Diệp Chi
(VNTB) – Thành phố Đà Lạt có dấu hiệu “kỳ thị” dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
Nhiều ý kiến phê phán rằng hành động của người dân thành phố Đà Lạt như vậy là cực đoan, nhất là trong tình hình chính phủ yêu cầu sống chung với dịch. Có đúng như vậy?
Đến từ Bình Dương, một người dân ý kiến: “Nếu trách dân gốc Đà Lạt, xin được nhấn mạnh là dân gốc Đà Lạt, thì là không đúng. Trách dân buôn bán, kinh doanh thì cũng tội nghiệp cho họ quá. Trách ở đây là trách chính quyền tỉnh Lâm Đồng nói chung và chính quyền thành phố Đà Lạt nói riêng.
Giờ dịch thì nơi đâu cũng có, có chắc nếu không có dân thành phố lên, Đà Lạt sẽ không có ca nhiễm không? Chính quyền đã tuyên truyền như thế nào về vấn đề sống chung với dịch từ yêu cầu của chính phủ để người dân phải hiểu lầm như thế, gây ra bao sự kỳ thị giữa đồng bào với nhau? Điều này là vi phạm nghị quyết 128 nói riêng cũng như vi phạm gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Bình Dương cũng từng lập chốt, từng xét người từ thành phố với đủ thứ giấy tờ, trong đó có giấy âm tính, dù đã có nghị quyết 128. Nhưng sau khi nghe tiếng nói của dân, Bình Dương, dù hơi chậm, nhưng cũng đã điều chỉnh kịp thời để tiện lợi hơn cho người dân trong lưu thông, sinh hoạt. Chính quyền Đà Lạt biết nghị quyết 128 của chính phủ không? Biết quy định 4300 của Bộ Y tế không? Nếu không biết thì thật vô cùng khó hiểu.
Với hai điều trên, thiết nghĩ, chính phủ nên thanh tra những hành vi này của chính quyền thành phố Đà Lạt”.
Một ý kiến khác.
“Ở đây không bán cho người Sài Gòn. Tôi đọc tấm bảng treo nội dung trên trước cửa một quán ăn ở Đà Lạt, tim tôi như bị trúng tên. Nhà tôi 4 đời là dân Sài Gòn. Hai đứa con tôi dân Sài Gòn “lai” Đà Lạt. Tháng 7-2021, dịch Covid ở Sài Gòn bước vào giai đoạn khốc liệt, gia đình tôi đứng giữa 2 chọn lựa: ở Sài Gòn quê nội, hay về Đà Lạt quê ngoại.
Tôi dắt díu mẹ và con chạy về Đà Lạt. Dọc đường, bạn bè cho biết việc khai báo ở trạm Madagui là cực kỳ gian khổ. Và lên Đà Lạt muốn lưu trú khách sạn phải tiêm đủ 2 mũi. Mẹ tôi già, 2 lần đột quỵ, sáng sớm đã phải dậy đi xét nghiệm để xin giấy âm tính, chạy lên Đà Lạt là một quãng đường dài, chờ đợi lâu e không ổn. Hơn nữa, cả nhà 5 người chưa ai tiêm mũi nào, nói gì “ở trển đòi phải đủ 2 mũi”. Thế là vừa ra cao tốc, tôi ngoặt tay lái ra hướng Bình Thuận, nhờ người bạn cưu mang chỗ ăn ở”, một độc giả chia sẻ.
Thời gian dài ngày qua, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh với sự chỉ đạo chống dịch đầy cứng ngắc và duy ý chí đến từ phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều đau thương, mất mát cũng như “càng lúc càng đói hơn” từ lao động bình dân; đang tự do bỗng chốc bị cầm tù từ những người vô gia cư…, song Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chấp nhận hy sinh thêm một tí “hầu bao” giữa mùa dịch khó khăn để giúp đỡ những tỉnh, thành khác. Trong đó, có Lâm Đồng.
Ngày 5-6-2021, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết Hiệp hội Hoa và Sở Công thương Lâm Đồng có văn bản gởi Sở Công thương TP.HCM kiến nghị hỗ trợ lưu thông và mở cửa chợ hoa Đầm Sen để ‘giải cứu’ hoa Đà Lạt phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp ngày 1-5 âm lịch và Tết Đoan ngọ.
Và chiều 9-6, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho hay đã nhận được thông tin Sở Công thương TP.HCM thống nhất mở cửa tạm thời chợ Đầm Sen (quận 11, TP.HCM) từ ngày 11 đến 13-6 (nhằm ngày 2 đến 4-5 âm lịch) để bán hoa phục vụ nhu cầu tiêu dùng hoa dịp Tết Đoan Ngọ.
Việc mở cửa trở lại chợ Đầm Sen nhằm hỗ trợ nông dân Lâm Đồng và tiểu thương tại TP.HCM tiêu thụ lượng hoa đã trồng phục vụ Tết Đoan Ngọ đã đến thời điểm thu hoạch.
Có ý kiến cho rằng, thời điểm này, thành phố chưa hoàn toàn bùng dịch. Điều đó là không sai nhưng không đúng. Bởi lẽ, với những ca nhiễm đầu tiên Covid-19 trong cộng đồng, thành phố đã phát hiện trước đó, ngày 20-5 với ca ở quán bánh canh cá lóc O Thanh; cao trào hơn là đêm 26-5-2021 với ca nhiễm của một nữ bệnh nhân liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng tại bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng dạy các em thiếu nhi: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Luật pháp Việt Nam cũng quy định rõ, không nên có hành vi gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chính phủ cũng yêu cầu sống chung với dịch. Hơn hết, đó còn là nghĩa đồng bào, là cha Lạc Long Quân – mẹ Âu Cơ.
Chính vì lẽ đó, hành động của chính quyền Lâm Đồng nói chung cũng như chính quyền thành phố Đà Lạt nói riêng là đang đi ngược lại với tất cả, về lý lẫn tình…