Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kịch bản nào nếu nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng hoạt động?

 

Hàn Lam

 

(VNTB) – Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35% sản lượng xăng dầu trong nước và là đối tác cung ứng xăng dầu lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước.

 

Hiện tại nhà máy hiện sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ nâng dần công suất lên 85% từ 12-3-2022 và lên mức 100% từ 15-3-2022. Việc duy trì sản xuất tạm thời đến khoảng tháng 5 năm nay.

Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4-2008 do 4 thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PetroVietnam góp vốn 25,1%.

Trước đó, NSRP phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1-2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính.

Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết lỗ lũy kế của NSRP đã lên tới 3,3 tỷ USD trong 3 năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD. “Để trở lại hoạt động không phải dễ” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, giải pháp căn cơ cho thị trường hiện nay vẫn là nâng hết công suất các nhà máy lọc hóa dầu còn lại lên để bảo nguồn cung cho thị trường.

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết dự kiến nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300.000 m3 xăng và 300.000 m3 dầu mỗi tháng.

Trong năm đỉnh dịch 2021, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt những con số kinh doanh ấn tượng, với sản lượng sản xuất đạt 6,5 triệu tấn; doanh thu đạt 100.694 tỷ đồng, tăng gần 74% so với năm 2020. Tính riêng quý IV-2021, BSR đạt khoảng 34.102 tỷ đồng doanh thu, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

BSR cho biết năm 2020 giá dầu thô (giá Dated Brent) giảm mạnh từ mức 63,5 USD/thùng bình quân tháng 1-2020 xuống còn 18,5 USD/thùng bình quân tháng 4-2020, sau đó tuy có tăng dần lên nhưng cũng chỉ đạt mức 49,89 USD-thùng bình quân tháng 12-2020.

Trong khi đó, năm 2021 giá dầu thô liên tục tăng mạnh. Giá Dated Brent liên tục tăng từ 49,89 USD/thùng bình quân tháng 12-2020 lên 83,66 USD/thùng bình quân tháng 10-2021, sau đó có giảm về 74,1 USD/thùng bình quân tháng 12-2021. Tuy nhiên những ngày đầu năm 2022 lại tiếp tục tăng cao đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của BSR trong quý IV-2021 nói riêng và cả năm 2021 nói chung.

Bên cạnh đó, năm 2020, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm chính (xăng, dầu) khá thấp, có tháng giá dầu thô cao hơn giá sản phẩm đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020. Trong khi đó, năm 2021, nhất là những tháng cuối năm, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.

Từ đầu năm đến nay, nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất đưa ra thị trường hơn 680.000 tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đạt 115% kế hoạch.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2021 của BSR, doanh thu thuần của công ty đạt 34.492 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần 2.675 tỷ, gấp 2,16 lần quý IV-2020, tương ứng với lãi ròng 2.684 tỷ đồng.

BSR là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất – một công trình được gọi là trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Trước mắt, BSR là kịch bản ‘cứu nguy’ cho các đe dọa nguồn cung từ Lọc dầu Nghi Sơn (NSRP).


Tin bài liên quan:

VNTB – Xăng, dầu tiếp tục ‘đá’ sang Bộ Tài chính

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tài nguyên dầu mỏ ở Việt Nam là con bò ‘cạn sữa’?

Phan Thanh Hung

Dự án lọc, hóa dầu tại Việt Nam: Càng ưu đãi càng lỗ chục ngàn tỉ đồng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo