VNTB – Người dân có quyền đề xuất dự luật biểu tình qua văn phòng đại biểu Quốc hội

VNTB – Người dân có quyền đề xuất dự luật biểu tình qua văn phòng đại biểu Quốc hội

Phú Nhuận

(VNTB) – Quốc hội Việt Nam không hề có động lực để làm luật, dù đây là cơ quan lập pháp

 

Nhóm thân hữu của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam từng hợp sức soạn dự luật về quyền biểu tình, dự luật về hội, và Chủ tịch hội này đã đến trụ sở văn phòng Quốc hội TP.HCM để gửi đề nghị.

Căn cứ pháp lý cho thực hiện đề xuất trên là “quyền sáng kiến lập pháp”.

Thời điểm nhà báo Phạm Chí Dũng gửi các dự luật trên là nhân dịp sinh nhật 4-7 của Hội. Tuy nhiên không có sự phản hồi nào từ phía văn phòng Quốc hội TP.HCM; và những tình tiết này cũng không thấy ghi trong hồ sơ vụ án mà ba thành viên của Hội này đã bị quy chụp hồi cuối năm 2019.

Mới đây, sau đại biểu Quốc hội khóa XIII Trần Thị Quốc Khánh với sáng kiến đề nghị xây dựng Luật Hành chính công, ông Nguyễn Anh Trí là đại biểu Quốc hội thứ hai đề xuất sáng kiến lập pháp xây dựng Luật Bản dạng giới.

Như vậy xem ra cho đến nay chuyện thực thi “quyền sáng kiến lập pháp” do nhà báo Phạm Chí Dũng đặt vấn đề qua 2 dự luật kể trên, vẫn là chuyện quá hiếm hoi trong các tổ chức xã hội dân sự cho đến những văn phòng của cá nhân đại biểu Quốc hội.

Một thành viên trong nhóm soạn thảo 2 dự luật trên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nhớ lại là khi ấy nhà báo Phạm Chí Dũng rất tự tin với việc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, tháng 7-2015. Một trong những nội dung mới của luật này là bảo đảm quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội. Đây chính là lý do để nhà báo Phạm Chí Dũng củng cố thêm niềm tin vào những đóng góp với tư cách một hội nghề nghiệp với các hoạt động dân nguyện.

Trong nhiều lần bàn luận của nhóm thân hữu nhận lời mời của nhà báo Phạm Chí Dũng ở việc chưa có tiền lệ, là soạn dự luật để gửi đề xuất với văn phòng Quốc hội TP.HCM, người viết vẫn còn nhớ về những ý kiến trái chiều đại khái là Quốc hội Việt Nam không hề có động lực để làm luật, dù đây là cơ quan lập pháp.

Có ý kiến rằng theo động lực tự nhiên của việc vận hành thể chế chính trị một đảng cầm quyền, cách hiểu hợp lý hơn ở đây, rằng đồng ý Quốc hội là cơ quan lập pháp, nghĩa là Quốc hội cho Chính phủ quyền áp đặt sự tuân thủ gì thì Chính phủ được áp đặt sự tuân thủ đó. Và đó mới là bản chất của mối quan hệ giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Mà như cách đặt vấn đề đó thì Chính phủ mới là cơ quan có động lực để làm luật nhiều hơn chứ không phải Quốc hội. Vì vậy chuyện Hội Nhà báo độc lập Việt Nam chủ động soạn thảo dự luật rồi gửi đến văn phòng cá nhân vị đại biểu Quốc hội nào đó để kêu gọi các vị đại biểu này tham gia trình các dự án luật, nhằm tăng cường quản lý, là đi ngược với động lực tự nhiên này của thể chế chính trị độc đảng toàn quyền ở Việt Nam.

Phản biện cách đặt vấn đề trên, vẫn là câu hỏi, vậy Quốc hội có động lực làm luật không?

Câu trả lời là có, nhưng không phải động lực làm luật để tăng cường quản lý, mà là để phục vụ tốt hơn cho cử tri. Ví dụ như, trước tình trạng bị hạn chế quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí theo nghĩa chấp nhận đa dạng các thành phần kinh tế trong lãnh vực truyền thông báo chí,… nếu cử tri phàn nàn về những điều này, thì động lực của Quốc hội là ban hành luật để bảo đảm quyền tiếp cận tự do về báo chí truyền thông, về tự do hội họp, tự do biểu đạt cho người dân.

Đạo luật quyền biểu tình, quyền tự do báo chí truyền thông không phân biệt thành phần kinh tế, quyền tự do hội họp… được Quốc hội ban hành có thể buộc các cơ quan chức năng tiến hành và thực hiện tốt hơn về các quyền đã Hiến định.

Như vậy từ các lập luận trên sẽ thấy động lực lập pháp có thể rất khác nhau giữa Chính phủ và Quốc hội. Tuy nhiên như đã nhấn rõ ở phần đầu bài viết này, các thiện chí của nhà báo Phạm Chí Dũng cùng nhóm thân hữu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã không được chính quyền chấp nhận.

Cũng không thể trách, vì cho đến hiện tại dự Luật Hành chính công của đại biểu Quốc hội khóa XIII Trần Thị Quốc Khánh vẫn chưa được Quốc hội Việt Nam “gật đầu”.

Bà Trần Thị Quốc Khánh có học vị tiến sĩ Luật học, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Bulgaria. Nhà báo Phạm Chí Dũng, học vị tiến sĩ Kinh tế chính trị, ông là trưởng nhóm chủ trì biên soạn ở cả hai dự luật về quyền biểu tình, và quyền về hội đoàn dân sự.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)