Anh Khoa dịch
(VNTB) – Ukraine đang là tâm điểm chú ý của toàn cầu khi Nga tăng quân ở biên giới và các đồng minh NATO đáp trả
Chú thích ảnh: Một chiến hào của Ukraine gần Zaitseve ở vùng Donetsk của Ukraine hôm thứ Hai. Manu Brabo chụp cho Tờ The Wall Street Journal
Tác giả Joanna Sugden, Yaroslav Trofimov và Michael R. Gordon
Cập nhật ngày 22 tháng 2 năm 2022
Với việc Nga triển khai tới 190.000 quân dọc theo biên giới Ukraine và Moscow đặt câu hỏi về quyền tồn tại của nước láng giềng, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Căng thẳng tăng cao vào thứ Hai khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai, thân Nga ở miền đông Ukraine và ra lệnh cho binh sĩ Nga triển khai tới các nước cộng hòa tự xưng là Donetsk và Luhansk, bề ngoài là lực lượng gìn giữ hòa bình. Ông Putin cho rằng họ cần phải chống đỡ các lực lượng Ukraine. Nhưng cuộc xung đột là một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn nhằm vẽ lại bản đồ an ninh của châu Âu đã được lập lên sau sự sụp đổ của Liên Xô. Mục tiêu tổng thể của Putin là giành được sự đảm bảo từ Mỹ và NATO rằng sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác làm thành viên, đồng thời rút quân trở lại nơi họ đã đồn trú vào năm 1997, trước khi liên minh này kết nạp các quốc gia Đông và Trung Âu.
Các động thái của Điện Kremlin đã vấp phải những lời đe dọa trừng phạt và hỗ trợ quân sự của phương Tây nếu Nga xâm lược nước láng giềng nhỏ hơn, làm tăng triển vọng về một cuộc xung đột vũ trang vì tương lai của Ukraine. Tổng thống Biden hôm 18/2 cho biết ông tin rằng ông Putin đã đưa ra quyết định xâm lược Ukraine và ông dự kiến một cuộc tấn công sẽ nhằm vào thủ đô Kyiv của Ukraine.
Tại sao Ukraine lại quan trọng đối với Nga?
Ukraine là một phần của Liên bang Xô viết trước khi sụp đổ vào cuối Chiến tranh Lạnh năm 1991, và giáp Nga ở sườn phía đông, nơi mà trong lịch sử, nước này dễ bị xâm lược nhất. Sự tan rã của Liên bang Xô Viết đã tạo ra một nước Nga với dân số, lãnh thổ và nền kinh tế bị suy giảm rất nhiều đồng thời cũng làm giảm vị thế siêu cường của Nga. Giờ đây, Putin đang tìm cách đòi lại một phần vinh quang đó và lấy lại phần nào những gì Nga đã mất trong Chiến tranh Lạnh. Putin xem người Nga và người Ukraine là “một dân tộc, một tổng thể duy nhất”.
Nga có muốn xâm lược Ukraine?
Putin nói không. Tuy nhiên, lệnh huy động tới 190.000 quân xung quanh biên giới của Ukraine và cho phép triển khai quân để hỗ trợ các lực lượng thân Nga tại các tiểu quốc ly khai ở Donetsk và Luhansk cho thấy ông sẵn sàng làm như vậy. Các quan chức Mỹ cho biết Nga đã chuyển xe tăng, xe bọc thép chở binh lính và hệ thống phòng thủ tên lửa vào khu vực này mà họ gọi là đợt huy động quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Nga cũng đã chuyển lực lượng sang đồng minh Belarus, quốc gia có biên giới với Ukraine và các thành viên NATO khác là Ba Lan, Latvia và Litva và đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen, ngoài khơi bờ biển Ukraine.
Mục tiêu của Putin là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải nhượng bộ và buộc phải chấp nhận quyền ảnh hưởng của Nga đối với tương lai của Ukraine. Điều đó sẽ gửi một thông điệp tới các quốc gia thuộc Liên Xô cũ rằng phương Tây không thể đảm bảo an ninh cho họ. Để tăng cường áp lực, Putin có một loạt các lựa chọn quân sự trong trường hợp không chiếm đóng hoàn toàn, từ các cuộc xâm lược giấu mặt đến một cuộc xung đột hạn chế ở khu vực phía đông Donbas, nơi những người ly khai do Nga hậu thuẫn đã tuyên bố độc lập với Ukraine nhưng không được chính phủ ở Kyiv công nhận.
Ukraine ở đâu?
Ukraine nằm ở Đông Âu và sườn phía đông giáp với Nga. Về phía tây, nước này giáp với Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Moldova, và ở phía bắc giáp với Belarus. Phía nam giáp Biển Đen.
