Hoài Nguyễn
(VNTB) – “Các bị cáo đã mạo xưng tôn giáo, tự xưng là cơ sở thờ tự tôn giáo…” ( cáo trạng vụ án Tịnh Thất Bồng Lai)
Về vụ án Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, cáo trạng truy tố và quan điểm luận tội mà đại diện Viện kiểm sát đã nêu, đó là các bị cáo có hành vi xúc phạm, vu khống cá nhân, tổ chức. Mặt khác, các bị cáo đã mạo xưng tôn giáo, tự xưng là cơ sở thờ tự tôn giáo.
Xúc phạm, vu khống cá nhân là chuyện “ngu như bò” mà mạng xã hội đã có nhiều bài viết phân tích. Tuy nhiên cáo buộc “mạo xưng tôn giáo, tự xưng là cơ sở thờ tự tôn giáo”, cho thấy đây là vụ án liên quan đến quyền tự do tôn giáo.
Trước hết thế nào là “mạo xưng tôn giáo” để rồi xác lập cho “cơ sở thờ tự tôn giáo”?
Ngày 18-11-2016 Quốc hội thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016. Luật này quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Cơ sở tôn giáo được quy định tại Khoản 14 Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, có hiệu lực từ ngày 01-01-2018, theo đó, cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.
So với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo 2004, thì Luật tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó điều kiện để thành lập một tổ chức tôn giáo trực thuộc và điều kiện để công nhận một tổ chức tôn giáo mới cũng được sửa đổi.
Cụ thể, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc khi trong Hiến chương của tổ chức tôn giáo có quy định về việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở cho tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo mới khi đáp ứng đủ các điều kiện: Trước hết, tổ chức phải hoạt động tôn giáo ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo (Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và văn bản hướng dẫn thi hành quy định thời gian hoạt động ổn định, liên tục là 23 năm).
Để được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức đó phải: Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi; có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật; tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở và nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngoài ra, tổ chức còn phải đáp ứng một số điều kiện như: Có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Với quy định pháp lý kể trên cho thấy Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ không đủ điều kiện để coi là “cơ sở tôn giáo”, do đó về nguyên tắc sẽ không có chuyện “mạo xưng tôn giáo, tự xưng là cơ sở thờ tự tôn giáo”.
Tuy nhiên với bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, cho thấy nếu không được kiến nghị sửa sai ở phiên phúc thẩm trong hai tuần lễ tới đây, thì đây sẽ là một chỉ dấu công khai cho việc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đang bị vi phạm, và điều này là một thách thức của chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề nhân quyền.