VNTB – Nếu mai đây có công đoàn độc lập…

VNTB – Nếu mai đây có công đoàn độc lập…

Thu Trang

 

(VNTB) – Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp được xác định là tổ chức xã hội đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.

 

Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. Đây là một quyền không mới do đã được pháp luật về lao động của Việt Nam ghi nhận cho người lao động từ rất lâu.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều này cho phép người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đây là một tổ chức rất mới, độc lập với tổ chức công đoàn cơ sở truyền thống.

Bộ luật Lao động năm 2019 khẳng định cả công đoàn và các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền, và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Như vậy, với quy định trên, có thể thấy, tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có sự khác nhau về bản chất và mục đích.

Cụ thể, trong khi “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động… đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp”, thì tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp được xác định là tổ chức xã hội đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.

Như vậy tạm gác qua chuyện về quyền lợi chính trị, ở đây giả dụ như mai đây có những “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, thì cần lưu ý những điều sau đây vốn là khiếm khuyết vẫn chưa được khắc phục của “Công đoàn nhà nước”:

Thứ nhất, việc tham gia của tổ chức công đoàn nhà nước (sau đây gọi tắt là ‘công đoàn’) vào quá trình đàm phán, ký kết thỏa ước tập thể còn hạn chế. Nhiều thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chủ yếu bao gồm các nội dung luật định mà chưa hướng tới việc đảm bảo quyền lợi hơn cho người lao động.

Cán bộ công đoàn khi tham gia đàm phán ký kết thỏa ước còn thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết chính sách, pháp luật nhất là luật lao động. Việc chuẩn bị của cán bộ công đoàn trước khi tổ chức thương lượng tập thể còn yếu, thậm chí nhiều nơi còn chưa biết cách tổ chức lấy ý kiến, thuyết phục tập thể người lao động, nhất là đối với những vấn đề người lao động còn phân vân.

Do vậy, phần lớn thỏa ước lao động tập thể được ký kết chủ yếu rập khuôn theo Bộ luật Lao động, không đem lại kết quả có lợi hơn cho người lao động.

Trong thỏa ước lao động tập thể của một số doanh nghiệp có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, nhưng những điều khoản này lại chủ yếu do người sử dụng lao động tự đưa ra trên cơ sở khả năng đáp ứng của doanh nghiệp mình chứ không phải là kết quả của quá trình đàm phán mà tổ chức công đoàn đạt được trong thương lượng tập thể.

Nhiều doanh nghiệp ký kết thỏa ước chỉ nhằm làm đúng quy định pháp luật, tránh sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không hướng tới việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Thứ hai, về tài chính và điều kiện làm việc của cán bộ công đoàn.

Kinh phí hoạt động của tổ chức công đoàn do công đoàn viên và người sử dụng lao động đóng góp. Hàng tháng người sử dụng lao động có trách nhiệm thu và chuyển số tiền này cho tổ chức công đoàn để hoạt động. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều doanh nghiệp chây ỳ, không kịp thời chuyển hoặc chuyển đủ số tiền này cho công đoàn để công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Một số người sử dụng lao động còn áp đặt tổ chức công đoàn sử dụng số tiền này để phục vụ một số hoạt động như tổng kết năm, lễ tết… trên danh nghĩa của người sử dụng lao động.

Ở nhiều nơi, tổ chức công đoàn cơ sở phải hoạt động trong điều kiện thiếu cơ sở vật chất nên các cán bộ công đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp công đoàn viên đến làm việc.

Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho các cán bộ công đoàn còn ở mức thấp, nguồn thu nhập của các cán bộ công đoàn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tiền lương mà người sử dụng lao động chi trả.

Chính vì sự lệ thuộc về tài chính của tổ chức công đoàn vào người sử dụng lao động đã ảnh hưởng đến tính độc lập trong tổ chức và hoạt động khi công đoàn tham gia vào quan hệ lao động, tạo ra sự khó khăn cho cán bộ công đoàn trong việc bảo quyền lợi cho các công đoàn viên khác, vì khi họ thực hiện nhiệm vụ của mình vẫn phải “nhìn sắc mặt” của người sử dụng lao động để giải quyết.

Thứ ba, về vai trò đại diện cho người lao động. Một trong những chức năng chính của tổ chức công đoàn là chức năng đại diện cho người lao động. Tuy nhiên, việc đại diện cho người lao động, đặc biệt là việc đại diện cho người lao động tại các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Nhiều tranh chấp lao động nổ ra nhưng thiếu vắng sự xuất hiện của các cán bộ công đoàn nên nhiều nơi người lao động phải tự mình đấu tranh đòi quyền lợi cho mình, tuy nhiên, rất nhiều người lao động còn thiếu hiểu biết, thiếu phương pháp đấu tranh nên hiệu quả của việc đòi quyền lợi này chưa được cao.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do năng lực của các cán bộ công đoàn còn hạn chế, các cán bộ công đoàn còn e ngại người sử dụng lao động, chưa sẵn lòng bảo vệ quyền lợi của người lao động, một phần nguyên nhân xuất phát từ chính hiểu biết của người lao động về tổ chức công đoàn còn hạn chế.

… Sở dĩ đặt vấn đề có từ “nếu” ở đây, vì trên thực tế, mặc dù Bộ luật Lao động năm 2019 đã cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động khác với công đoàn tại cơ sở, nhưng những quy định liên quan đến tổ chức này vẫn còn chưa cụ thể, nghĩa là chưa cách gì để có thể xúc tiến thành lập.

Điều này giống như Hiến pháp 2013 nói rằng “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”, thế nhưng “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” cụ thể ra sao thì vẫn còn treo lơ lửng suốt…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)