Phú Nhuận
VNTB – TP Hồ Chí Minh sẽ cải tạo đường ra vào cảng từ nguồn thu phí hạ tầng, với việc 14 dự án được ưu tiên bố trí vốn…
Ùn tắc giao thông đã kìm hãm khả năng khai thác, phát triển các cảng ở TP.HCM. Thực trạng này kéo theo hàng loạt hệ luỵ như tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng chi phí logistics…
Ông Bùi Hoà An – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, việc triển khai thu phí trên toàn hệ thống gồm 26 cảng biển ở TP.HCM. “Khoản thu này chỉ bù đắp 1 phần trong kinh phí xây dựng các công trình giao thông khoảng 16.000 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025, chiếm 17% tổng kinh phí dự kiến xây dựng các công trình giao thông 2021-2030 là 93.247 tỷ đồng. Tuy nhiên trong bối cảnh ngân sách thành phố còn khó khăn thì khoản thu sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố” – ông An nhận định.
Ước tính ngân sách thu phí cảng biển sau 5 năm khoảng 15.000 tỷ đồng sẽ bổ sung vào đầu tư cho 14 dự án hạ tầng giao thông, cụ thể như sau:
Tại khu vực quanh cảng Cát Lái, đường Nguyễn Thị Định sẽ được mở rộng 8 làn xe đoạn từ Mỹ Thuỷ đến phà Cát Lái, kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung hoàn chỉnh nút giao vòng xoay Mỹ Thuỷ với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.
Đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu cũng được mở rộng lên 30m, vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố cũng xây thêm tuyến đường mới từ cảng Cát Lái đến Phú Hữu, dài 1,6km, rộng 30m, tổng mức đầu tư gần 950 tỷ đồng.
Thành phố ưu tiên vốn đầu tư hai đoạn Vành đai 2 qua thành phố Thủ Đức, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5km, và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8km, với tổng kinh phí hơn 17.000 tỷ đồng. Các dự án này khi hoàn thành tạo trục mới nối các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ.
Tại khu cảng Sài Gòn (quận 4) sẽ đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 để giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát – Lưu Trọng Lư và Nguyễn Văn Linh; mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh…
Ngoài ra sẽ nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp, nạo vét tuyến đường thủy nội địa, đầu tư xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa để tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ.
Liên quan vấn đề hạ tầng, trong một báo cáo có tên “Nhận diện thực trạng hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ và những vấn đề đặt ra” được tiến sĩ Dương Như Hùng – Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Bách Khoa, đại diện nhóm nghiên cứu về vấn đề này của Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam trong nhiều năm qua đã được cải thiện nhưng vẫn là điểm yếu nhất trong sáu chỉ tiêu logistic là hải quan, đúng hẹn, theo dõi hàng, năng lực và chất lượng logistic, gửi hàng quốc tế.
Hạ tầng giao thông vận tải yếu kém khiến chi phí logistic cao, hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện chi phí logistic Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới 20.8%. Tỷ lệ trung bình của thế giới là 11.7%, khu vực châu Á là 13.3%, các nước láng giềng Thái Lan 10.7% còn Trung Quốc 15.4%. Đường bộ hiện chiếm 60-70% sản lượng vận chuyển hàng hóa.
Nam bộ chiếm 36.8% dân số cả nước nhưng hiện chỉ chiếm 10.5% đường cao tốc so với cả nước (95km).
Về đường thủy tại đồng bằng sông Cửu Long, khối lượng hàng hóa vận chuyển gấp đôi đường bộ nhưng chủ yếu là vận chuyển nội vùng. Xét về đầu tư cho đường nội thủy chỉ chiếm chưa tới 1% so với đầu tư vào đường bộ, cộng cả đường biển là 14%.
Tại TP.HCM nhu cầu cho việc phát triển giao thông đô thị giai đoạn 2016-2020 khoảng hơn 500 ngàn tỷ đồng nhưng mới chỉ cân đối được 112 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn bố trí mới chỉ được hơn 61 ngàn tỷ đồng, tức mới đáp ứng được hơn 10% nhu cầu cần có.
Trong khi đó theo khảo sát của Viện Hạ tầng EDHEC Infrastructure năm 2017, 39% nhà đầu tư có đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước mới nổi. Trong số này 85% muốn gia tăng đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài sợ rủi ro ở Việt Nam bao gồm Luật Quốc tế, Trọng tài quốc tế có được thực thi ở Việt Nam hay không, rủi ro về tỷ giá…
Nguồn vốn cho giao thông hiện nay chủ yếu nhờ vào vốn ODA, ngân sách chính phủ, các nhà đầu tư BOT trong nước năng lực hạn chế.
Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi rất cần cập nhật các tiến độ cho minh bạch hóa khoản thu – chi, bởi với hàng loạt bê bối đang xảy ra ngay trong bộ máy cầm quyền đang khiến người dân hoài nghi mọi lời hứa hẹn, mọi kế hoạch được tung hô từ quan chức đương quyền.