Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người dân có được quyền lựa chọn vắc xin để chích ngừa Covid?

Thạch Hãn

 

(VNTB) – Người nghèo ở Việt Nam khi được ‘chích ngừa miễn phí’, liệu họ có được quyền lựa chọn vắc xin?

 

Ghi nhận phản ứng của cộng đồng mạng xã hội facebook ở Sài Gòn cho thấy hầu hết đều hoài nghi về ‘chất lượng hàng Tàu’.

Tin tức cho biết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định phê duyệt có điều kiện vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất. Đây là vắc xin ngừa Covid-19 thứ 3 được phê duyệt ở Việt Nam.

Cụm từ “phê duyệt có điều kiện” chính là căn cứ củng cố ngờ vực ‘chất lượng hàng Tàu’, nhất là chính Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho hay luôn rằng trước mắt đây là vắc xin do Bắc Kinh viện trợ miễn phí cho Hà Nội.

Thêm vào đó, còn là thông tin tất cả các loại vắc xin ngừa Covid-19 hiện nay đều chưa phải là vắc xin thương mại, nên chưa được Cục dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp Giấy phép lưu hành (Marketing Authorization – MA).

Nói cho công bằng, hoài nghi ‘chất lượng hàng Tàu’ ở đây là vì người dân không tin tưởng vào các thông tin mà Đảng ‘ăn đàng sóng – nói đàng gió’ của ông Tập Cận Bình đưa ra, chứ không phải ngờ vực nền y học cổ truyền của Trung Hoa. Bằng cớ là người Việt vẫn dùng thuốc Đông Y Trung Hoa, song lại từ chối bất kỳ một loại thuốc tây y nào của Trung Quốc.

Tin tức truyền thông cho biết tại Thái Lan, một học viện do Công chúa Chulabhorn, em gái vua Maha Vajiralongkorn, đứng đầu nói rằng sẽ nhập một triệu liều vắc xin Covid-19 của Sinopharm sau khi vắc xin này được phê duyệt.

Theo Channel News Asia, chính phủ Thái Lan cũng vừa tuyên bố sẽ có 3 triệu liều vắc xin Sinovac của Trung Quốc trong tháng 6 này. Indonesia cũng đã nhập khẩu vắc xin Sinovac từ cuối năm 2020. Campuchia đã triển khai rộng rãi việc tiêm vắc xin của Trung Quốc.

Các nước như Philippines, Malaysia… cũng sử dụng vắc xin Trung Quốc như một phần trong các nỗ lực chống dịch – dĩ nhiên ở đây cũng không ít lùm xùm. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi đầu tháng 5-2021 từng đòi trả lại 1.000 liều vắc xin Sinopharm cho Trung Quốc sau khi bị chỉ trích vì đã tiêm vắc xin này dù nó chưa được cơ quan y tế thông qua…

Báo Deutsche Welle (Đức) đưa tin Chính phủ Hungary mới đây đã công bố kế hoạch sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 Sinopharm do Trung Quốc phát triển tại nước này. Tờ báo dẫn lời Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho biết Budapest muốn tự chủ sản xuất vắc xin ngừa Covid-19. Theo ông, Hungary sẽ khai trương một nhà máy sản xuất vắc xin trị giá 157 triệu euro (khoảng 193 triệu USD) tại thị trấn Debrecen.

Hungary là quốc gia thành viên duy nhất của Liên minh châu Âu (EU) sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc cho chiến dịch tiêm chủng, sau khi các cơ quan quản lý trong nước chấp thuận sử dụng loại vắc xin này.

Bộ Y tế Việt Nam dè dặt hơn rất nhiều trong dự kiến sử dụng vắc xin của Trung Quốc.

Báo chí Việt Nam hôm cuối tháng 5-2021 đã được phép đăng tải công khai các vấn đề liên quan đến vắc xin do Trung Quốc sản xuất.

Đơn cử, báo Tuổi Trẻ ở số phát hành ngày 28-5-2021 đã đặt tít gây tò mò “Hiệu quả thực của vắc xin Sinopharm, Trung Quốc là bao nhiêu?” với đoạn mở đầu bài viết giải quyết luôn thắc mắc: “Mức độ hiệu quả của vắc xin Sinopharm chỉ trên 70% và giảm dần đối với các trường hợp không biểu hiện triệu chứng bệnh”.

Các nội dung tiếp theo đó của bài báo càng củng cố hơn nữa lý do để người dân thực hiện quyền lựa chọn vắc xin chích ngừa:

“Sinopharm đã thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin trên hơn 40.000 người từ 18 đến 59 tuổi tại Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Việc thử nghiệm được tiến hành từ năm ngoái nhưng kết quả chỉ được Sinopharm công bố hôm 26-5.

Dữ liệu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy vắc xin Sinopharm cho hiệu quả bảo vệ 78,1% với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng Covid-19. Tỉ lệ này giảm xuống còn 73,5% với các trường hợp không biểu hiện triệu chứng.

Một loại vắc xin khác do công ty con của Sinopharm sản xuất cho hiệu quả thấp hơn, lần lượt là 72,8% và 64% cho các ca nhiễm có triệu chứng và không triệu chứng. Loại vắc xin này đang trong quá trình xin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép để sử dụng khẩn cấp” (dừng trích).

Trở lại với quyết định phê duyệt có điều kiện vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất được sử dụng tại Việt Nam mà Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký với lý do “phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, là còn có kèm theo 9 điều kiện.

Đơn cử như, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện đối với vắc xin tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vắc xin phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thêm vào đó, trong quá trình nếu có sử dụng vắc xin do Trung Quốc sản xuất, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phải phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và đào tạo và đơn vị đủ điều kiện tổ chức đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc xin này dựa trên ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế…

Tính đến ngày 4-6-2021, Việt Nam chưa đặt mua vắc xin của Trung Quốc, nhưng Việt Nam được phía Trung Quốc tặng vắc xin này, số lượng tặng chưa được thông báo.

Một tin tức cập nhật tuần lễ đầu tháng 6 đáng chú ý, đó là thành phố Quảng Châu của Trung Quốc đang vật lộn với biến thể Ấn Độ – biến thể này vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên lại là Delta. Trong khi đó thì tính đến ngày 31-5, hơn 10 triệu người dân Quảng Châu đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Sinopharm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thả gà ra đuổi?

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng sự ảnh: Sài Gòn về đêm, lúc này…

Phan Thanh Hung

VNTB – Gói 100 tỷ hỗ trợ: cũng vui đó nhưng phải chờ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo