Hà Nguyên
(VNTB) – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng tấm bảng có bốn chữ nạm vàng “Dĩ đức an dân”.
“Với khát vọng Việt Nam là nước phát triển hùng cường, có thu nhập cao năm 2045, đi liền với đó là sự phát triển của đạo Phật. Đến thời điểm ấy, Phật giáo sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong người dân, có nhiều đóng góp cho đất nước”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu như vậy hôm 13-5 tại buổi gặp gỡ chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Có lẽ ý tứ mà ngài tân Chủ tịch nước muốn nói đến chuyện niềm tin của dân là nhu cầu tinh thần có thể dựa trên các hình thức tôn giáo. “Dĩ đức an dân”. Đức trị ở Việt Nam có cội nguồn từ xã hội phong kiến, lấy Phật giáo làm nền tảng tư tưởng và kinh tế nông nghiệp làm cơ sở vật chất.
Phật giáo ở Việt Nam bao đời nay luôn khuyên nhủ con người hướng thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế – xã hội hiện nay để Phật giáo tạo ra đức tin như xưa là không thể. Nhiều người, nhất là giới trẻ các cơ sở tôn giáo được coi là danh lam thắng cảnh để du lịch, vui chơi hơn là chốn linh thiêng.
Vậy thì “Dĩ đức an dân”, tạm hiểu là đạo đức luôn phải đi trước, và ở đây có thể là ‘đạo đức cách mạng’ của người đảng viên cộng sản.
Sinh thời, theo sách vở ghi lại, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi đạo đức là một nguồn dinh dưỡng để nuôi sống con người, là nền tảng của sự phát triển, là thước đo lòng cao thượng của mỗi cá nhân.
Người ví đạo đức đối với con người như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh rằng “Đức quan trọng hơn Tài”, và “vào Trung ương không phải cho oai, để kiếm chác cái gì, vào Trung ương để hy sinh, phấn đấu, rèn luyện, làm cho Ðảng ta mạnh hơn nữa”.
Nếu người đứng đầu Đảng và cả ngài Chủ tịch nước đều đồng tình đề cao đức trị, có nghĩa nhìn nhận những giá trị của người quân tử, thì hãy biểu hiện cho quốc dân tường minh qua việc mở cửa nhà tù đề trả tự do cho tất cả những ai phải đi tù vì ‘dám lên tiếng phản biện’.
Tuân Tử nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”.
Một câu cũng được cho là của Tuân Tử bên Trung Hoa: “Quân tử tính phi dị dã, thiện giả ư vật dã” – tức, người quân tử không phải sinh ra đã cao minh hơn người bình thường, mà là do họ khéo mượn sức mạnh của các vật để sử dụng. Khéo vận dụng các điều kiện bên ngoài để bù đắp những thiếu hụt của bàn thân, đó cũng là con đường đến thắng lợi.
“Khéo vận dụng” trong trường hợp “người chê ta mà chê phải là thầy của ta”, đó chính là câu chuyện của “phản biện” từ chính sách xã hội đến đường lối chính trị của những người như nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Anh Hùng, Trương Minh Đức (cả 4 người đều là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam), như nhà văn Phạm Thành…
Về lý thuyết, thì tư duy phản biện có bốn nguyên tắc phản biện. Hay nói đơn giản, phản biện là tự do tranh luận, nhưng chống chỉ định, hay tuân thủ bốn điều cấm sau: 1) Lạc đề, 2) Không bám vào hệ thống luận điểm, 3) Cắt xén, xuyên tạc, 4) Chỉ phán xét đúng sai mà không có căn cứ nào.
Như vậy, với những tình tiết ‘cáo buộc một chiều’, không có đối chất giữa bên thẩm định bài báo với tác giả bài báo đang phải chịu sự cáo buộc tội danh hình sự như ở vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, cho thấy nếu là “đức trị”, thì cần “Quân tử tính phi dị dã, thiện giả ư vật dã”, để thực thi điều mà dân gian đã diễn nôm Người chê ta mà chê phải là thầy của ta…
Hơn thế, nhà báo Nguyễn Tường Thụy 71 tuổi, nhà văn Phạm Thành 69 tuổi. Cả hai đều đã ở tuổi tri thiên mệnh. Nếu đã chọn “đức trị”, có lẽ trước mắt để đúng với lời khen tặng “Dĩ đức an dân”, ngài Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc bằng quyền hạn trong chức trách của mình, có thể trả tự do ngay thời điểm này với yếu tố nhân đạo đối với hai tù nhân kể trên ở mùa đại dịch Covid-19.
Dĩ nhiên một khi ngài Chủ tịch nước thấu hiểu “Người quân tử không phải sinh ra đã cao minh hơn người bình thường”, ông sẽ càng trân trọng các ý kiến phản biện chính trị lẫn xã hội, và với bản lĩnh của một đảng viên đạo đức cách mạng, ngài Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục trả tự do cho tất cả những nhà bất đồng chính kiến đang trong chốn lao tù.
Nói đơn giản hơn, một khi đã lựa chọn “Dĩ đức an dân”, thì tất thấm thía khuyến cáo của cựu Thường trực Ban Bí thư, ông Trần Quốc Vượng: “Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ thôi”.