Mai Lan
(VNTB) – Theo Chủ tịch UBND TPHCM, việc cho học sinh lớp 12 nghỉ học đến ngày 8-3 là hết khung. Bởi nếu cho các em nghỉ thêm thì sẽ không kịp thời gian thi tốt nghiệp như đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Viện dẫn về lý do cho quyết định học trò lớp 12 ở TP.HCM đi học lại từ thứ hai 9-3, lẽ ra phải xuất phát từ thực tế diễn biến của dịch virus Vũ Hán Corona, đàng này lại là theo quy định hành chính của Bộ Giáo dục, một quy định được nhìn nhận là biểu hiện của duy ý chí.
Dường như không chỉ mỗi bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên từ chức…
Theo tường thuật của báo chí, cuộc họp vào chiều ngày 29-2 của chính quyền TP.HCM, có nội dung như sau: “Theo Tổ chức Y tế thế giới, cánh cửa kiểm soát dịch bệnh đang dần khép lại, từ mức cao đến rất cao. Dù Việt Nam nói chung và thành phố (TP) nói riêng đang kiểm soát dịch tốt, nhưng TP phải luôn tính đến phương án chống dịch xấu nhất để kiểm soát tình hình, phòng dịch hiệu quả” – Chủ tịch UBND TP nói và cho biết “giới hạn đỏ” của TP là 1.000 ca mắc bệnh.
Ông phân tích thêm TP có 2.000 trường học. Đây là 2.000 trung tâm giao lưu mật độ cao, đó là chưa kể các trường đại học đóng trên địa bàn và 78.000 học sinh trường tư thục. “Nếu 1 trường hợp xảy ra là sẽ lây lan rất nhanh, như đã có trường hợp bệnh nhân thứ 31 của Hàn Quốc, chưa kể ý thức tự bảo vệ của trẻ em còn hạn chế” – ông Nguyễn Thành Phong nói và nhấn mạnh việc bảo đảm sức khỏe cho học sinh là hàng đầu.
Một lý do thuyết phục khác theo chủ tịch UBND TP, là việc cho học sinh nghỉ học hàng tuần như hiện nay là rất bất tiện, bị động. Do đó, TP muốn có phương án chủ động cho TP lẫn ngành giáo dục và phụ huynh trong việc lo cho học sinh.
Tuy nhiên, đề xuất của TP không được Chính phủ trả lời cụ thể mà chỉ có công văn đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên TP phải tính ngược lại. Nếu cho học sinh nghỉ hết tháng 3 thì ảnh hưởng đến việc thi tốt nghiệp của học sinh cuối cấp, nhất là học sinh lớp 12.
Chủ tịch UBND TP thông tin: “Việc TP cho học sinh lớp 12 nghỉ học đến ngày 8-3 là hết khung. Bởi nếu cho các em nghỉ nữa như các lớp còn lại thì sẽ không kịp thời gian thi tốt nghiệp như đề nghị của Bộ Giáo dục. Muốn cho các em nghỉ nữa, chỉ có một con đường là Bộ Giáo dục lùi thời gian thi tốt nghiệp”.
Cuối cùng, Chủ tịch UBND TP cho biết mong muốn của TP là vẫn muốn cho học sinh nghỉ học hết tháng 3.
Những phút thứ 89 của giải pháp tình thế
Cũng vì lúng túng trước những quyết định hành chính của ngành giáo dục và thái độ ‘im lặng’ của chính phủ, chiều 29-2, để phòng tránh Covid-19 một số trường đại học đã ‘đổi ý’ vào phút cuối, cho sinh viên tiếp tục nghỉ học thêm 1 tuần thay vì trở lại trường vào đầu tuần sau, 2-3.
Trường Đại họcY khoa Phạm Ngọc Thạch đã đăng tải lên website thông báo về việc nghỉ học tạm thời lần 4 để phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Ban giám hiệu quyết định giảng viên, sinh viên, học viên toàn trường được nghỉ học đến hết ngày 8-3. Lý do là phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Tương tự, cũng trong chiều 29-2, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM thông báo tạm dừng thời gian đi học trở lại vào ngày 2-3 như thông báo trước đó. Thời gian đi học trở lại chính thức sẽ được nhà trường thông báo sau.
