VNTB – Đồ uống có đường sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

VNTB – Đồ uống có đường sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

Cát Tường

 

(VNTB) – Sắp tới đây đồ uống có đường sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vì đường là ‘tội phạm’ gây thừa cân, béo phì, nên  (!?)

 

Tại hội thảo ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA) tổ chức ngày 15-3-2023 tại Đà Nẵng, một trong những điểm đáng chú ý của dự luật là bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Béo phì là do hảo ngọt?

“Liệu đã đủ cơ sở và luận chứng thuyết phục cho việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với những đối tượng mới chưa? Liệu đồ uống có đường có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh thừa cân béo phì, tiểu đường, tim mạch, để lấy đó làm căn cứ đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

Thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn liệu có nằm trong phạm vi những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, phải đưa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? Điều này chưa được phân tích rõ trong Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính”, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nêu vấn đề.

Bà Nguyễn Thị Lâm, cựu Viện phó Viện Dinh Dưỡng, dẫn số liệu cho biết bệnh thừa cân béo phì liên quan tới mất cân bằng giữa nạp năng lượng vào và tiêu hao, vận động thể lực ít hay nhiều. Theo bà, thừa cân béo phì có nhiều nguyên nhân như ít vận động, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, đạm, đồ ăn nhanh, thực phẩm có chứa đường trên đường phố. “Chất béo trong đồ ăn gây thừa cân béo phì nhiều hơn việc uống nước ngọt. Không có mối liên quan giữa đồ uống có đường với bệnh thừa cân béo phì”, bà Lâm nói.

Thế nào là “đồ uống có đường”?

Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) đề nghị Bộ Tài chính bỏ đồ uống có đường, đồ uống đại mạch và nước giải khát không cồn khỏi dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

“Bộ Tài chính cần cân nhắc các tác động tiềm ẩn của đề xuất đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng so với hiệu quả của nó, dựa trên các bằng chứng khoa học xác đáng và nguyên tắc quản lý rủi ro để tránh những hậu quả không mong muốn”, ông Chris Vanloon, Chủ tịch AmCham nói.

Theo AmCham, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành không có định nghĩa về “đồ uống có đường”. Do đó, đề xuất của Bộ Tài chính có thể bao gồm cả một số sản phẩm thiết yếu và tốt cho sức khỏe như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm y tế cho người bệnh…

Hiện khoảng một phần tư quốc gia trên thế giới áp thuế đối với đồ uống có đường. Đây cũng là một thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn với khái niệm khác là “nước giải khát có bổ sung đường”. Một số nước, như Đan Mạch, đã rút bỏ loại thuế này.

“Nếu đề xuất được thông qua, cả ngành thực phẩm và đồ uống, vốn đang chật vật phục hồi sau Covid-19, sẽ đối mặt thêm gánh nặng tài chính. Nó cũng tạo thêm áp lực cho các gia đình khi phải chi trả cao hơn cho nhiều loại thực phẩm thông thường”, phía AmCham cho biết.

Đề xuất từ Tờ trình của Bộ Tài chính cho rằng, “thức uống đại mạch” là sản phẩm tương tự bia không cồn do có nguyên liệu, quy trình, hình thức, mùi vị giống bia, nên cần phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ sở đề xuất này là rất bất hợp lý, vì các yếu tố giống nhau này không phải là cơ sở pháp lý để áp thuế tiêu thụ đặc biệt, và cũng không phải là cơ sở phù hợp với mục đích của sắc thuế tiêu thụ đặc biệt là hạn chế hoặc không khuyến khích tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe – thực tế chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào kết luận rằng thức uống đại mạch có hại cho sức khỏe.

Các doanh nghiệp trong ngành thật sự quan ngại vì luận điểm này sẽ dẫn đến những hệ lụy mâu thuẫn với chủ trương của Chính phủ khuyến khích các nhà sản xuất phát triển các giải pháp tiên tiến tạo ra những sản phẩm có cồn thấp hoặc không cồn nhằm góp phần giảm tác hại lạm dụng đồ uống có cồn.

Khó khăn quá nên cố gắng… vét (!?)

“Đề xuất mở rộng bổ sung đồ uống không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vô hình trung sẽ chỉ khuyến khích việc tiếp tục tiêu thụ đồ uống có cồn, không khuyến khích mọi hoạt động đầu tư và đổi mới vào các sản phẩm ít cồn hoặc không cồn, ngay cả khi thuế suất thấp hơn. Thay đổi thói quen tiêu dùng là một quá trình đầy thách thức và lâu dài, nếu không có sự hỗ trợ của các chính sách phù hợp thì càng khó hơn”, đại diện Tiểu ban Nước giải khát chia sẻ.

Ngoài ra, nếu áp thuế với đồ uống có đường không giúp giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà tạo ra chính sách thuế mang tính phân biệt. Chưa kể, chính sách này sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn với các ngành khác có liên quan, như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì.

Theo thông báo của một số doanh nghiệp ngành sữa gửi Bộ Công thương, giá bán lẻ nhiều sản phẩm cho trẻ tăng thêm 5%. Mức giá bán lẻ mới được áp dụng từ ngày 1-3-2023.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)