(VNTB) – Trong khi kinh tế Việt Nam đang sa sút, nghị định 168 này bây giờ giống như nhát dao chí mạng của đảng cộng sản đâm vào dân…
Sau một tuần áp dụng mức phạt mới theo nghị định 168, TPHCM đã thu được tổng số tiền phạt là 42,5 tỷ đồng; tăng 11 tỷ đồng so với một tuần trước đó. Tức là trung bình mỗi ngày thu hơn 6 tỷ đồng tiền phạt sau khi có nghị định mới. Có 11.830 trường hợp vi phạm với các lỗi chủ yếu là có nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, đi trên hè phố, dừng đỗ không đúng quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông, không đội mũ bảo hiểm…
Dĩ nhiên, đây chỉ là con số công khai trên biên bản, còn chuyện hối lộ với hình thức “phạt tại chỗ” là không thể tính được. Phạt tại chỗ tức là người dân hối lộ tiền mặt trực tiếp cho CSGT, số tiền này sẽ ít hơn mức phạt được quy định. Ví dụ nếu bị lập biên bản vượt đèn đỏ thì phải nộp phạt 6 triệu đồng, nhưng nếu thoả thuận với CSGT “phạt tại chỗ” thì chỉ cần đưa 300.000đ tới 500.000đ là sẽ được bỏ qua.
Còn ở Hà Nội thì nhà chức trách dự định sẽ lắp đặt 66 nút đèn tín hiệu giao thông với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Hà Nội. Chưa nói tới chi phí 80 tỷ là quá đắt đỏ và có dấu hiệu tham nhũng, chỉ nói chuyện theo dõi để phạt là đã khiến người dân lo lắng rồi. Vì từ khi có nghị định 168 thì trụ đèn giao thông lại hay bị lỗi chập chờn, xanh đỏ bất thường, chẳng khác nào cái bẫy lừa dân.
Những mức phạt cao ngất ngưỡng so với thu nhập và hệ thống đèn giao thông bất thường này khiến người dân hoang mang dẫn tới rất nhiều hệ luỵ. Ngày 09/01, báo Tuổi Trẻ đưa tin “một xe cấp cứu chạy đến giao lộ thì kẹt lại, tài xế bấm còi ra hiệu xin nhường đường nhưng tất cả người đi xe máy đều ngần ngại không dám vượt lên hay rẽ phải. Đến khi đèn xanh bật lên, dòng xe mới dám vượt vạch di chuyển nhường đường xe cứu thương”. (1)
Ngoài việc không dám vượt đèn đỏ để nhường đường xe cứu thương, thì chuyện không dám quẹo phải cũng khiến cho những vụ kẹt xe trở nên nghiêm trọng hơn. Nghị định 168 cấm quẹo phải ở những giao lộ không có đèn hoặc bảng hiệu cho phép quẹo phải. Trong khi đó lưu lượng xe cộ tại các thành phố lớn ở Việt Nam rất cao, bề rộng mặt đường thì hẹp, không được quẹo phải khiến cho dòng xe bị kẹt càng lúc càng kéo dài.
Anh Trần Tiến viết trên Facebook cá nhân: “ngày trước đi làm dừng đèn đỏ 1-2 phút là quá lắm rồi!! Giờ dừng đèn đỏ 5-10 phút, thiếu điều lấy đồ ăn sáng ra ăn luôn mà vẫn chưa qua được ngã tư”.
Chị Yến Mai bình luận: “Chiều tan làm ai cũng mong về nhà cho lẹ để tránh kẹt xe, đằng này nghị định mới không cho quẹo phải để bắt dân đứng đường lâu thêm cho kẹt xe dài thêm”.
Trên mạng xã hội, rất nhiều người dân than thở rằng chưa bao giờ thấy cảnh kẹt xe như những ngày này. “Như một mớ hỗn loạn tiến thoái lưỡng nan từ Q1-Q3 từ sáng đi làm kẹt xe đến chiều tối về cũng kẹt xe, không ai dám rẽ phải khi đèn đỏ nên nó dồn lưu lượng xe lại ở ngã tư nhiều gấp đôi bình thường”, anh Vũ Duy Khánh viết trên facebook.
Một số người dân còn mỉa mai việc sửa luật nhanh nhưng sửa đường chậm là “chủ trương đi tắt đón đầu của đảng cộng sản”. Facebook Võ Hồng Ly đăng video cho thấy nhiều tài xế đã quyết định bỏ nghề và cắt bỏ bằng lái xe để phản đối nghị định mới.
Chị viết: “Không ai muốn tự hất đổ nồi cơm của mình cả! Tuy nhiên, sau khi nghị định 168 đi vào hiệu lực từ ngày 01/01/2025 với mức xử phạt vi phạm giao thông tăng cao kịch trần có thể mất đi vài ba tháng lương, nhiều anh em tài xế đã quyết định bỏ nghề và cắt bỏ bằng lái xe chính là cần câu cơm nuôi sống mình và gia đình. Đây không phải là hành động nông nổi thiếu suy nghĩ nhất thời mà chính là sự phản kháng ôn hòa, là thông điệp của người dân muốn gửi tới các cấp lãnh đạo và những người ngồi phòng máy lạnh làm luật mà không linh hoạt, không thấu cảm được đời sống thực tế của người dân”. (2)
Tai nạn giao thông trong các trung tâm thành phố không nhiều và không nặng vì khó có chuyện phóng nhanh vượt ẩu ở những nơi có mật độ giao thông cao. Nhưng hậu quả của kẹt xe là rất nặng. Ô nhiễm môi trường, mất thời gian, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế người dân. Theo thống kê năm 2022, tình trạng kẹt xe khiến cho mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD/năm (hơn 138.000 tỷ đồng). Đó là 3 năm trước, khi chưa có nghị định 168, bây giờ thì con số có thể sẽ cao hơn rất nhiều.
So sánh với tổng số thu ngân sách nhà nước của TPHCM năm 2024 là 505.344 tỷ đồng, thì con số thất thoát do kẹt xe gây ra là vô cùng khủng khiếp. Đó là chỉ nói riêng TPHCM, những tỉnh thành khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, chi phí vận tải tăng cao sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng theo. Trong khi kinh tế Việt Nam đang sa sút, nghị định 168 này bây giờ giống như nhát dao chí mạng của đảng cộng sản đâm vào dân…
_____________________
Tham khảo:
(2) https://www.facebook.com/share/r/15S2gERjJB/?mibextid=wwXIfr
(3) https://vietnamnet.vn/nan-ket-xe-khien-tp-hcm-mat-6-ty-usd-nam-2039075.html