Các nước cộng hòa ly khai là gì?
Diễn biến mới nhất xoay quanh hai khu vực nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine, các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở khu vực Donbas giáp với Nga. Các nước này tách khỏi Ukraine vào năm 2014 với sự giúp đỡ của các lực lượng Nga, cùng năm Nga sáp nhập Crimea. Trong tháng này, các nhà lãnh đạo của hai tiểu quốc trên đã cáo buộc các lực lượng vũ trang Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ mà họ kiểm soát.
Chính phủ Ukraine cho biết các khu vực do Kyiv kiểm soát trong khu vực Luhansk đã bị pháo kích liên tục. Quân đội cho biết một trường mẫu giáo đã bị tấn công ở thị trấn Stanytsia Luhanska, khiến hai giáo viên bị thương.
Các vụ đụng độ quân sự tương tự đã diễn ra thường xuyên trong những năm kể từ khi cuộc xung đột ở Donbas bắt đầu vào năm 2014, bất chấp lệnh ngừng bắn được đồng ý một năm sau đó, và đôi khi nổ ra giao tranh quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, hiện tại có những rủi ro cao hơn trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ngày càng trở nên gay gắt hơn về vấn đề Ukraine.
Quan chức Mỹ hôm 3/2 cho biết thông tin tình báo cho thấy Nga có kế hoạch dàn dựng một cuộc tấn công bịa đặt của quân đội hoặc nhân viên tình báo Ukraine nhằm vào lãnh thổ thuộc chủ quyền của Nga hoặc chống lại những người nói tiếng Nga, để biện minh cho một cuộc xâm lược vào Ukraine. Kế hoạch này sẽ bao gồm việc Matxcơva sử dụng một video tuyên truyền với “cảnh như trong phim” về một vụ nổ giả được dàn dựng với xác chết, các diễn viên đóng vai người đưa tang và hình ảnh các tòa nhà và thiết bị quân sự bị phá hủy.
Ukraine có phải là đồng minh của Mỹ và thành viên của NATO không?
Kể từ khi Liên Xô tan rã khi Ukraine giành được độc lập, Mỹ đã có quan hệ ngoại giao với nước này. Mỹ háo hức thấy Ukraine phát triển mạnh mẽ như một quốc gia dân chủ khi đối mặt với điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là “sự xâm lược liên tục của Nga”.
Ukraine không phải là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nhưng là một “quốc gia đối tác” của liên minh quân sự này và đã có các thỏa thuận về việc nước này có thể trở thành thành viên NATO trong tương lai. Ông Biden nói rằng ít có khả năng Ukraine trở thành thành viên của liên minh này trong tương lai gần, mặc dù ông cho biết quyết định cuối cùng thuộc về liên minh.
NATO đang làm gì để đối phó với sự tăng cường quân sự của Nga?
Các đồng minh NATO đang củng cố sườn phía đông của liên minh, giáp với Ukraine, triển khai máy bay chiến đấu phản lực và tàu chiến tới khu vực để đáp trả lại các động thái của Nga. Liên minh châu Âu đã đề ra kế hoạch cho các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho Ukraine trị giá hơn 1,3 tỷ USD. Lầu Năm Góc đã ra lệnh cho hàng nghìn binh sĩ chuẩn bị cho việc triển khai có thể xảy ra.
Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã thiết lập một cầu không vận chuyển viện trợ quân sự cho Ukraine trong nỗ lực giúp Kyiv chống lại một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Nga.
Putin muốn gì?
Putin đã nói rõ về mong muốn khẳng định lại ảnh hưởng của Nga đối với các nước láng giềng, đặc biệt là Ukraine. Năm 2014, Putin sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, thúc đẩy cuộc chiến kéo dài 8 năm ở miền đông của đất nước này.
Cho đến nay, Putin vẫn khiến các nhà lãnh đạo phương Tây phải đoán già đoán non về việc liệu có tiến hành một cuộc xâm lược lớn vào Ukraine và gây ra sự rạn nứt có thể xảy ra trong quan hệ với phương Tây hay không, hay liệu Putin có hài lòng với việc đạt được một vài nhượng bộ từ một loạt yêu cầu của ông ta. Những điều này bao gồm việc NATO đảm bảo rằng họ sẽ không kết nạp Ukraine và chấm dứt các cuộc tập trận và triển khai quân đội của NATO tới các quốc gia thuộc Liên Xô cũ là Ba Lan và các nước Baltic.
Nhưng Putin làm người khác khó đoán được những bước đi tiếp theo của ông ta.
Hoa Kỳ đã nói gì về những yêu cầu đó?