Trường Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM cũng ra thông báo khẩn thay đổi kế hoạch học kỳ 2 do dịch Covid-19. Theo đó, lịch thi hoc kỳ 1 năm học 2019-2020 của khoá tuyển sinh năm 2019, sẽ được dời lại đến cuối tháng 3 hoặc tháng 4 tuỳ tình hình thực tế, trường sẽ có thông báo cụ thể sau. Tất cả các lớp học sẽ theo thời khóa biểu với hình thức trực tuyến từ ngày 9-3 đến 21-3 với lịch học kỳ 2 trong năm học này. Trước đó, ngày 24-2, trường này đã thông báo điều chỉnh kế hoạch giảng dạy đại học hệ chính quy học kỳ 2 năm học 2019-2020. Lịch thi của sinh viên khóa 2019 sẽ tổ chức từ ngày 2-3 đến 7-3. Tất cả các khóa học của học kỳ này đều bắt đầu từ ngày 9-3 theo thời khóa biểu, hình thức học có thể trực tiếp hoặc trực tuyến.
Ghi nhận đến chiều ngày 29-2, một số trường đại học tại TP.HCM cũng quyết định kéo dài thời gian nghỉ học của sinh viên, học viên đến hết ngày 8-3 để đảm bảo sức khỏe và tránh dịch Covid -19 như: Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM…
Ông Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nói rằng ông đã đề xuất UBND TP.HCM cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM nghỉ học đến hết tháng 3. Tuy nhiên, theo ông Đạt, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn TP.HCM (không thuộc quản lý của UBND TP.HCM) hiện đang rất lúng túng trong việc quyết định có nên cho sinh viên nghỉ hay không vì chưa có chỉ đạo thống nhất từ các bộ ngành chủ quản.
Cũng theo ông Đạt, việc sinh viên đi học trở lại, và một lượng lớn sinh viên sống trong các ký túc xá tập trung là mối nguy hại dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh. “Việc thi cử, tốt nghiệp của sinh viên thà chậm một chút không sao cả. Chứ đi học lại mà một em bị bệnh rất nguy hiểm cho cả TP”, ông Đạt nhấn mạnh.
Chính quyền TP.HCM có vượt được sức ép của ‘bề trên’?
Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ nhiều ban giám hiệu các trường đại học ở TP.HCM đã mạnh dạn ‘đổi ý’, là nhờ vào Công văn số 708/UBND-VX, ngày 29-2-2020, phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký, “Về kéo dài thời gian tạm nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên thành phố do dịch bệnh Covid-19”. Trang 2 của Công văn này, có đoạn ghi: “Sau các mốc thời gian nghỉ học nêu trên, giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế cập nhật tình hình diễn biến phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố, tham mưu phương án đi học trở lại cho học sinh thành phố”.
Đoạn chỉ đạo trên cho thấy lãnh đạo TP.HCM vẫn ‘thả nỗi’ về thời gian nhập học trở lại tùy vào diễn biến của dịch Covid-19. Lưu ý, cả chủ tịch Nguyễn Thành Phong, phó chủ tịch Lê Thanh Liêm và cả bí thư Nguyễn Thiện Nhân, cả ba đều xuất thân là giảng viên đại học. Họ hiểu môi trường học đường.
Ông Nguyễn Thành Phong xuất thân là giảng viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Ông Lê Thanh Liêm là giảng viên trường Đại học Cần Thơ, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM. Ông Nguyễn Thiện Nhân là giảng viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM.
Ông Phong và ông Liêm cùng sinh ra và lớn lên ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Hiện TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 24% tổng sản phẩm quốc nội, 28% thu ngân sách và 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. TP.HCM cũng là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất khi lũy kế đến nay đã có trên 8.000 dự án FDI đầu tư với tổng mức đầu tư đạt 45 tỉ USD và 152 dự án hợp tác công tư đã và đang triển khai với tổng mức đầu tư đạt 20 tỉ USD; năng suất lao động giai đoạn 2011 – 2016 bằng khoảng 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước và năm 2018 gấp 2,9 lần.
Với thái độ quyết liệt hiện tại trong phòng, chống dịch Covid-19, liệu chính quyền TP.HCM có đủ sức trong tạo sự đồng thuận với các địa phương trong cả nước trước đại dịch mà hôm 28-2-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng mức đánh giá nguy cơ toàn cầu của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) từ mức “cao” lên “rất cao” – WHO raises global risk of coronavirus spread to ‘very high’
|