VNTB – Người dân có dám liều mạng bán tin chống tham nhũng?

VNTB – Người dân có dám liều mạng bán tin chống tham nhũng?

Dân Trần

 

(VNTB) – Đấu tranh, tránh đâu!

 

Bộ Tài chính đề xuất giá tiền tối đa để mua tin phòng, chống tham nhũng là 50 triệu đồng. Đề xuất này nằm trong Dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp. 50 triệu là mức giá cao nhất, còn mua tin cụ thể sẽ được Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định theo từng trường hợp.

Đối với những tin đặc biệt, hoặc tố cáo đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ phải báo cáo lên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét. Nguồn kinh phí mua tin sẽ lấy từ ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có). (1)

Việc mua tin chống tham nhũng này đã được dư luận nói đến từ lâu nay, khi người bán tin là những kẻ thấp cổ bé họng, còn người bị tố cáo lại là những quan chức cấp cao. Và người mua tin thì lại là đồng chí, đồng đảng của người bị tố cáo, thậm chí có khi là cấp dưới của người bị tố cáo.

Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất, là không ít cán bộ chống tham nhũng cũng chính là người tham nhũng nhiều nhất. Nếu người dân mang tin tố giác tội phạm tham nhũng bán cho cơ quan nhà nước, thì người tiếp nhận chính là cán bộ công chức, người điều tra cũng là đảng viên, rồi người quyết định mua tin cũng là đảng viên cấp cao.

Và  hướng xử lý tiếp theo là thay vì điều tra và xử lý các hành vi tham nhũng, những cán bộ tiếp xúc với thông tin tham nhũng trước tiên này có thể che giấu thông tin để hoặc bảo vệ những đồng chí, đồng bọn của mình; hoặc tống tiền đồng chí bị tố cáo, ép người bị tố cáo phải hối lộ, chạy án. Sau khi dàn xếp xong thì cùng nhau xử lý, trù dập người bán tin tố cáo tham nhũng.

Rồi cuối cùng, người bán tin lại trở thành nạn nhân. Thực tế cho thấy, nhiều người dân khi đứng ra tố cáo tham nhũng đã phải đối mặt với các hình thức đe dọa, trả thù và trù dập từ những cá nhân hoặc tổ chức bị tố cáo. Nhẹ thì người tố cáo bị đuổi việc, cô lập trong cộng đồng, gia đình và bạn bè do lo sợ bị liên lụy hoặc bị trả thù. Nặng hơn, một số người tố cáo có thể bị khởi kiện ngược lại với các cáo buộc vô căn cứ, làm mất thời gian, công sức và tiền bạc để bảo vệ mình trước pháp luật.

Ví dụ điển hình là trường hợp ông Trần Minh Lợi, người từng có nhiều đơn tố cáo hành vi nhận hối lộ của các cán bộ. Như việc ông Lợi thu thập chứng cứ, tố cáo giáo viên dạy lái xe ở Đắk Lắk nhận tiền để nâng hạng bằng lái xe hồi tháng 12 năm 2015. Hoặc ông Lợi tố cáo nhiều cán bộ công an huyện Cư Kuin chạy án và tiếp tay cho mua bán gỗ lậu, khiến 11 lãnh đạo cán bộ công an huyện này phải bị kỷ luật. Đỉnh điểm là việc ông Lợi tố cáo việc nhận tiền chạy án của trung uý Lãnh Thanh Bình, trinh sát hình sự công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

Những đơn tố cáo này khiến ông Trần Minh Lợi trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Họ đã tìm mọi các, mọi lý do để bắt giam cho bằng được ông Lợi. Dẫn tới vụ việc ngày 22/3/2016, ông Lợi bị công an bắt giam vì lý do “đưa hối lộ”. Đây là một bản án thể hiện sự bất công trong hệ thống luật pháp của Việt Nam khi người dân bị ép phải đưa hối lộ, rồi họ tố cáo cán bộ nhận hối lộ và cuối cùng bị bắt giam vì tội “đưa hối lộ. Ông Lợi bị kết án 4 năm 6 tháng tù vì tội này.

Sau khi ra tù, ông Lợi tiếp tục lên tiếng chống tham nhũng, tố cáo chánh án toà án huyện Cư Kuin làm khống tài liệu. Khiến cho ngày 01/12/2023, ông Lợi tiếp tục bị bắt giam lần 2 với cáo buộc bịa đặt, vu khống quan chức cộng sản theo điều 331, bộ luật hình sự.

Vụ ông Trần Minh Lợi chỉ là một ví dụ điển hình cho việc người tố cáo tham nhũng bị bắt giam, đàn áp. Thực trạng này diễn ra thường xuyên tới mức quốc hội đã nhiều lần bàn chuyện bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Nhưng đâu lại vào đó, vì đại biểu quốc hội cũng đều là đảng viên đảng cộng sản.

Việc nhà nước đặt giá mua tin chống tham nhũng chẳng khác nào cái bẫy với người dân. Thay vì mua tin, chỉ cần thanh tra minh bạch nguồn gốc tài sản của cán bộ đảng viên là có thể tìm ra những con sâu trong nồi canh. 

Nhưng cán bộ thanh tra, lại chính là đảng viên cộng sản thì không thể có được sự công bằng, minh bạch vì không phải cơ quan giám sát độc lập với đảng phái chính trị cầm quyền. Chỉ có đa đảng và dân chủ hoá thì may ra mới triệt tiêu được tham nhũng ở Việt Nam. Nhưng đảng cộng sản không chấp nhận đa đảng thì nạn tham nhũng cứ còn dài dài và người dân không ai dám liều mạng chỉ vì 50 triệu đồng bán tin mà mất hết tất cả.

 

______________

Tham khảo:

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-muc-chi-mua-tin-phong-chong-tham-nhung-119240619142453511.htm

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)