VNTB – Nhầm lẫn của tòa hay vì đây là “án bỏ túi”?

VNTB – Nhầm lẫn của tòa hay vì đây là “án bỏ túi”?

Cát Tường

 

(VNTB) – Cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, luật sư Trần Trọng Tuấn kêu oan…

 

Tại phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại SAGRI chiều 8-6, cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn kêu oan, cho rằng bản án sơ thẩm nhầm lẫn quy định chuyển nhượng dự án bất động sản với chuyển nhượng vốn nhà nước ra ngoài doanh nghiệp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Trọng Tuấn kháng cáo kêu oan. Ông Tuấn thừa nhận hành vi đã ký vào tờ trình báo cáo UBND TP.HCM và đề xuất UBND TP.HCM cho phép chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khi kết luận các tình tiết liên quan, bản án sơ thẩm không phân biệt được quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể trong quá trình thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản, và chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong dự án.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc “khi bán dự án có đang bán kèm quyền sử dụng đất không”, ông Tuấn cho rằng trong vốn doanh nghiệp đầu tư vào dự án có quyền sử dụng đất và tài sản khác.

Về vấn đề này, chủ tọa cho rằng muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước hết phải xem luật đất đai có thỏa mãn không. Trường hợp nếu SAGRI là chủ dự án, xây nhà để bán thì không phải đấu giá vì quyền sử dụng đất đã được bán thông qua giá thị trường. Còn khi bán đất đai cho doanh nghiệp, tổ chức thì phải đấu giá.

Tranh biện, ông Tuấn cho rằng Nhà nước đã giao đất cho SAGRI và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2010. Doanh nghiệp đem tài sản của mình vào hợp tác kinh doanh, tức là đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nên có quyền chuyển nhượng vốn đó mà không phải đấu giá.

Chủ tọa tiếp tục hỏi: “Năm 2011, SAGRI đã đóng tiền sử dụng đất 128 tỉ đồng, đến năm 2017 mới chuyển nhượng dự án tại sao vẫn để giá cũ? SAGRI có quyền đại diện vốn nhà nước, còn tiền của SAGRI vẫn là tiền của nhà nước. Do vậy khi muốn thoát sự quản lý nhà nước khu đất này thì phải thực hiện theo đúng thủ tục”.

“Phải có sự quản lý nhà nước để bảo toàn tài sản nhà nước, nhưng trong trường hợp này không có quy định pháp luật về buộc đấu giá thì phải thẩm định giá như ý kiến của Bộ Tài chính” – ông Tuấn khẳng định.

Dưới góc nhìn pháp lý của một luật sư tham vấn, xin bàn luận các vấn đề trên để làm rõ là ở đây có thật là “nhầm lẫn”, hay vì đó là “án bỏ túi” nên kêu oan sẽ là vô vọng?

Ngày 31-12-2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 219/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:

Đối với chuyển nhượng vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên: Thực hiện bán, chuyển nhượng với giá thỏa thuận trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình hoặc chuyển nhượng cho thành viên khác trong công ty; Bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận trực tiếp cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên.

Đối với chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần: Giá thoả thuận khi chuyển nhượng vốn (cổ phiếu) đã đăng ký, niêm yết phải đảm bảo trong biên độ giá giao dịch (giới hạn giao động giá của mã chứng khoán) tại ngày chuyển nhượng; và không được thấp hơn giá cổ phiếu xác định theo giá trị sổ sách của công ty, căn cứ vào tổng giá trị vốn chủ sở hữu chia cho vốn điều lệ của công ty tại thời điểm chuyển nhượng.

Thông tư 219/2015/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 15-02-2016 và thay thế Thông tư 220/2013/TT-BTC .

Còn đối với dự án bất động sản được chuyển nhượng thì phải thỏa mãn yêu cầu pháp lý cụ thể tại quy định của khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Theo đó dự án bất động sản được chuyển nhượng phải có đủ các điều kiện sau: Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt; Dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ đã được phê duyệt; Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp có vi phạm trong quá trình triển khai dự án thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt.

Điều kiện đối với bên bán là chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng. (khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014).

Và điều kiện đối với bên mua là chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, nội dung dự án. (khoản 3 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản).

Như vậy xét về những gì công khai trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa kể trên, cho thấy các tranh biện của ông Trần Trọng Tuấn là có căn cứ pháp lý rõ ràng của việc kháng cáo “kêu oan”.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)