Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nghệ sĩ Trần Lập dừng bước trên “đường tới ngày vinh quang”

Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) – Liên tưởng tới “chủ nghĩa lạc quan” của bác Nguyễn Phú Trọng

 Images intégrées 1
Thanh niên Hà Nội ghi hình hát ca khúc Trần Lập – ảnh báo Lao Động

Mấy ngày nay tràn ngập báo chí nhà nước và báo tự do (ngoại trừ hệ báo Đảng, Quân đội Công an, Tuyên giáo) là tin tức nghệ sĩ Trần Lập qua đời vì bệnh ưng thư khi vừa 42 tuổi. Báo chí dồn dập đưa tin các hoạt động đưa tang và thu hình thu âm tưởng niệm từ nhiều ca sĩ  diễn viên và cả khán thính giả từ Bắc đến Nam. Tôi nhớ câu thành ngữ cổ nhân “cái quan luận định”[1]* nôm na là “Đậy nắp hòm mới khen chê”.
Thử nghĩ xem, vì sao âm nhạc Trần Lập là một hiện tượng nổi bật từ năm 2000, bền bỉ suốt 16 năm qua mà giới ca sĩ và báo chí thảy đều tâm phục khẩu phục ? Trái ngược với thời kỳ âm nhạc là “vũ khí chiến đấu”, nay đã là thời buổi sân khấu ca nhạc mang tính giải trí và tính thị trường đậm đặc, Trần Lập cứ một mình khơi một dòng chảy lạ lùng. Có lẽ, khi bình tâm, người ta mới suy ngẫm về anh, và bật ra một điều giác ngộ, Trần Lập là một cái gì đó độc đáo lắm. Giác ngộ, nhưng khó nói ra thành lời, bằng tình cảm, họ khẩn trương, ráo riết làm tất cả những gì có thể để tôn vinh anh *[2]. Hơn chục năm qua, nhiều nhạc sĩ tăm tiếng qua đời, trong đó có cả nhạc sĩ giải thưởng HCM, nhưng tôi chỉ thấy có hai đám tang được chú ý đặc biệt: Trịnh Công Sơn và Trần Lập.
Trước hết, ca sĩ Trần Lập có một ngoại hình độc đáo: dáng vóc khỏe mạnh, nụ cười tươi vui hồn hậu, trang phục bụi bụi (và giọng hát rock thiên phú cùng một nhóm nhạc ăn ý).
Tuy nhiên sau ngoại hình thì ba yếu tố sau đây mới thực sự làm nên một nghệ sĩ mới mẻ Trần Lập: 1. Ca từ mới  2. Giai điệu mới  3. Nền nhạc rock.
Tôi tâm đắc nhất về ca từ Trần Lập. Những lời ca mới mẻ, mang tính lịch sử đương đại, xa lạ với những lời hát ỉ ôi u ơ vô nghĩa của làng nhạc trẻ sến vốn là nguồn tài nguyên nuôi sống nhiều sân khấu, tụ điểm ca nhạc và nhiều kênh truyền hình luôn luôn “đói” tác phẩm đàng hoàng tử tế.
Ca khúc đỉnh do Trần Lập viết lần đầu được biểu diễn trong đêm chung kết SV.2000, với giai điệu lạc quan, sôi nổi  Đường tới ngày vinh quang”.
Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi
 Để ta khắc tên mình trên đời.
Dù ta biết gian nan đang chờ đón.
 và trái tim vẫn âm thầm
Ta bước đi hướng tới muôn vì sao.
Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai
 Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió
Lời hứa ghi trong tim mình
Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao
Và con tim ta đã ước nguyện cùng nhau vai kề vai
 Niềm vinh quang ta chia sẻ cùng nhau
Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi
Và chúng ta là người chiến thắng
Dù  ta biết dẫu lắm thác ghềnh cheo leo trên đường xa
 Vượt gian nan ta vươn tới những đỉnh cao
*
 Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi
Và chúng ta là người chiến thắng.
 Đường đến những ngày vinh quang không còn xa
Con đường chúng ta, chúng ta đã chọn
(trích)
.
Nhiều người chỉ thích giai điệu và tiết tấu Trần Lập, họ chẳng quan tâm tới lời ca của anh. Ngược lại, nhiều người chỉ yêu thích lời ca hào hùng tươi trẻ lạc quan, giản dị Trần Lập.
Thực ra nghệ thuật và nội dung phải gắn bó hài hòa với nhau mới làm nên được tác phẩm đặc sắc. Nghệ thuật (giai điệu mới và nền nhạc rock) và nội dung (ca từ) nói trên rất hòa hợp mật thiết với nhau. Ca khúc Trần Lập vang lên một lời kêu gọi mới, như tiếng “Con chim báo bão” mang tên Maxim Gorky cuối thế kỷ 19 ở nước Nga phong kiến chuyên chế độc tài mục nát. Đó là sức mạnh, sức hấp dẫn của ca khúc Trần Lập. Và điều đó lý giải vì sao công chúng yêu thích âm nhạc của nhóm Bức tường (The Wall) do anh làm thủ lĩnh. Người ta có thể yêu mà chẳng hiểu vì sao lại yêu. Vì rất khó cắt nghĩa những hình tượng nghệ thuật hàm súc.
Trần Lập – một tinh thần lạc quan có điều kiện, có cơ sở, một niềm tin vững chắc vào ngày VINH QUANG của dân tộc. Thể hiện một quyết tâm vượt khó khăn để tiến tới thắng lợi. Bài ca của anh mang âm hưởng hùng ca lịch sử. Bài ca cũng mang tính triết lý, hoàn toàn khác với kiểu ca tụng xu nịnh chính trị trâng tráo như lão nhạc sĩ PT ngày xưa.
Bỗng nhiên tôi liên tưởng tới lời ca “lạc quan chủ nghĩa” của bác Nguyễn Phú Trọng:
Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là kỷ nguyênđộc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”.
(Tại lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015). Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. (nguồn: http://vov.vn/chinh-tri/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-ky-niem-sinh-nhat-bac-401809.vov)
Trích thêm lời bác Trọng: “Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, với niềm kính yêu và biết ơn vô hạn, chúng ta long trọng tổ chức kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015), Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta,…”
Nhân đây tôi nhắc nhỏ bác Trọng một tý, bác và số không ít người vẫn hiểu lầm rằng chủ tịch HCM là “danh nhân văn hóa thế giới” bởi các bác không cập nhật thời sự. Xin thưa rằng chúng tôi đã xác minh tại trang web của UNESCO thì không có “danh hiệu” đó (xem nguồn gốc văn bản lưu trữ UNESCO và bài dịch ở đây:

