Phương Nguyên
(VNTB) – Cần thẩm tra lại về cách đặt vấn đề trong luận án tiến sĩ luật của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt.
“Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” thuộc chuyên ngành Luật hiến pháp và Luật hành chính, là tên gọi của tóm tắt luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, tức nhà sư Thích Chân Quang.
Trong phần mở đầu, Vương Tấn Việt đưa ra lập luận: “Hiện nay, thế giới đang rất ít chú trọng đến yếu tố Nghĩa vụ vì đang bị cuốn vào trào lưu đề cao Quyền con người thái quá. Việc thực thi Nghĩa vụ chưa tương xứng với mức thụ hưởng Quyền của con người đã gây ra nhiều hệ lụy như đạo đức cá nhân xuống cấp, gia đình tan vỡ, nợ công tràn lan, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường bị phá hủy, các giá trị văn hóa nhân loại bị mai một…
Những hệ lụy nghiêm trọng đó buộc chúng ta phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của Nghĩa vụ con người đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Chính vì việc làm rõ tầm quan trọng của Nghĩa vụ con người là rất cần thiết và cấp bách, nên chúng tôi đã chọn nghiên cứu đề tài “Nghĩa vụ con người trong Pháp luật quốc tế và Pháp luật Việt Nam” làm Luận án tiến sĩ luật học của mình”.
Tư cách một người từng trải thời gian khoác áo sinh viên trường luật, cá nhân người viết cho rằng với cách lập luận đặt vấn đề của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt như đoạn mở đầu nêu trên, cho thấy đã có sự nhầm lẫn mang tính cố tình.
Bởi về nguyên tắc pháp lý thì “quyền” là cái mà con người ta có, và họ được tự quyết sử dụng hay không sử dụng nó. Còn “nghĩa vụ” là điều bắt buộc con người đó phải thực hiện. Vì vậy, không có trường hợp vừa là quyền lẫn nghĩa vụ chồng chéo lên nhau, đã là quyền thì không phải là nghĩa vụ và ngược lại.
Luật hiến pháp, tại Điều 3 viết: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Nhân quyền và dân quyền đều là những quyền lợi mà mọi công dân đều được hưởng và được bảo vệ (trừ những người không có quốc tịch); trong đó quyền công dân có nghĩa hẹp hơn so với quyền con người, về bản chất quyền công dân là những quyền con người được nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân nước mình.
Một số quyền công dân cũng là quyền con người như: quyền được có nhà ở, quyền tự do kinh doanh buôn bán, tự do ngôn luận, quyền được học tập, quyền được tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền được bảo vệ về sức khỏe.
Luật hiến pháp 2013 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong góc nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó có thể thấy rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được chuyển đổi thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
Đây không chỉ đơn thuần là thay đổi tên gọi, mà quan trọng hơn đó chính là việc thể chế hóa các quyền con người một cách cụ thể trong Hiến pháp bên cạnh các quyền và nghĩa vụ của công dân.
Hiến pháp năm 2013 quy định công dân Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây: Nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc (Điều 44); Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc (khoản 1 Điều 45); Nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân (khoản 2 Điều 45); Nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 46); Nghĩa vụ chấp hành các quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 46); Nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43); Nghĩa vụ nộp thuế (Điều 47); Nghĩa vụ học tập (Điều 39); Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam (Điều 46).
Tương tự, các quyền con người được pháp luật quốc tế ghi nhận chủ yếu trong các văn bản như Hiến chương của Liên Hiệp Quốc năm 1945, Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966,…
Pháp luật quốc tế và Việt Nam không có điều luật nào gọi là “Nghĩa vụ con người” như thuật ngữ của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt.
Hiện tại thì video về buổi bảo vệ luận án tiến sĩ luật của Vương Tấn Việt đặt ở chế độ “không công khai”.