TTCT – “Xài chùa”, “chơi hàng lậu”… là câu chuyện đầy động chạm khi nhắc đến thực trạng sử dụng giống hoa không có bản quyền rất phổ biến đối với ngành hoa VN. Với Đà Lạt (Lâm Đồng), thủ phủ hoa của cả nước, thực trạng này cũng rất phổ biến.
Xài giống lậu, vừa làm vừa lo
Chuyện về một doanh nghiệp ở Đà Lạt đang xuất khẩu hoa với số lượng lớn vào một thị trường khó tính, lợi nhuận lớn bỗng tuyên bố phá sản là ví dụ điển hình về hậu quả của việc dùng giống hoa lậu.
Chủ doanh nghiệp này vốn là người phụ trách sản xuất cho một công ty nước ngoài đầu tư sản xuất hoa tại VN. Sau một thời gian làm thuê, ông nắm được công nghệ, đầu mối xuất khẩu hoa đi Nhật Bản, và tách ra lập công ty riêng. Đối tác của công ty ông chính là đối tác cũ của công ty ông từng là nhân viên.
Để có được các đối tác này, ông giảm giá hoa xuất khẩu. Và để có mức giá đó, ông tự sản xuất giống trên cơ sở sao chép bằng công nghệ nuôi cấy mô những giống mà chính công ty ông làm việc trước đó nhập về.
Mọi việc suôn sẻ cho đến khi bộ phận pháp lý của công ty nơi ông từng làm việc gửi các bằng chứng đến đối tác của ông, chứng minh ông đã sử dụng giống lậu để trồng hoa xuất khẩu.
Việc điều tra nguồn gốc giống không mấy khó khăn với một nước có công nghệ phát triển, đợt hoa xuất bán cuối cùng ấy bị trả ngược lại. Ông phải đền hợp đồng, chi trả toàn bộ phí kho bãi khi xuất khẩu, phí chuyển trả hàng… Uy tín mất sạch, doanh nghiệp của ông đóng cửa.
Những thành viên đoàn công tác của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đưa nhà đầu tư Nhật Bản gặp nông dân Đà Lạt để kết nối sản xuất hoa đã nói tới mối lo của họ về chuyện giống hoa. Các doanh nghiệp Nhật Bản lo việc các giống mới được dày công nghiên cứu sẽ bị sao chép và sử dụng tràn lan bằng những phương pháp đơn giản như chiết, tách hoặc cao cấp hơn là nuôi cấy mô trong ống nghiệm (in vitro).
Lo ngại này không phải là không có cơ sở. Là doanh nghiệp FDI trồng và bán hoa nổi tiếng châu Á đóng tại Đà Lạt, Dalat Hasfarm đã không dưới 4 lần báo cho cơ quan chức năng về việc giống hoa nhập có bản quyền bị doanh nghiệp, người dân sao chép.
Tại một hội thảo về phát triển cây giống hoa ở Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Bảo, phó tổng giám đốc Dalat Hasfarm, cho biết: “Từ năm 2010, đơn vị tôi bắt đầu sản xuất cúc Calimero. Đây là giống mới, đơn vị được độc quyền kinh doanh.
Năm 2011, 1,3 triệu cành cúc thử nghiệm xuất sang Nhật Bản được đánh giá cao. Đến năm 2014, chúng tôi bán thử 1,4 triệu cành ở VN. Nhưng thủ tục bảo hộ tại thị trường VN chưa xong, loại hoa này đã bị “ăn cắp” giống. Năm 2017, cúc Calimero đã tràn lan khắp thị trường VN.
Những đơn vị sản xuất trái phép loại hoa này công khai đăng thông tin mua bán giống trên các diễn đàn của ngành hoa, bộ phận pháp lý của công ty rất vất vả để ngăn chặn việc xâm phạm tiếp tục diễn ra. Hiện Dalat Hasfarm có hẳn một danh sách các đơn vị kinh doanh cúc Calimero không có bản quyền để tiến hành các thủ tục pháp lý mạnh hơn”.
Người trồng hoa không biết?
Câu chuyện ông Bảo nêu không phải là cá biệt trong các vụ tranh chấp bảo hộ bản quyền mà Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng thụ lý gần đây.
Bản quyền giống hoa là vấn đề lớn và quyết định sự sống còn của ngành hoa. Nhưng với nhiều nông dân, điều đó không đáng quan tâm. Ông Võ Quốc Huy, người trồng hoa hơn 20 năm tại P.12, TP Đà Lạt, chỉ quan tâm đến giống nào cho hoa đẹp, đúng nhu cầu thị trường.
Bản quyền giống chưa bao giờ được ông tính tới khi đến cửa hàng giống mỗi đầu vụ. “Nếu bắt lỗi thì phải bắt lỗi trại giống vì họ chịu trách nhiệm nhập, sao chép và bán cho chúng tôi. Chúng tôi không thể biết họ bán sản phẩm có vi phạm pháp luật gì không” – ông Huy nói.
Ông Đặng Bảo Vinh (nông dân P.12, TP Đà Lạt) nhìn nhận câu chuyện của đại diện Dalat Hasfarm nêu trên bằng sự áy náy của người nông dân không có nhiều thông tin.
