VNTB – Ngày nào con về

Truyện ngắn Trần Thế Kỷ (VNTB) Bà cụ điếng người. Sao lại không thấy. Nó đi cùng ngày với thằng Cửu Luân mà. Bà chợt nhớ lại giấc mơ đêm nào. Khi bà bước tới ôm Lý Nhi thì nó bỗng tan thành hư không. Chẳng lẽ…Đức phật từ bi sao không cho bà được gặp lại con. Nó ra sao rồi. Nó là cả cuộc đời bà, nó có mệnh hệ gì bà làm sao sống được, hởi trời. Trời cao đâu sao không thương lấy thân già này.
Hỡi con chim nhỏ về phương ấy

Cho gửi lòng con đến mẹ già

(Khổng Dương)


Đoàn quân mệt mỏi dựng trại nghỉ ngơi vài ngày trước khi tiếp tục xuất chinh.

Hoàng hôn dần xuống. Gió từ phía sông thổi tới lạnh buốt. Những làn sóng gợn cố bám víu một cách vô vọng mấy mảnh nắng heo hắt của ngày tàn. Ếch nhái côn trùng bắt đầu kêu rỉ rả. Sáo ai thổi khúc nhạc buồn cùng tiếng rì rào của cánh rừng xa xa bên kia sông vọng lại gieo vào lòng quân sĩ nỗi hoài hương da diết. Họ là những chàng trai quê quán từ nhiều miền đất nước gặp lúc chiến chinh phải rời cố quận lên đường tòng quân, bỏ lại vợ dại con thơ cùng bao người thân thích.

– Xa quê bao năm rồi, biết bao giờ chúng ta mới được về với vợ con. Ở một lều kia mấy người lính tâm sự cùng nhau. Ngày ra đi thì con còn bé dại, sau này sống sót trở về biết nó còn nhận ra cha nó không.

– Mẹ tôi chẳng biết giờ này ra sao. Một người tên Lý Nhi than thở. Mẹ già tóc bạc lưng còng lấy ai đỡ đần sớm hôm. Chắc mẹ đang mong tôi lắm.

Rồi cả bọn lại bùi ngùi nhớ thương những đồng đội đã bỏ mình trong các trận đánh trước đây. Có kẻ bị gươm đao đâm nát nhừ, kẻ bị ngựa dày, lại có kẻ đầu một nơi, thân một nơi thật thảm thương…

– A, tướng quân đến thăm!

Lều bên có tiếng lao xao. Thực vậy, vị tướng chỉ huy đoàn quân đang đến các lều để vổ về quân sĩ. Ông có dáng người đường bệ, uy nghi nhưng từ vẻ uy nghi đó vẫn toát ra một cái gì gần gũi với mọi người, không xa cách quân sĩ như nhiều vị tướng khác. Lý Nhi và các bạn liền ra khỏi lều tiến đến phía ông.

– Thưa tướng quân, đến bao giờ anh em chúng tôi được về quê. Lý Nhi hỏi.

– Các ngươi yên tâm. Vị tướng vỗ vai Lý Nhi. Ta hiểu lòng các ngươi lắm chứ. Nay mai chúng ta sẽ vượt qua con sông kia làm một trận sống chết với quân thù. Thắng trận này ta sẽ tâu lên đức vua xin cho các ngươi về thăm quê quán.

– Được thế chúng tôi vô cùng đội ơn ngài. Mọi người mừng rỡ. Chúng tôi xin thề sẽ chiến đấu hết lòng.

Trở về lều, Lý Nhi cùng các bạn lại râm ran kể cho nhau nghe những kỷ niệm khi còn ở quê hương mỗi người. Những kỷ niệm này họ thường kể đi kể lại những khi ngồi buồn mà chẳng bao giờ thấy nhàm. Trương Qua thì ngày ngày vô rừng đốn củi đem ra chợ bán kiếm chút tiền nuôi vợ với mấy con thơ; Vi Phong thì chèo đò, còn Cửu Luận, đồng hương với Lý Nhi là người đẹp mã nhất bọn, lúc lên đường hãy còn dùi mài kinh sử…”Nam nhi cổ lai chinh chiến hề”, Cửu Luân thở dài.

– Có tiếng chim kêu đâu đây thì phải. Lý Nhi chợt im lặng. Đúng rồi, có tiếng chim rên rỉ. Hình như nó gặp chuyện gì.

Chàng bèn nhìn ra ngoài. Chẳng cần tìm đâu xa, gần ngay cửa lều có một con chim sẻ đang nằm. Rõ ràng là nó muốn bay mà không được. Nó đập đập cánh một cách vô vọng.

– Tội nghiệp mày chưa. Mày ở đâu mà lại tới đây. Sao giờ này con chưa về tổ.

Lý Nhi âu yếm đặt con chim vào lòng bàn tay. Chàng vốn yêu chim chóc. Xưa kia mỗi lần xong việc đồng áng chàng lại một mình ra ngọn đồi gần nhà ngắm nhìn những cánh chim bay mà lòng khoan khoái.