Vài năm nay, biết đã bị hiểu nhầm quá lâu nên báo đài và phát biểu của một số ông cao cấp đã tự sửa chữa thành “Bác Hồ- nhân vật văn hoá kiệt xuất” (văn bản gốc là: Great Personalities: nhân vật lớn, kiệt xuất [của dân tộc Việt] theo danh sách đề cử của mỗi nước).
Bữa nay nhân dịp chia tay nghệ sĩ Trần Lập chúng tôi chỉ so sánh với lời ca “Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam” của bác Trọng. Cứ theo lời diễn văn mà xét, thấy bác Trọng rất lạc quan, bác cho rằng thời bây giờ là “rực rỡ nhất” rồi thì mai sau chẳng cần tiến bộ gì hơn nữa. Nguy quá, thế là tương lai Việt Nam bị “đóng cửa” từ đây rồi, còn ngóc đầu sao được nữa ! Vậy là nước ta chỉ còn mỗi việc ca khúc khải hoàn ăn mừng tràn lan đi thôi. Hôm qua 22/3 báo cáo hết nhiệm kỳ Chủ tịch Nước và Thủ tướng chính phủ kể ra biết bao nhiêu “hạn chế, yếu kém” và “nợ nần”, hóa ra hai ông này rơi vào “bi quan chủ nghiã” mất rồi ư ?!
Trần Lập, tuy cũng lạc quan tin tưởng nhưng nghệ sĩ đã thấy rõ rằng còn bao khó khăn “lắm thác ghềnh cheo leo”phải vượt qua.
Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi
Và chúng ta là người chiến thắng
Dù  ta biết dẫu lắm thác ghềnh cheo leo trên đường xa
Vượt gian nan ta vươn tới những đỉnh cao
Với cảm hứng trăn trở của con người thời đại, Trần Lập đau xót nhận ra thời đại này chưa thể “rực rỡ” được, bởi nước ta còn có biết bao nhiêu “tâm hồn hoá đá”:
Một đời vô danh đá sống vẫn thờ ơ
Nhọc nhằn năm tháng, tháng năm nhọc nhằn thêm
Đá sống không thật gần ai và cách xa mọi người
Dường như không biết yêu và dường như không biết nhớ
Vì con tim giá băng nên tâm hồn vô nghĩa.
(…)
Đừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đá
Sống không một tình yêu
Sống chỉ biết thân mình
Tâm hồn luôn luôn băng giá
Đừng hóa thân thành đá
Vì tâm hồn đá giá băng
(Ca khúc “Tâm hồn hoá đá” của Trần Lập)
Người ta sống cần lạc quan tin tưởng, nhưng không nên rơi vào “lạc quan tếu”. Nghệ sĩ Trần Lập đã gieo một âm hưởng mới đầy trăn trở cho âm nhạc Việt Nam. Anh là cảm hứng lớn cho người yêu âm nhạc, cho thanh niên Việt Nam, chí ít với những ca sĩ ứng cử viên độc lập Mai Khôi và Lâm Ngân Mai trong cuộc đấu tranh trên con đường “cheo leo”, “muôn ngàn sóng gió” hướng tới ngày vinh quang của dân tộc.


Chú thích
[1] * Cái quan luận định (蓋棺論定): đậy nắp quan tài mới nói lời kết luận.
[2] .* Giới truyền hình và âm nhạc ở Hà Nội và Sài Gòn đang làm kịch bản thu hình thu thanh ca sĩ, nghệ sĩ cùng với hàng trăm người hâm mộ biểu diễn tập thể ngoài trời bài hát “Đường tới ngày vinh quang”. Đây là trường hợp thứ 2, lần đầu là bài Quốc ca với cả ngàn người mặc áo đỏ hát đồng ca, theo kiểu “chạy tiếp sức”, cách đây chưa lâu.

Tin bài liên quan:

VNTB- Nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên vi phạm Hiến chương quốc tế các nhà giáo

Phan Thanh Hung

VNTB- Tham nhũng Trung Quốc: Truyền thống và hiện đại

Phan Thanh Hung

VNTB – “Giai cấp mới”, đã đến giai đoạn cuối (kỳ cuối)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.