“Tôi cũng trồng hoa Calimero mà không hề biết có va chạm như vậy. Năm đó chúng tôi thấy giống hoa đó đẹp và mang giống cho các nhà nuôi cấy mô nhờ nhân giống. Việc nhân giống kiểu này dễ lắm, ở Đà Lạt ai cũng làm được. Nói thiệt, ai bán chúng tôi mua và chỉ có vậy thôi! Nông dân chúng tôi cần giống hoa có bản quyền, đẹp, đúng thị hiếu nhưng hiện tại không biết phải giải quyết nhu cầu này ở đâu?”
Giống lậu ở đâu?
Mỗi năm Đà Lạt xuất khẩu hơn 3 tỉ cành hoa (chiếm 10% tổng sản lượng hoa Đà Lạt), thu về 48 triệu USD, 90% sản lượng hoa còn lại tiêu thụ trong nước. Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Đà Lạt nhập hơn 50 triệu USD giống hoa/năm. Do thiếu nguồn cung chính ngạch nên nông dân chủ yếu dùng giống do đối tác liên kết cung cấp hoặc nhập tiểu ngạch – vốn bị xem là dùng hàng lậu vì chưa được đơn vị sở hữu bản quyền giống đồng ý.
Ước tính 50% giống nhập đang được sử dụng là nhập lậu hoặc nhập chính thức nhưng thông qua một đơn vị cung cấp giống lậu ngoài VN. Với những loại hoa thông dụng như cúc, cẩm chướng, cát tường… nông dân dùng loại giống sao chép bằng phương pháp nuôi cấy mô phổ biến ở Đà Lạt.
Ông Lại Thế Hưng, nguyên chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho biết giống hoa lậu từ những trại giống tư nhân nhỏ, lẻ, đa số không có bản quyền, phần còn lại là bản quyền đã hết thời hiệu bảo hộ. Hoa này không thể bán cho các cơ sở xuất khẩu.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng, tại TP Đà Lạt hiện có 27 cơ sở sản xuất hơn 64,3 triệu cây giống hoa các loại mỗi năm với tiêu chuẩn chất lượng đã được công bố.
Một cán bộ chi cục khẳng định vì sinh kế chung của nông dân trồng hoa nên việc quản lý bản quyền giống tại các cơ sở này chưa thực hiện được. Chi cục đánh giá sơ bộ có khoảng 90% giống từ các cơ sở nuôi cấy mô là giống lậu, ẩn chứa nhiều rủi ro về kinh tế, dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, cho rằng không chủ động giống có bản quyền khiến nông dân lệ thuộc vào đối tác liên kết và bị chi phối về giá xuất khẩu khiến lợi nhuận giảm. Và vì lệ thuộc, nông dân không thể đa dạng nguồn xuất khẩu, khiến thị trường xuất khẩu bị gói gọn hoặc chậm mở rộng.
Ông Trương Đức Phú, giám đốc Công ty giống Hivico (Đà Lạt), cho biết khi còn là một trại giống, công ty ông cũng sao chép giống bằng nuôi cấy mô.
10 năm trước, đó là việc tương đối bình thường, song nay việc tuân thủ bản quyền giống phải được xem là hiển nhiên phải làm trước vì đó là sự công bằng trong sản xuất. Khi đó những nhà đầu tư nông nghiệp có uy tín mới đến tham gia sản xuất và thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển.
Gần 20 năm làm việc trực tiếp với nông dân Đà Lạt và nhiều tỉnh thành trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chuyên gia người Nhật Shugo Hama (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) cho rằng Nhà nước phải tìm cách kéo gần các công ty sinh học uy tín trên thế giới lại gần với nông dân VN.
“Khởi điểm nông nghiệp công nghệ cao của Hà Lan, Nhật Bản và nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển cũng không thuận lợi hơn Đà Lạt bây giờ nhưng chính phủ vừa lo tìm đầu ra cho nông dân vừa tìm cách kéo các công ty công nghệ sinh học lại gần nông dân để họ hiểu nhau và cho ra những bộ giống phù hợp.
Chủ động và nắm giữ được bản quyền giống là đi từ gốc của nông nghiệp công nghệ cao. Giải quyết vấn đề này coi như ngành hoa đã có lợi thế tiên phong ở thị trường trong và ngoài nước”, ông nói
*****
Bắt đầu dùng “hàng chính hiệu”
Lâm Đồng đã có vài phương án để nông dân tăng mức độ tiếp cận giống có bản quyền. Năm 2018, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã mua bản quyền gần 110.000 cây giống rau hoa. Năm 2019, tiếp tục nhập khẩu gần 350.000 cây giống của 22 chủng loại rau hoa từ Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.
Tất cả các cây giống đều có bản quyền để cung ứng cho nông dân trồng đi kèm những cam kết bảo hộ bản quyền giống. Năm 2020 – 2021, việc nhập giống theo kế hoạch bị gián đoạn do dịch Covid-19, song những đầu tư ban đầu có tính nền tảng đó đã tạo thói quen sử dụng giống có bản quyền cho nông dân Đà Lạt.
Nếu nông dân sử dụng giống có bản quyền nhiều hơn, tỉ lệ hoa xuất khẩu cũng sẽ tăng đáng kể, dự kiến có thể lên đến 5 tỉ cành/năm trong 5 năm tới. “Hỗ trợ nhập giống cho nông dân và doanh nghiệp xử lý thiếu hụt giống bản quyền trước mắt.
Về lâu dài, chính sách phát triển giống phải được đầu tư. Đây không chỉ là chuyện lợi nhuận mà còn là vấn đề lớn: tạo nền tảng để có nền nông nghiệp ổn định từ gốc”, ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, nói.
Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần