Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người dân không được dùng “thuốc tốt nhất”

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Điều trị nội trú sẽ nhận ra rất rõ một điều: nếu chỉ uống theo toa của dịch vụ bảo hiểm y tế thì bệnh tình sẽ chậm chạp thuyên giảm hơn so với toa thuốc mua ngoài.

 

Độc quyền bảo hiểm y tế nên tha hồ chèn ép khách hàng

Ở đây chẳng phải chuyện ‘bắt tay’ với nhà sản xuất dược phẩm từ các thầy thuốc, mà đó là quy định chung về danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chấp nhận thanh toán trong chữa trị đối với khách hàng của họ (mua bảo hiểm y tế, cần được hiểu sòng phẳng là khách hàng của chính doanh nghiệp bảo hiểm y tế đó!).

Trong khi đó thì Luật Khám – Chữa bệnh sửa đổi quy định người bệnh có quyền lựa chọn điều trị bằng phương pháp chất lượng cao, hiệu quả theo nhu cầu. Như vậy thì thay vì cứng nhắc theo danh mục chung được bảo hiểm y tế chấp nhận thanh toán, nếu có cơ chế thích hợp, hành lang pháp lý rõ ràng, thì sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận, quyền lựa chọn thuốc của bác sĩ điều trị, và bệnh nhân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân tự nguyện chi trả khi điều trị một số bệnh hiểm nghèo – hiện có khoảng 30% biệt dược gốc được dùng cho những bệnh nhân này.

Thời gian nằm viện nội trú cũng sẽ rút ngắn hơn khi bệnh nhân được điều trị loại thuốc tốt nhất, cập nhật nhất trên thị trường.

Lưu ý, đã 5 năm kể từ năm 2018, danh mục thuốc do Bảo hiểm y tế chi trả/ đồng chi trả chưa được cập nhật, bổ sung thuốc mới một cách tổng thể. Điều này không chỉ bệnh nhân thiệt thòi, mà đội ngũ bác sĩ cũng mất cơ hội được tiếp cận những thành tựu khoa học, thông tin lâm sàng của các loại biệt dược gốc và các phương pháp điều trị tiên tiến nhất.

Bệnh nhân Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các thuốc mới so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2022, chỉ có 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam trên tổng 460 thuốc mới ra thị trường từ năm 2012 tới cuối năm 2021, theo nguồn dữ liệu của tổ chức nghiên cứu ngành y dược IQVIA MIDAS data cập nhật quý I-2022.

Mà đâu chỉ vậy. Khoản 76 điều 5 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý việc mua thuốc của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện chỉ được mua thuốc đã trúng thầu ở chính cơ sở y tế đó, hoặc trúng thầu ở bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc trung ương trong vòng 12 tháng. 

Vì thế, hiện nay kết quả đấu thầu các thuốc phục vụ cho nhu cầu sử dụng tại các cơ sở y tế đang được sử dụng chung cho cả thuốc sử dụng và không sử dụng ngân sách quỹ bảo hiểm y tế. Điều này dẫn đến việc người bệnh có nhu cầu và khả năng chi trả song lại không được sử dụng các thuốc điều trị theo yêu cầu đa dạng. Đặc biệt là thuốc trong những ca bệnh nặng, hiểm nghèo mà bệnh nhân đứng giữa ranh giới sống chết cần dùng đến.

Muốn mau khỏi bệnh, hãy chọn toa ‘không bảo hiểm’

Số liệu tổng hợp của Bộ Y tế cho biết tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế của Việt Nam hiện chỉ mới 11%, là mức thấp so với trung bình 27,1% trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hiện nay, giá biệt dược gốc xuất xưởng của Việt Nam vào hàng thấp nhất ASEAN và sẽ tiếp tục giảm khi triển khai đàm phán giá. Gần 2/3 (và đang tăng theo thời gian) số biệt dược gốc đang sử dụng là thuốc biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ bản quyền.

Theo các chuyên gia y tế, nếu các biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bắt buộc đấu thầu chung với thuốc generic nhóm 1 thì sẽ không công bằng vì không thể cạnh tranh về giá, không thể tồn tại trên thị trường Việt Nam.

Về mặt sử dụng trong điều trị, các thuốc biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ không phải luôn thay thế được, các thuốc generics không có so sánh đối đầu mà chỉ có thử tương đương sinh học. Không chỉ có nguy cơ bệnh nhân không tiếp cận được thuốc chữa bệnh mà còn những nguy cơ khác khiến cho hệ thống y tế Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực to lớn.

Không đấu thầu được, thuốc biệt dược gốc sẽ không thể có mặt trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các nhà thuốc, có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện đường dây cung cấp thuốc biệt dược gốc từ nước ngoài không kiểm soát được. Nếu điều đó xảy ra, người bệnh sẽ chịu thiệt thòi trước tiên vì không tiếp cận và sử dụng được biệt dược gốc để chữa bệnh, các bác sĩ điều trị cũng bị giới hạn quyền lựa chọn thuốc trong công tác điều trị.

Nhìn ở giác độ kêu gọi thu hút đầu tư của chính phủ Việt Nam, thì một khi biệt dược gốc khó vào thị trường Việt Nam, tức các doanh nghiệp dược phẩm phát minh thuốc mới sẽ không thấy cơ hội nào về hoạt động của mình tại Việt Nam, qua đó họ cũng sẽ phải cân nhắc lại việc đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc ở Việt Nam.

Khả năng Việt Nam có những khu công nghiệp, khu công nghệ cao tập trung sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; cũng như cơ hội làm đầu mối xuất khẩu thuốc và các sản phẩm dược ra khu vực và thế giới sẽ trở nên ngày càng xa vời…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bán bảo hiểm nhưng quên bán quyền lợi

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Giấc mơ được ‘mở miệng’

Phan Thanh Hung

VNTB – Không có vắc xin mà cứ đòi 2 mũi mới có thẻ xanh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo