Quang Nguyên
(VNTB) – Phải chăng hai người cộng sản trẻ, ở hai đầu đất nước, cùng một thế hệ, đã tìm thấy cách tưởng niệm ngày 30 tháng 4 của họ?
Tôi không định viết gì về ngày 30 tháng Tư. Vậy mà vẫn phải viết.
Đối với tôi trong lịch sử nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng, đã xảy ra biết bao cuộc chiến, và cuộc chiến nào cũng có một bên thắng, một bên thua. Bên thắng không hẳn là người có chính nghĩa, bên thua nhiều khi không phải kẻ yếu nhược, tồi tệ. Khóc lóc, nuối tiếc không còn trong tôi. Huyênh hoang, khoác lác nhảy múa trên đau khổ của đồng bào càng không phải điều thú vị của tôi.
Chiều nay, như hai ngọn sóng đánh vào tôi đang đứng nhìn ra khơi. Cùng một lúc, chúng đến.
Ngoài Bắc, cháu tôi, một người trẻ, không còn rất trẻ để có thể làm việc tùy hứng. Một người cộng sản trí thức, trí thức thật, con của một gia đình cộng sản trí thức, trí thức thật, đã viết trên facebook vài dòng đơn giản “Nghỉ lễ, bố con nhà cháu đi làm từ thiện theo nhà thờ tại các nhà thờ ở Cao Bằng & Bắc Cạn”. Kèm theo mấy video clip quay quang cảnh ngôi nhà thờ nghèo nàn, người dân quây quần đọc kinh bằng tiếng dân tộc thiểu số và cảnh họ nhận quần áo được phân phát, chung nhau bữa cơm từ thiện. Tôi thoáng thấy mặt cháu tôi, vui và hiền hòa.Tôi thấy hình cô con gái của cậu ngồi đọc sách cùng với mấy đứa bé địa phương trong cái có lẽ là phòng đọc sách của nhà thờ. Thanh bình quá, nhân ái quá. Nơi đây không có kẻ thắng trận người thua trận, chỉ có lòng yêu thương. Họ đã cất công từ Hà Nội, không ồn ào ra biển để nhảy sóng, để ăn hải sản, không phượt núi cao, đèo sâu. Họ đến nơi con người nơi đó cần tình thương, và để cho chính họ vừa phân phát vừa nhận lại tình thương từ đồng bào.
Trong Sài Gòn. Một cô bạn trẻ của tôi post tấm hình cô đang ngồi trong chùa, dưới chân Đức Phật từ bi. Cô chỉ viết vỏn ven hai chữ Sám Hối dưới tấm hình. Th là cháu ngoại bà bí thư phường tôi vài năm sau 30 tháng 4/75. Họ chuyển từ Kiến Hòa lên, tình cờ được nhà nước cho căn biệt thự gần nhà tôi. Tên nó thực trong giấy khai sinh chứng tỏ nguồn gốc bần nông, thất học của gia đình. Bà cô tôi rất thương nó, nhất định không cho ai trong nhà gọi nó bằng tên khai sinh đó. Bà bảo bà Bí thư phải đổi tên nó trên giấy khai sinh, mãi bà bí thư mới chịu ‘tạm xa giai cấp’ đổi tên cho nó thành một cái tên hoàn toàn tiểu thư đài các gốc Sài Gòn. Mà quả thật nó không khác gì một tiểu thư Sài Gòn. Nó đẹp, giỏi, nhu mì, hòa thuận, được lòng tất cả mọi người. Nó vẫn thường đến chơi với mấy đứa con tôi, gọi tôi bằng bố. Bẵng đi một thời gian, tôi gặp lại nó. Lúc đó nó đã là một người có tiếng nói trong thành ủy, một người cộng sản, cộng sản tốt thật, và là một người vô thần. Nó vẫn tự hào về chiến thắng của cách mạng, về sự góp phần của cha nó (liệt sĩ) và mẹ nó trong công cuộc giải phóng miền Nam.
Nhìn tấm hình nó tự chụp, tự post lên facebook với vỏn vên hai chữ Sám Hối, trong ngày 30/4 tôi chợt rùng mình. Tại sao nó lại Sám Hối trong ngày 30 tháng 4, ngày nó vẫn thường hãnh diện về vinh quang của cuộc giải phóng, về vinh quang của cha mẹ? Chuyện gì sẽ đến với nó , sẽ có người trong cơ quan nó biết nó làm gì, ở đâu trong ngày thường cả Thành ủy tán dương, ăn nhậu, tự thỏa mãn với nhau này? Đương nhiên Th. một đảng viên đảng CSVN, chín chắn, có học biết việc nó làm.
Phải chăng hai người cộng sản trẻ, ở hai đầu đất nước, cùng một thế hệ, đã tìm thấy cách tưởng niệm ngày 30 tháng 4 của họ?