên
(VNTB) – “Khách hàng chuyến bay giải cứu” không được phía công tố xem là nạn nhân trực tiếp của chuyện tham nhũng ở Việt Nam
Nạn nhân trong vụ đại án ‘chuyến bay giải cứu”, nếu là “người Việt định cư ở nước ngoài”, liệu ai sẽ bảo vệ quyền lợi của họ?
Những luật sư và cựu viên chức của hệ thống tư pháp Việt Nam cho rằng: Hàng trăm ngàn người phải trả chi phí cực lớn cho việc được lên phi cơ để hồi hương, phải lưu trú – ăn uống tại nơi được chỉ định trong thời gian cách ly không phải là “bị hại” vì chi phí đó là do các bên tự thỏa thuận.
Nếu các nạn nhân chứng minh được rằng họ phải nộp khoản tiền “trái với quy định của nhà nước” hoặc các tổ chức cá nhân đã gian dối trong việc thu tiền hay có những hành vi khác khiến cho giao dịch vô hiệu (như bị lừa dối, bị cưỡng ép…) thì họ có thể khởi kiện bằng các vụ kiện riêng ở tòa dân sự để đòi lại tiền từ các doanh nghiệp có liên quan.
Còn nếu các giao dịch là hợp pháp, tự nguyện, việc nộp tiền là công khai, ngay tình, tổ chức thu tiền có chức năng nhiệm vụ được pháp luật cho phép, giá cả theo thỏa thuận thì đây là quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, chưa có cơ sở pháp lý để công dân có thể yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan phải trả tiền.
Như vậy sau khi kết thúc phiên tòa ở cấp phúc thẩm về vụ đại án “chuyến bay giải cứu”, xem ra nếu muốn thì các nạn nhân là người Việt định cư ở nước ngoài khi về Việt Nam từ các “chuyến bay giải cứu” có thể yêu cầu tòa án liên quan bảo vệ, tức chính phủ Việt Nam có thể đối mặt với một vụ kiện thưa khác ở xứ người?
Tình huống pháp lý trên xem ra khá hy hữu và không nhiều khả năng xảy ra, bởi ngay cả phiên tòa hình sự sơ thẩm đang diễn ra ở đại án này, phía giữ quyền công tố đã không xem “khách hàng chuyến bay giải cứu” là những nạn nhân trực tiếp của chuyện tham nhũng ở Việt Nam; tức họ phải là “nguyên đơn dân sự” của vụ án hình sự này.
Khi không có nạn nhân cho chứng minh “thiệt hại dân sự”, thì xem ra ở đại án “chuyến bay giải cứu” được hiểu đơn thuần là vụ án nhằm “triệt nhau” giữa các nhóm quyền lực ở cấp thượng tầng chính trị.
Sở dĩ ở đây chỉ đặt vấn đề nạn nhân của vụ án giới hạn ở khách hàng có… “yếu tố nước ngoài”, vì người Việt “nội địa” ai cũng hiểu nếu “sắm vai” nguyên đơn dân sự trong đại án “chuyến bay giải cứu”, họ sẽ đối mặt với vô số thủ tục hành chính rối rắm của yêu cầu tố tụng, để rồi kết quả bản án tuyên cuối cùng có thể biến “lợn lành thành lợn què” theo “chỉ ý” nào đó từ phía “bên trên”.
“Các chuyến bay hồi hương có mục đích là giúp đỡ những người Việt đang bị khó khăn ở nước ngoài trở về nước. Những người Việt Nam tại nước ngoài có nhu cầu về nước, viết đơn đăng ký lên cơ quan đại diện Việt Nam, sau đó họ sẽ xét duyệt theo các mức ưu tiên. Khi được phía cơ quan đại diện chấp nhận, họ sẽ gửi email và chỉ định ra một phòng vé máy bay để trả tiền.
Thế nhưng phần lớn là không nhận được trả lời của cơ quan đại diện Việt Nam cho phép về nước. Những người có nhu cầu về nước phải thông qua các phòng vé, để mua vé về Việt Nam với giá rất cao. Thông thường là khoảng 4.000 đô la Mỹ và có giai đoạn là 8.000 đô la Mỹ cho chuyến bay một chiều từ Czech về Việt Nam. Phía các phòng vé sẽ lo mọi khoản giấy tờ, kể cả việc lo chạy giấy trên các cơ quan đại diện Việt Nam. Còn cụ thể họ chia chác tiền như thế nào thì tôi không biết cụ thể”.
Ông Hoàng Hùng, một trong những quản trị viên của trang Tôi và Sứ quán, cho biết.
Như vậy, trong một lăng kính rộng hơn có thể thấy rằng vấn đề “bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”, từ đại án “chuyến bay giải cứu”, cho thấy vấn đề nhân quyền theo nếp hành xử của quan chức Hà Nội, tất cả đều liên quan đến lợi ích tài chính của nhóm quyền lực được giao phụ trách vấn đề này.
Nói theo cách của cơ quan Tuyên giáo, bảo hộ công dân góp phần quan trọng giúp củng cố tính chính danh của Nhà nước và niềm tin của công dân; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Và từ đại án “chuyến bay giải cứu”, không cần đến khi việc có thể xảy ra những vụ kiện tụng mang tính quốc tế hóa như phần đầu bài viết này đặt ra, chỉ cần quan sát việc không có bất kỳ nguyên đơn dân sự nào, đủ hiểu thực chất của các mức án sắp tới đây cũng chỉ là xoa dịu của “rút củi dưới đáy nồi” về tham nhũng chính sách trong thể chế độc đảng chính trị.
1 comment
Ý kiến rất hay . Tòa thường chực quốc tế đã có văn phòng đại diện ở Hà Nội, nên khởi kiện chính phủ Việt Nam, & nên làm trước khi Nguyễn Quốc Tấn Trung lên Quora phóng uế bừa bãi