VNTB – Để Quảng Bình bớt ngập vì lũ lụt

VNTB – Để Quảng Bình bớt ngập vì lũ lụt

Cao Việt Sỹ  

 

(VNTB) – Để giảm thiểu tối đa tác hại lũ lụt ở Quảng Bình, cần có những giải pháp cụ thể, giúp người dân “sống bình yên cùng lũ lụt”.

Năm nào tỉnh Quảng Bình quê tôi cũng chịu cảnh bão lụt, nhưng năm nay là khủng khiếp nhất mà người dân phải hứng chịu. Nhân dân cả nước đã chung tay giúp đỡ Quảng Bình, giúp đỡ những người dân quê giữa mênh mông nước lụt, mấp mé giữa sự sống, đói rét và cái chết, thật cảm động.

Quảng Bình có hai con sông lớn, mỗi năm lũ lụt, sông Kiến Giang gây ngập nặng hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy ở phía Nam và sông Gianh làm ngập các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Quảng Trạch ở phía Bắc.  

Sông Kiến Giang ở phía Tây-Nam huyện Lệ Thủy, chảy theo hướng Nam Bắc đón nhận thêm nước của sông Cẩm Ly đi vào huyện Quảng Ninh, hợp lưu với sông Long Đại, đổ nước ra biển ở cửa  Nhật Lệ. Sông Gianh chảy giữa dãy  Trường Sơn và Hoành Sơn qua các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, đổ ra biển cửa Gianh

Để giảm thiểu tối đa tác hại lũ lụt ở Quảng Bình, cần có những giải pháp cụ thể, giúp người dân “sống bình yên cùng lũ lụt”. 

Mùa lụt, Quốc lộ 1A “như con đê” chắn nước lại, dòng nước không thể chảy nhanh, phải vòng vèo qua một quãng đường xa khoảng 50km mới ra đến cửa biển Nhật Lệ. Nước sông dồn ứ, biến hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy thành “rốn lụt”, nhấn chìm nhiều làng xã. Để giải quyết vấn đề này cần xây dựng hệ thống “cống hộp” đi qua Quốc lộ 1A, xuyên qua đồi cát ven bờ, đổ nước ra biển. “Cống hộp” sẽ hoạt động khi mực nước sông Kiến Giang lên đến mức “báo động”. Một lượng nước lớn sẽ ra biển qua cống này. Hệ thống “cống hộp” có thể là hai hoặc ba cái, giúp đưa nước ra biển. Ở mỗi hệ thống nên đặt thêm máy bơm tiêu úng. Ở cửa biển Nhật Lệ, hiện bị bồi lấp nặng phải được khơi thông và mở rộng và đào sâu xuống để nước lụt thoát nhanh ra biển. Những việc này không tốn kém nhiều, Tỉnh và các huyện nên thực hiện sớm.

 

Sông Gianh mùa lụt, “rốn lũ” nằm ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, có năm hơn 90% diện tích bị ngập sâu 3m. Từ xã Tân Hóa về đến cửa Gianh khoảng 80km, nên nước rút rất chậm.  

 Để giúp người dân dân “sống bình yên cùng lụt” vấn đề nhà ở và lương thực hết sức quan trọng. Từ trước đến nay, nhiều nơi vẫn loay hoay với “nhà chống lũ”. Hãy học đồng bào Thái, Mường họ làm nhà sàn để ở. Ở An Giang người dân xây dựng nhà chống lũ rất hiệu quả. Từ những kinh nghiệm quý này, người dân trong vùng lụt ở Quảng Bình cần làm nhà sàn để ở. Nhà sàn có thể làm đơn giản với bộ khung bằng cột xi măng cốt thép, những gì còn lại người dân sẽ bổ sung dần. Việc kêu gọi ủng hộ giúp dân làm nhà sàn sẽ được nhiều người ủng hộ. Với nhà sàn, người dân sẽ yên tâm không sợ bị ngập vì lụt. Hàng năm, mỗi trận lụt kéo dài chỉ khoảng hai tuần, các gia đình nên trữ sẵn lương thực và các nhu yếu phẩm, để không bị động.  

 

           Tỉnh Quảng Bình nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung cần có những đội cứu hộ chuyên nghiệp. Lũ lụt và thiên tai, cháy rừng v.v. các anh bộ đội, công an đã làm hết sức mình, thậm chí hy sinh để cứu dân, thật đáng trân trọng. Nhưng họ là những người “nghiệp dư” ít được đào tạo về kỹ thuật cứu hộ, thiết bị cứu hộ không có hoặc không đủ, đã có những mất mát đáng tiếc.

          Từ những mất mát đau thương, cần xây dựng những đội cứu hộ chuyên nghiệp, có các xuồng cứu sinh phù hợp với vùng lũ, các thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng. Đào tạo chuyên viên cứu hộ, cứu người phù hợp với tình trạng khẩn cấp.  

Nhiều cánh tay nhân ái đã đến với nhân dân Quảng Bình, xin có lời tri ân sâu sắc. Trong cảnh mưa như trút, một gói quà, một thùng mì tôm, một đòn bánh tét, một bộ áo quần thật là quý, đó là tình cảm nhân dân cả nước dành cho dân Quảng Bình, hãy trân trọng và nâng niu.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)