VNTB – Nếu ông Trần Trọng Tuấn bị oan, phải xem lại thể chế quản trị quốc gia

VNTB  – Nếu ông Trần Trọng Tuấn bị oan, phải xem lại thể chế quản trị quốc gia

Khánh Hòa

 

(VNTB) – Ông Trần Trọng Tuấn, cựu giám đốc Sở Xây dựng, nói ông có đủ chứng cứ chứng minh không vi phạm. Ông Tuấn có học vị thạc sĩ luật, và được đánh giá là ‘ăn học tử tế’.

 

Cáo buộc

Theo cáo trạng, việc chuyển nhượng dự án của SAGRI (Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn) phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, tiến hành đấu giá và các quy định pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản; dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng.

SAGRI chưa xây dựng đề án tái cơ cấu, chưa có phương án thoái vốn tại dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B trình UBND TP.HCM là cơ quan đại diện chủ sở hữu để phê duyệt.

Đồng thời, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP.HCM có ý kiến trả lời về trường hợp chuyển nhượng dự án của SAGRI phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về đất đai…

Ông Tuấn biết rõ nhưng vẫn ký tờ trình đề xuất chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 cho Tổng công ty Phong Phú trái quy định pháp luật.

Bản chất việc chuyển nhượng này là chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản kèm theo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đồng thời, đây cũng là hình thức chuyển nhượng phần vốn góp ra bên ngoài của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Do vậy, việc chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty Phong Phú là chưa đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Đồng thời, việc không giao SAGRI thực hiện xác định giá trị phần tài sản hình thành từ vốn góp theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng làm căn cứ xác định giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của SAGRI và không đưa ra đấu giá là chưa đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Cáo trạng đánh giá đây là cơ sở để ông Lê Tấn Hùng và đồng phạm làm thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 672 tỷ đồng.

Phía cáo buộc lập luận, giám định của Bộ Xây dựng đã cho rằng trường hợp SAGRI chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì dự án tại phường Phước Long B, quận 9 chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng theo điều 49 Luật kinh doanh bất động sản. Do vậy, Quyết định số 6077 về chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 chưa đầy đủ các nội dung như: nguồn vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án… theo nghị định số 76/2015.

Việc chuyển nhượng không tiến hành đấu giá để xác định giá thị trường là không tuân thủ theo điều 29, điều 38 nghị định số 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn tài sản tại doanh nghiệp và điều 31 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

‘Đấu’ luật

Ông Trần Trọng Tuấn cho rằng kết luận giám định của Bộ Xây dựng không phù hợp với quy định pháp luật, và nếu sử dụng kết luận giám định này để giải quyết vụ án thì không đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, về vấn đề đấu giá dự án, ông Tuấn cho rằng điều 29 nghị định 91/2015 quy định về việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước. Còn điều 38 quy định về việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Điều 29 và điều 38 nằm trong mục quản lý vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.

Tức là nếu SAGRI đầu tư dự án này mà thành lập pháp nhân mới là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn, thì khi chuyển nhượng vốn ra khỏi doanh nghiệp phải đấu giá cổ phần hoặc cổ phiếu, nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn thì phải thực hiện theo Luật doanh nghiệp.

Trong vụ án này, SAGRI thực hiện dự án bằng hình thức hợp tác kinh doanh do SAGRI làm chủ đầu tư, không thành lập pháp nhân mới. Do đó, việc chuyển nhượng dự án bất động sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, xem xét dự án này có đủ điều kiện chuyển nhượng không. Nếu cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng tức là cho phép thay đổi chủ đầu tư. Sau đó các bên mới thực hiện các thủ tục chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Về chủ trương chuyển nhượng dự án, SAGRI đã được UBND TP.HCM phê duyệt dự án tái cơ cấu. Đề án tái cơ cấu này xác định SAGRI chỉ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, không kinh doanh bất động sản nên SAGRI phải chuyển nhượng vốn. Điều này không phụ thuộc vào việc có ban hành đề án đối với các giai đoạn sau hay không. Vì giai đoạn sau đó SAGRI không kinh doanh bất động sản.

“Bản chất là SAGRI phải chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp nhưng dự án này không phải đầu tư cho một pháp nhân mới, mà thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh do SAGRI làm chủ đầu tư. Để chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển nhượng dự án trước, chấm dứt quyền và nghĩa vụ, lúc đó mới có địa chỉ để chuyển nhượng vốn. Vốn này là giá trị quyền sử dụng đất và vốn đầu tư trên đất” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho rằng trong vụ án này có sự bất cập trong nhận thức áp dụng pháp luật. Luật kinh doanh bất động sản và Luật quản lý vốn nhà nước cùng được ban hành trong 1 năm nhưng khi xử lý vấn đề chuyển nhượng vốn, dự án bất động sản của doanh nghiệp nhà nước thì không có quy định.

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng theo điều 49 Luật kinh doanh bất động sản, điều kiện tiến độ hạ tầng kỹ thuật chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chứ không áp dụng với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Đồng thời, điều này cũng không quy định về nghĩa vụ tài chính khi xem xét thẩm định, chuyển nhượng dự án bất động sản.

Bàn luận

Trước hết, thiệt hại không như Viện Kiểm sát nói.

Thiệt hại theo cáo trạng là 672 tỷ, bằng cách định giá tại thời điểm khởi tố và 100% giá trị khu đất. Nếu theo thời điểm chuyển nhượng dự án thì thiệt hại là 348 tỷ. Nhưng quyền sử dụng đất đã đưa vào liên doanh từ 2008 (kết luận giám định hợp tác là đúng luật) SAGRI chỉ còn 28% dự án nên thiệt hại khoản 97 tỷ.

Nhưng hợp tác đúng thì dự án còn lại rất ít vì phần diện tích nhà ở liên doanh đã bán hết. Mà 28% phần rất ít đó thì gần như không có thiệt hại vì giá chuyển nhượng hơn 200 tỷ là phù hợp. Chưa nói đến việc trước khi khởi tố các bên đã hủy chuyển nhượng dự án.

Nhiều tình tiết và chứng cứ chứng minh tội phạm không thuyết phục, các bị cáo từng học trường luật phản đối thì bị đề nghị mức án rất cao, thay vì phía công tố sòng phẳng tranh biện lại.

Thứ hai, có một câu hỏi là chìa khoá trong trong vụ này: UBND TP.HCM đồng ý chuyển nhượng, hay đồng ý chủ trương chuyển nhượng?

Thứ ba, vụ này có nhiều điều rất khó thuyết phục, như thiệt hại thực tế (nếu có), liệu đã xảy ra vì khi cái dự án này được phát hiện và được chấm dứt sau thanh tra? Việc lựa chọn soi rọi bằng luật kinh doanh bất động sản hay luật khác hay trong tổng thể? Kế nữa, thẩm quyền và nội dung giám định của bộ xây dựng theo quyết định trưng cầu số 155 của cơ quan điều tra sai nội dung và thẩm quyền, thì không thể dùng làm cơ sở xác định tội của các bị cáo.

Cái này là bên lề vụ án với góc nhìn thân hữu.

Dư Huy Quang – nguyên giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, là tay ‘mọt luật’, gã suốt ngày vùi đầu nghiên cứu luật, và chỉ cảm thấy sảng khoái khi tìm được lối ra tốt nhất cho mớ bòng bong quy phạm.

Còn với Nguyễn Thanh Chương – nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM, thì ngoài giờ ở văn phòng uỷ ban, thú vui là đắm chìm trong thư pháp và kho sách Phật giáo. Chương từ sinh viên đã là huynh trưởng Gia đình Phật tử một ngôi chùa lâu năm.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)