Mỹ và các đồng minh đã bác bỏ yêu cầu của Moscow tại một loạt cuộc họp với quan chức Nga vào giữa tháng 1, cho rằng các quốc gia được tự do liên kết với bất kỳ quốc gia nào khác mà họ chọn.
Hôm 26/1, Mỹ đã gửi các đề xuất chưa được công bố cho Bộ Ngoại giao Nga, theo các quan chức Mỹ, bao gồm các ràng buộc về các cuộc diễn tập quân sự mà Moscow cho là khiêu khích. Tuy nhiên, Putin Nga cho biết “những lo ngại cơ bản” về việc rút quân của NATO và cấm Ukraine gia nhập liên minh chưa được đáp ứng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga xâm lược Ukraine?
Tổng thống Biden nói rằng nếu tất cả binh lính ở biên giới chuyển vào Ukraine, thì đó sẽ là cuộc xâm lược lớn nhất kể từ Thế chiến II. Theo Lầu Năm Góc, Nga đã tích lũy đủ sức mạnh chiến đấu để chiếm các thành phố và vùng lãnh thổ đáng kể ở Ukraine. Tình báo Mỹ dự đoán rằng 25.000 đến 50.000 dân thường sẽ thiệt mạng hoặc bị thương nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công tổng lực để chiếm toàn bộ , Mức độ thiệt hại sẽ phụ thuộc vào cường độ giao tranh ở các khu vực đô thị.
Theo đánh giá, từ 3.000 đến 10.000 quân Nga và từ 5.000 đến 25.000 quân Ukraine sẽ bị giết hoặc bị thương, trong đó có khoảng 1 triệu đến 5 triệu người Ukraine sẽ phải di dời.
Trong trường hợp xâm lược Ukraine, Mỹ cho biết họ sẽ tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga, đánh vào các ngân hàng lớn, công ty nhà nước và hàng hóa nhập khẩu chủ chốt, mặc dù các mục tiêu vẫn chưa được xác nhận. Biden cũng cho biết Mỹ và NATO sẽ xem xét tăng cường hơn nữa sự hiện diện của họ ở Đông Âu.
Cảm nhận chung ở Ukraine về cuộc khủng hoảng là gì?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tập hợp hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia sau khi Putin tuyên bố công nhận nền độc lập của các quốc gia ly khai. Trong một bài phát biểu vào trước quốc dân vào đêm thứ Hai, Zelensky nói rằng các hành động mới nhất của Nga vi phạm chủ quyền của Ukraine, nhưng ông vẫn kêu gọi bình tĩnh đối mặt với mối đe dọa này.
“Sự thật đứng về phía chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ che giấu sự thật”, ông Zelensky nói. “Ngay khi thấy tình hình thay đổi, ngay khi thấy nguy cơ gia tăng, quý vị sẽ biết hết. Hiện tại không có lý do gì để hoảng sợ”.
Zelensky đã thảo luận về cuộc khủng hoảng với Tổng thống Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Ban lãnh đạo Ukraine trước đây đã nói rằng mục đích của Điện Kremlin không phải là xâm lược mà là gây bất ổn cho họ theo những cách thâm hiểm hơn. Nhưng khi bạo lực trở nên tồi tệ hơn ở vùng Donbas, một số gia đình đang chuẩn bị cho điều tồi tệ hơn sắp xảy ra.
Nord Stream 2 là gì và nó đóng vai trò gì trong cuộc khủng hoảng?
Nord Stream 2 là một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên chạy từ Nga sang Đức, một thành viên của NATO, và đang chờ các cơ quan quản lý của Đức phê duyệt.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ và một số quan chức lo ngại rằng đường ống dài 764 dặm sẽ củng cố khả năng kiểm soát của Nga đối với thị trường năng lượng châu Âu và làm suy yếu Ukraine khi nước này cố gắng chống lại sự xâm lược của Nga. Đức là khách hàng mua khí đốt của Nga lớn nhất thế giới, với hơn một nửa nguồn cung từ Nga. Nord Stream 2 sẽ tăng gấp đôi công suất xuất khẩu khí đốt của Nga sang quốc gia này hiện đang được dẫn qua đường ống Nord Stream 1 song song.
Biden ngày 7/2 cho biết đường ống do Nga xây dựng sẽ bị đình chỉ nếu Nga xâm lược Ukraine. Hôm thứ Ba, Đức đã ngừng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga-Đức sau khi Putin điều quân vào các khu vực Ukraine ly khai.
—Sabrina Siddiqui, William Mauldin và Nancy A. Youssef đã đóng góp cho bài viết này.
Nguồn: WSJ