– Chú chim này chẳng hiểu sao lại bị thương ở cánh, thảo nào nó không bay được.

Lý Nhi nhìn đăm đăm chú chim một cách thương hại. Một bên cánh rơm rớm máu, nó nhìn chàng vẻ như cầu khẩn, mỏ kêu lên những tiếng kêu đau đớn.

– Ở đây với ta. Lý Nhi vuốt ve nó. Ta sẽ chăm sóc cho mày lành hẳn. khi nào về thăm nhà ta cho mày theo nhé.


Nắng mai ấm áp tỏa xuống mái tranh nghèo của bà cụ Lý. Bà đã tỉnh giấc từ lúc trời còn chưa rõ mặt người , nhưng thấy trong người còn yếu nên vẫn nằm trùm mền trên chiếc giường tre ọp ẹp. Từ ngày Lý Nhi ra đi bà bệnh hoạn luôn vì thương nhớ con quá. Chồng mất sớm để lại cho bà bầy con bé dại. Cuộc sống cơ cực nên chúng cứ chết dần, rốt cuộc chỉ còn lại mỗi thằng Lý Nhi. Nó là cả cuộc đời bà. Vậy mà giờ này nó cũng chẳng còn ở bên mình. Lúc nào bà cũng nơm nớp lo sợ trời đất lại cướp đi mụn con duy nhất.

Vườn tược chẳng còn ai chăm sóc. Cũng may có bà Cửu hàng xóm có con trai là Cửu Luân lên đường cùng ngày với Lý Nhi, thương bà hoàn cảnh neo đơn nên hằng ngày vẫn cho cô con gái út sang đỡ đần cơm nước cho bà. Bà Cửu thỉnh thoảng vẫn sang bà chơi. Hai bà có khi tâm sự hàng giờ, câu chuyện chính vẫn là xoay quanh hai đứa con đang đánh giặc xa quê.

Một mùa xuân mới lại về. Ruộng đồng xanh tươi. Cây cối đâm chồi nảy lộc. Cỏ hoa đua sắc. Chim muông hót líu lo. Mùa xuân khoác lên muôn vật chiếc áo màu xanh. Màu xanh hy vọng. Niềm hi vọng ấy xuân nay lại nhiều hơn bao giờ hết. Thực vậy, cả tháng qua người người hồ hởi bàn nhau về tin đại thắng của quân ta. Giặc thù đã phải đầu hàng. Nghe nói đức vua đã có chiếu chỉ cho quân sĩ được về sum họp với gia đình. Hầu như ai cũng có chồng, con đi đánh giặc nên ai cũng vui mừng trước tin này. Nụ cười rạng rỡ trên mặt muôn dân.

Bà cụ Lý cũng thế. Chẳng đêm nào bà không mơ thấy thằng lý Nhi nhà bà trở về, dạn dày trong bộ quân phục đầy cát bụi. Nó ôm lấy bà rồi sung sướng hát vang. Đêm qua bà lại mơ thấy nó…

– Bà khỏe hẳn chưa. Bà Cửu vồn vã bước tới tận giường.

– Cảm ơn bà, tôi nằm rán thế thôi chứ cũng khỏe nhiều rồi. Ấy nhờ cháu ngày nào cũng nấu thuốc cho.

Bà cụ Lý gượng ngồi dậy. Bà Cửu đưa hai tay đỡ bà. Dù mẹ Lý Nhi chỉ hơn bà láng giềng tốt bụng vài tuổi nhưng trông hai người khác hẳn nhau. Bà lý bề ngoài hom hem lụ khụ thế nào thì bà Cửu ngược lại hãy còn tráng kiện lắm dù năm nay vừa đúng lục tuần. Ấy có lẽ vì bà Cửu lớn lên trong một gia đình sung túc, không phải lo lắng gì nhiều còn bà Lý thì phải chịu cảnh nghèo từ tấm bé, sau này lại gặp đường chồng con khốn khó nên chóng già.

– Bà Lý ơi, thế nào thằng nhỏ nhà tôi cũng về phen này. Bà Cửu vui vẻ. Đêm qua tôi lại mơ thấy nó về. Nói năng mạnh bạo, bước đi hùng dũng, không còn vóc người thư sinh như trước kia. Nhưng tôi vẫn lo. Thế nào tôi cũng phải tìm cách cho nó ở lại mãi với tôi.

– Đêm qua tôi cũng mơ thấy thằng Lý Nhi. Bà Lý cũng cười đáp, nhưng trọng giọng nói có gì hơi lo lắng. Tôi thấy nó về đến tận cửa nhà. Trông nó vẫn mạnh khỏe như trước khi ra đi. Nó cười với tôi. Nhưng có điều lạ là khi tôi đến ôm lấy nó thì nó bỗng biến thành hư không. Chẳng hiểu là điềm gì.

