Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nếu được nói với nhau những lời cuối cùng, ta sẽ nói gì?

Lục Diệp

(VNTB) – Đã có rất nhiều cuộc đời cứ thế mà khép lại, không cơ hội để nói lời cuối. Trong trời đất vô cùng này, sinh mệnh thật nhỏ nhoi…

“Tôi đã định đón xe về nhà rồi, nhưng mạ bảo thôi cứ ở lại Sài Gòn để cố làm kiếm tí tiền hãy về. Chẳng lẽ mới vào có ít ngày đã lại quay ra, tốn tiền tàu xe. Ngoài quê, mạ và mấy em sẽ đùm bọc nhau qua cơn tai ương” – Lợi ngân ngấn nước mắt tâm sự.

Người thanh niên mới 25 tuổi mà trông già dặn như ngoài 30 kể, mấy ngày nay cứ lúc nào rảnh rỗi là mở ngay điện thoại xem tin tức ngoài quê nhà.

“Tiền công phụ hồ được 300.000 đồng mỗi ngày, cao hơn nhiều so với làm nghề rừng ở quê. Nhưng ở thành phố đắt đỏ này, tôi phải thật tiết kiệm mới dành dụm được chút đỉnh gửi ra quê phụ mạ nuôi các em” – Lợi kể vừa xin chủ thầu cho ứng trước một tháng lương để gửi tiền ra quê. Chủ thầu cũng là người đồng hương hiểu cảnh khổ bão lũ, cho Lợi ứng 10 triệu đồng. Số tiền rất lớn và ý nghĩa với mạ cùng các em Lợi lúc này!

“Ở quê tôi, thanh niên lớn lên đa số đều đi làm ăn xa. Một số ít thì đi lao động nước ngoài. Nhiều người thì vào Nam tìm việc ở các nhà máy. Nên mỗi khi quê nhà xảy ra chuyện gì đột ngột như thiên tai bão lũ, thường thiếu sức vóc trụ cột của trai tráng. Ở Sài Gòn, nghĩ những cảnh cha mẹ già, em thơ đang phải trải qua mà rớt nước mắt!” – anh Lý Văn Bường, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, tâm sự.

Trong số những lời kêu gọi cứu trợ miền Trung, còn có lời nhắn nhủ được truyền đi: ưu tiên hỗ trợ áo phao. “Phải sống trước đã” – chia sẻ của nhiều người thiện nguyện chuẩn bị ra cứu trợ ở miền Trung có lẽ khiến ai đó trong nỗi lòng hoài hương phải cay mắt. Phải rồi, phải sống trước đã. Đêm nước lên nhanh ở Quảng Trị, có bao nhiêu người được cứu, có bao nhiêu người không thoát kịp? Con số chưa thống kê được, nhưng đã có người chết, mất tích, có cả gia đình bị vùi lấp…

Có người đang ở Sài Gòn nhắc chuyện đâu phải ngẫu nhiên mà trong trường ca Hội trùng dương, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi viết về miền Trung, ông lại thấm và chọn mô tả cái nỗi đau của đồng bào mỗi khi lụt lội, với giai điệu và ca từ rất buồn bã: “Trời rằng: trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn…”, để rồi cuối đoạn 2, ông ước một niềm mơ ước miên viễn: “quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn. Cho em vang khúc ca nồng nàn…

Nghe cất tiếng hát lên, là lại thấy hiển hiện một niềm thương đau đáu. Ai không xúc động đến trào nước mắt khi nhìn cảnh những bé thơ, những cụ già phải bồng bế nhau trèo lên mái nhà, ngơ ngác nhìn con nước cuồn cuộn đổ về ngập hết xung quanh. Rồi những cái chết thương tâm, vì sẩy chân, vì lật ghe và vì trăm thứ khác khi “hồng thủy” tuôn trào, nổi giận…

Dường như một cái gì đấy định mệnh gắn với dải đất Trung phần Việt Nam từ xa xưa: chinh chiến, thiên tai, cấu trúc địa lý nghèo đất nhiều núi đồi…

Gánh hai đầu đồng bằng sông Hồng và Cửu Long ăm ắp phù sa mầu mỡ xanh non lứa nước với những mùa bội thu xuất cảng gạo ra khắp bốn bể năm châu, miền Trung hẹp đến mức nghĩ không thể hẹp hơn, dài hình chiếc đòn gánh oằn nặng do cấu trúc địa lý, hình thể chiến lược tạo nên bức tranh kinh tế – xã hội rất đặc thù: ít đất sản xuất nông nghiệp, chuyện thiếu thốn lương thực ngay thời bình hay sóng yên biển lặng đã có xảy ra nói chi bão tố lũ lụt.

Thế đất miền Trung tựa vào núi rừng và biển kéo dài, bão từ biển vào và lũ do tích nước đổ từ trên cao liền kề sau bão, như liên khúc ác nghiệt. Lũ ở miền Trung kinh khiếp, ngập mái nhà. Thời chiến tranh, từng có lúc hai bên hưu chiến vì lý do lũ lụt do sự sống đồng bào…

“Mình cứ thế mà ra đi thôi sao?” – câu hỏi trên trang Facebook của ai đó bùi ngùi trong chiều mưa buồn.

Câu hỏi cứ nhoi nhói trong lòng. Sinh mệnh quý giá, thời gian quý giá cho mỗi cuộc đời khi còn được sống, ta đã sử dụng thời gian quý giá ấy như thế nào?

“Em nhất định sẽ đến những nơi đã ấp ủ nhiều năm mà vẫn chưa đến”, “Mình sẽ bắt đầu làm những gì mình muốn, không sợ hãi, không ngần ngại như trước nữa”, “Quý giá nhất là về bên gia đình”… Câu hỏi nhận về những dòng sẻ chia. Đó có lẽ cũng là những ước muốn sâu thẳm trong mỗi người, nhưng vì “bận việc”, “chưa có nhiều tiền”, “sợ thất bại”… đã khiến người do dự, bỏ lỡ, lãng quên.

Nếu được nói với nhau những lời cuối cùng, ta sẽ nói gì? Và ước mong gì?

Tin bài liên quan:

VNTB – Miền thương…

Phan Thanh Hung

VNTB – Người dân nói gì về độc quyền nhà nước trong nhận và phát hàng cứu trợ đồng bào miền Trung

Phan Thanh Hung

RFA – Qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo