Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nếu Đảng sai lầm thì toàn dân lãnh đủ?

Vân Khanh

(VNTB) – “Đảng ta đã xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Trên trang điện tử thông tin tổng hợp của Ban Kinh tế Trung ương hôm 22-9-2020 đã đăng bài báo dạng phỏng vấn, có tựa khá lủng củng: “Hướng tới truyền thống 70 năm Ban Kinh tế Trung ương, Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương” (*).

Bài báo phỏng vấn được ký tên tác giả là “Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế”.

Ông Nguyễn Văn Bình nói rằng Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao chủ trì tham mưu, xây dựng một số Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 11-NQ/TW Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong bài báo mang tính lễ nghi cho phục vụ sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương, người đọc không tìm thấy được cụ thể kết quả mà Ban Kinh tế Trung ương làm được cho yêu cầu “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên nguyên tắc thì Ban Kinh tế Trung ương chỉ là cơ quan tham mưu – tức “thầy dùi”. Như vậy dẫu “dùi trúng – trật” ra sao đi nữa thì chịu trách nhiệm trước quốc dân, trước lịch sử vẫn là Đảng Cộng sản Việt Nam với cụ thể từng cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư ở từng nhiệm kỳ quản lý.

Từ bài học trong quá khứ Đảng vấp nhiều sai lầm trong chính sách kinh tế như: Cải cách ruộng đất tại miền Bắc từ 1953 đến 1956; Chiến dịch cải tạo tư sản miền Nam lần I. Ngày 15/7/1976, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết 254/NQ/TW về những công tác trước mắt ở miền Nam, hoàn thành việc xoá bỏ giai cấp tư sản mại bản, tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Tháng 12 năm 1976, chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành Chiến dịch cải tạo tư sản lần II. Tiếp theo, Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 3 năm 1977 quyết định hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh miền Nam trong 2 năm 1977-1978.

Giáo sư Trần Văn Thọ viết về tình trạng kinh tế 10 năm đầu sau chiến tranh (nguồn http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai33/201533_TranVanTho.pdf):

“Mười năm sau 1975 là một trong những giai đoạn tối tăm nhất trong lịch sử Việt Nam. Chỉ nói về mặt kinh tế, là một nước nông nghiệp (năm 1980, 80% dân số sống ở nông thôn và 70% lao động là nông dân) nhưng Việt Nam thiếu ăn, nhiều người phải ăn bo bo trong thời gian dài. Lượng lương thực tính trên đầu người giảm liên tục từ năm 1976 đến 1979, sau đó tăng trở lại nhưng cho đến năm 1981 vẫn không hồi phục lại mức năm 1976.

Công thương nghiệp cũng đình trệ, sản xuất đình đốn, vật dụng hằng ngày thiếu thốn, cuộc sống của người dân vô cùng khốn khó. Ngoài những khó khăn của một đất nước sau chiến tranh và tình hình quốc tế bất lợi, nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do sai lầm trong chính sách, chiến lược phát triển, trong đó nổi bật nhất là sự nóng vội trong việc áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa trong kinh tế ở miền Nam…

Nguy cơ thiếu ăn kéo dài và những khó khăn cùng cực khác làm phát sinh hiện tượng “phá rào” trong nông nghiệp, trong mậu dịch và trong việc quyết định giá cả lương thực đã cải thiện tình hình tại một số địa phương. Nhưng phải đợi đến đổi mới (tháng 12/1986) mới có biến chuyển thực sự. Do tình trạng đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong 10 năm trước đổi mới chỉ tăng 35%, trong thời gian đó dân số tăng 22%. Như vậy, GDP đầu người trung bình tăng chỉ độ 1% (mỗi năm)” (dừng trích).

Tuy nhiên cho đến nay trên các phương tiện truyền thông và cả sách lịch sử, người dân vẫn chưa rõ việc quy lỗi, quy trách nhiệm cụ thể ra sao đối với những chính sách sai lầm mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra?

Liệu có vấp lại sai lầm của bài học duy ý chí khi – nói như xác nhận của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: vì đây là mô hình chưa có tiền lệ trên thế giới, nên Việt Nam đã trải qua thời gian 35 năm rồi, nay vẫn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

______________

Chú thích:

(*) https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/tin-noi-bat?p_p_id=101&p_p_lifecycle=0&p_p_state=normal&p_p_mode=view&p_p_col_id=column-1&p_p_col_count=1&_101_struts_action=%2Fasset_publisher%2Fview_content&_101_assetEntryId=2311173&_101_type=content&_101_urlTitle=huong-toi-truyen-thong-70-nam-ban-kinh-te-trung-uong-%C4%91ong-chi-nguyen-van-binh-uy-vien-bo-chinh-tri-bi-thu-trung-uong-%C4%91ang-truong-ban-kinh-te-trung-uon

Tin bài liên quan:

VNTB – Mô hình kinh tế của Đảng tương thích mô hình nào trên toàn cầu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Xung đột và huyền thoại trong “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”

Do Van Tien

VNTB – Đề án 1334/QĐ-TTg 2023 & Lúc túng toan lên bán cả trời – Phần 2

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.