Diệp Chi
(VNTB) – Làm gì có cái chuyện giám đốc Sở giáo dục mà lại không biết quy định mầm non?
Quen thuộc ở từng trường học, ngay từ bậc tiểu học là câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Điều này là không sai, bởi để đất nước phát triển, phụ thuộc không ít vào thế hệ trẻ, những thế hệ tương lai của đất nước, được đào tạo bày bản, chuyên môn.
Tuy nhiên, nếu xét chỉ việc học của các em học sinh thôi, dường như, xem ra là chưa đủ, khi bản thân là cán bộ của ngành giáo dục mà lại không biết “dòm trước ngó sau”, không biết, nói theo kiểu biện minh của cô hiệu trưởng, là “đặc thù bỏ giày dép bên ngoài của trường mầm non”.
“Một người quen gửi cho tôi cái link nội dung bài viết về hành động không bỏ giày, dép ra ngoài của ông Trần Thế Cương cùng đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đến kiểm tra các trường mầm non trên địa bàn thành phố, cá nhân tôi cảm thấy không đồng tình trước lời bênh vực của vị hiệu trưởng nơi đây.
Làm gì có cái chuyện giám đốc Sở giáo dục mà lại không biết quy định mầm non? Không thể nói tại đứa trẻ khóc, thành viên trong đoàn vội vào dỗ, không kịp bỏ giày ra ngoài, vô lý, vậy lúc đó, các giáo viên ở đâu?”, ông Hai, một cư dân ở Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc.
Độc giả bút danh Đặng Nguyễn chia sẻ ý kiến: “Hơn ai hết Giám đốc sở phải hiểu rõ quy định cũng như điều cơ bản của phòng học trường mầm non. Lời nói của cô hiệu trưởng là lời bao biện cho hành động sai của người lớn. Cô hiệu trưởng còn vậy thì làm sao dạy cho trẻ có ý thức”.
“Tôi đã rất không hài lòng khi nhìn thấy bức ảnh này mấy ngày trước. Cũng có ý định viết một bài kèm bức ảnh đó nhưng lại sợ chạnh lòng những giáo viên của tôi – mà hầu hết họ đã không còn đến hôm nay (tôi cũng đã 73 tuổi rồi mà). Chẳng lẽ các ông ở ngành giáo dục Hà Nội không hiểu các cơ sở mầm non có quy định không đi giày, dép vào phòng học? Các ông, các bà đang đi kiểm tra cái gì đây ở một lớp mầm non? Các ông, bà ở sở sao vô tình quá, cái vô tình của người “làm quan”. Buồn thế chứ lỵ!”, một độc giả khác chia sẻ.
“Nếu làm về giáo dục, mang tiếng đi thăm trường mầm non, mà không biết đặc thù của trường, không biết thói quen của trẻ, đi thăm có khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”? Nên chăng nghĩ đến việc từ chức vì xấu hổ, làm về giáo dục mà không biết giáo dục mầm non?”, một ý kiến khác.
“Nói vậy thôi, báo chí cũng đăng vậy, rồi cũng chìm xuồng à. Giống như cái ông chủ tịch Chu Ngọc Anh đó, Hà Nội bị nhiễm tùm lum tùm la, lên đỉnh dịch rồi đi xuống, mà ổng vẫn chưa xuống. Trong khi thành phố mới bị, đã chuyển ông Nguyễn Thành Phong đi rồi. Rồi thời gian trôi qua, nhiều việc xảy đến, chuyện của ông Cương cũng sẽ trôi vào quên lãng thôi. Chỉ là người đứng đầu giáo dục ở Hà Nội mà có hành vi như vậy, lo lắm chuyện giáo dục”, ông Hai ngán ngẩm.
Nếu như những con người “vô ý vô tứ” đó chỉ đơn thuần là ngoài ngành giáo dục, xét nghĩ, còn có thể tha thứ, còn có thể thông cảm dưới góc độ nào đó. Đằng này thì không. Những con người ăn bận quần áo bảnh bao đó, lại là cán bộ của giáo dục, là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo của Hà Nội và lại đang đứng trên đất thủ đô, thử hỏi sao người dân lại không thể không bức xúc?
Mỉa mai thay, người làm về giáo dục lại có hành vi thiếu giáo dục…