– Chắc chẳng có điềm gì đâu. Bà Cửu gạt đi. Bà khéo lo thế thôi. Phen này cả hai đứa đều về cả mà coi. Sớm mai tôi với bà đi lễ chùa cầu trời khấn phật ban phước cho gia đình mình, bà nhé.

***


Hai mươi bảy tết. Từng tràng pháo thỉnh thoảng lại đua nhau vang lên tưng bừng, đón mừng một cái tết đoàn tụ.

Nhiều ngày qua nhiều gia đình lần lượt vui sướng đón chồng con trở về sau những năm dài chinh chiến. Chẳng phải ai cũng toàn vẹn mà trở về đâu. Có người cụt tay, có người cụt chân phải chống gậy khập khiềng. Song đối với gia đình họ, thà bỏ lại chiến trường một phần thân thể vẫn còn hơn là bỏ lại thây mãi mãi, không bao giờ gặp lại người thân. Chiến tranh là như vậy.

Quả thực, dù thế nào đi nữa, được gặp lại chồng con từ chiến trường, từ cõi chết trở về là hạnh phúc lắm rồi. Chẳng phải ai cũng được hạnh phúc thế đâu…

– Tết nhất đến nơi rồi mà sao chưa thấy bóng mấy đứa nhỏ về. Tôi lo quá. Nơi mái tranh nghèo, bà Cửu thở dài não ruột cùng bà mẹ Lý Nhi. Thằng nhỏ nhà tôi có mệnh hệ gì thì tôi làm sao sống nỗi.

Bà cụ Lý thẫn thờ. Hai hàng lệ chảy dài trên đôi gò má khắc khổ của bà. Bà Cửu cũng nức nở theo.

Lại mấy tràng pháo nổ dòn vang đầu xóm cùng tiếng cười nói xôn xao. Không nói ra hai bà cũng hiểu đó là nhà ông Chương Khâm ăn mừng thằng con trai cả vừa về hôm qua. Lòng người hớn hở mà lòng hai bà như tơ vò, chẳng còn thiết tha gì đến tết nữa.

– Ô, cha về rồi! cha về rồi!

Nhà bên có tiếng trẻ con ríu rít. Chẳng bảo nhau hai bà vội ra xem. Chàng Lỗ Hoàng xưa kia làm lực điền vừa mới trở về. Vợ con gã ùa ra đón chồng, đón cha, vẻ vui mừng khôn xiết. Vậy mà mới đây tên thầy bói mù trong làng dám quả quyết rằng anh ta đã tử trận, làm cho vợ con anh ta ngày nào cũng khóc dài.

Trán Lỗ Hoàng mang một vết thẹo to tướng. Hẳn gã từng bị thương khi lâm chiến. nhưng nhìn chung gã vẫn nhanh nhẹn, vạm vỡ như ngày nào còn là anh lực điền. Gã nhe hàm răng sún cố hữu cười toe toét với mọi người.

– Này Lỗ Hoàng anh có thấy thằng Cửu Luân nhà tôi không? Bà Cửu cuống quít hỏi.

– Cửu Luân hả? Nó đang đi đàng sau kia kìa.

– Ôi, con tôi về rồi!

Bà Cửu thốt lên mừng rỡ vội vàng chạy về phía đầu làng. Vì lính quýnh nên bà vấp phải hòn đá té nhào.

– Thế anh có thấy Lý Nhi đâu không? Bà Lý run run hỏi

– Lý Nhi à…Gã ngập ngừng. Không, tôi không thấy.

Bà cụ điếng người. Sao lại không thấy. Nó đi cùng ngày với thằng Cửu Luân mà. Bà chợt nhớ lại giấc mơ đêm nào. Khi bà bước tới ôm Lý Nhi thì nó bỗng tan thành hư không. Chẳng lẽ…Đức phật từ bi sao không cho bà được gặp lại con. Nó ra sao rồi. Nó là cả cuộc đời bà, nó có mệnh hệ gì bà làm sao sống được, hởi trời. Trời cao đâu sao không thương lấy thân già này.

– Lý Nhi con ơi, giờ này con ở đâu.

Bà già khốn khổ khóc lên rưng rức.

Ngay lúc ấy bỗng từ đâu bay tới bên bà một con chi sẻ. Nó kêu lên chiếp chiếp như muốn nói với bà điều gì. Tiếng kêu đượm vẻ bi thương. Rồi nó đậu nhẹ lên cánh tay khẳng khiu của bà. Bà cụ không đuổi mà để yên nhìn con chim lạ. Nó nhìm bà bằng đôi mắt vừa buồn thảm vừa trìu mến. Hai mắt nó ươn ướt như muốn khóc. Nó cứ như thế hồi lâu rồi sau đó, với vẻ đầy lưu luyến, nó lại lượn bên bà lần nữa rồi cuối cùng bay mãi vê phía xa xăm.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)