VNTB – Ngờ vực Quốc hội Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm nhằm phục vụ ‘ý đồ riêng’?

VNTB – Ngờ vực Quốc hội Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm nhằm phục vụ ‘ý đồ riêng’?

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang nói mong rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm cần thực chất, đảm bảo kết quả.

 

Ông Quang nói rằng đây không phải là ý kiến cá nhân mà là việc các cử tri mà ông tiếp xúc đã quan tâm đặc biệt đến “việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp 6 Quốc hội tới đây và mong rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm cần thực chất, đảm bảo kết quả”.

“Đây là hình thức dân chủ trực tiếp và mong rằng, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm thực chất và đảm bảo kết quả”, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang nói. Theo kế hoạch thì việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp 6 dự kiến sẽ diễn ra ngay trong ngày khai mạc kỳ họp 23-10. Dự kiến, Quốc hội sẽ lấy phiếu với 44 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Năm người không lấy phiếu tín nhiệm lần này gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh. Cả 5 nhân sự này được Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023, là năm lấy phiếu tín nhiệm nên không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.

Một tháng trước, vào ngày 18-9-2023, Quốc hội thông báo sẽ lấy phiếu tín nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và những người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn bằng cách bỏ phiếu kín vào ngày 24-10, tức một ngày sau khai mạc kỳ họp 6 Quốc hội XV.

Chi tiết hơn ở thông cáo báo chí hôm 18-9-2023, là trong chiều 23-10, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm do Ban Công tác đại biểu trình, sau đó tiến hành thảo luận tại các đoàn đại biểu về việc lấy phiếu tín nhiệm. Sáng 24-10, sau khi báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều 24-10. Sau đó, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm căn cứ lấy phiếu tín nhiệm.

Hồi đầu năm nay, ở hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng diễn ra ngày 17-2-2023, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã đưa ra nhận định rằng việc lấy phiếu tín nhiệm trước đây còn hạn chế, “có biểu hiện lợi ích nhóm, một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước”.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được hoài nghi sẽ là cái cớ để các phe nhóm quyền lực ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam dùng “phiếu  kín” để triệt hạ nhau.

Tạm gác qua các ngờ vực của vô số thuyết âm mưu, theo quy định, tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm có 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Vậy, làm thế nào để trọng dụng, sử dụng được những người có đa số phiếu “tín nhiệm cao”, bố trí họ ở cương vị công tác cao hơn và cho từ chức, miễn nhiệm, chuyển công tác khác đối với những người có đa số phiếu “tín nhiệm thấp” ngay kỳ họp Quốc hội, mà không cần chờ đến hết nhiệm kỳ đại hội Đảng?

Và nói theo cách tam đoạn luận mà không cần viện đến bất kỳ thuyết âm mưu nào về “tự diễn biến – tự chuyển hóa”, đó là một khi công khai trên diễn đàn Quốc hội mà việc một Phó ban Dân vận Trung ương đã phải lên tiếng: “Mong Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm thực chất” thì đủ hiểu chuyện lá phiếu tín nhiệm lâu nay ra sao – như thế nào.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)