Sáng ngày 19-4-2023, một số người Việt tị nạn tại Thái Lan đã tụ tập trước văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) tại Bangkok (Thái Lan) kêu gọi bảo vệ người Việt tị nạn tại Thái Lan trước tình trạng bị bắt cóc hồi hương.
Việc bắt giữ ông Đường Văn Thái đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng người Việt tị nạn tại Thái Lan vì có thể bị mật vụ Việt Nam bắt cóc và dẫn về Việt Nam để xét xử bất cứ lúc nào. Trước nỗi lo đó, những người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan đã tổ chức biểu tình trước văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) tại Bangkok (Thái Lan) và đưa thỉnh nguyện thư đã có 300 chữ ký cho các tổ chức nhân quyền thế giới.
Thỉnh nguyện thư đưa ra 3 yêu cầu đối với các cơ quan nhân quyền quốc tế và UNHCR là điều tra vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái, thực hiện các biện pháp bảo vệ người tị nạn hiệu quả hơn, và cho những người Việt đã có qui chế tị nạn sớm được tái định cư.
Những cộng đồng tham gia biểu tình gồm có Khmer Krom, Hmong, Tây Nguyên ( người Thượng) cùng người Việt đã phải đến cầu cứu Liên Hiệp Quốc vì lo ngại cho an nguy của những nhà đấu tranh/ hoạt động Việt Nam.
Ông Lê Thương cho biết những người tị nạn rất hoang mang và lo ngại cho sư an nguy của bản thân sau vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái. Đại diện cho những người Việt tị nạn tại Thái Lan ông Lê Thương trình thỉnh nguyện thư với hơn 300 chữ ký lên cho các tổ chức nhân quyền thế giới.
Năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam đã cho bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam để xử tội. Vụ việc đã gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. Phía Đức vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc và đưa những người có liên quan ra xét xử.
Năm 2019, Việt Nam cho bắt cóc ông Trương Duy Nhất tại Bangkok về Việt Nam. Tuy nhiên nhà cầm quyền Thái Lan đã hoàn toàn im lặng về vụ bắt cóc xảy ra trên đất Thái.
Năm 2023, 3 ngày sau khi mất tích, chính quyền Việt Nam tuyên bố đã bắt giữ ông Đường Văn Thái khi ông đang tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tại Hương Sơn Hà Tĩnh. Vụ việc lần này có lẽ sẽ lại tiếp tục rơi vào im lặng trên đất Thái.
Chính quyền Thái Lan không cho tiến hành điều tra các vụ bắt cóc có lẽ là để đáp lễ việc công an Việt Nam đã trao lại những người Thái từng bị cáo buộc xúc phạm Quốc Vương Thái Lan khi họ tìm cách vượt biên vào Việt Nam từ Lào sử dụng hộ chiếu giả. Việt Nam cho biết họ đã giao nộp 3 người Thái –Chucheep Chiwasut, Siam Theerawut và Kritsana Thapthai cho Thái Lan vào ngày 8-5-2019. Những người này đã mất tích luôn kể từ đó đồng thời chính quyền Thái cũng không thừa nhận họ giam giữ những nhà bất đồng chính kiến này.
*****
Bangkok, ngày 17 tháng 04 năm 2023
THỈNH NGUYỆN THƯ
KÊU GỌI BẢO VỆ NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN TẠI THÁI LAN TRƯỚC TÌNH TRẠNG BỊ BẮT CÓC HỒI HƯƠNG
Kính gửi: Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc, Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Chính phủ các quốc gia dân chủ, các vị dân biểu, tổ chức Ân Xá Quốc Tế, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, các tổ chức bảo vệ quyền con người và các cơ quan truyền thông
Chúng tôi là tập thể những người Việt Nam đang tị nạn tại Thái Lan, xin được gửi đến quý vị bức thỉnh nguyện thư kêu gọi sự bảo vệ khẩn cấp trước mối đe doạ bị bắt cóc hồi hương đến từ nhà nước Việt Nam.
Ngày 13/04/2023, nhà báo tự do Đường Văn Thái, người đã được Cao Uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn, bổng dưng mất tích khỏi nơi cư trú. Bạn bè và những người thân thiết với ông Thái đã tìm kiếm nhưng vô vọng. Ngày 16/04/2023, thông tin chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng họ đã bắt giữ ông Đường Văn Thái khi vượt biên trái phép vào Việt Nam tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, dựa trên các dữ kiện hiện có thì đây là một hành động bắt cóc đã được lên kế hoạch, và cáo buộc “vượt biên trái phép” đối với ông Đường Văn Thái chỉ là cách thức nhà nước Việt Nam hợp thức hóa vụ việc mà thôi.
Ông Đường Văn Thái là người thường xuyên đăng tải thông tin nội bộ của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và chỉ trích chính quyền Việt Nam. Đồng thời, ông Đường Văn Thái cũng nhiều lần bị báo chí của ngành công an và lực lượng dư luận viên Việt Nam đe doạ trả thù. Ông Thái không có lý do gì để mạo hiểm vượt qua nhiều tuyến biên giới như tuyên bố của nhà chức trách Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam tiến hành việc bắt cóc các nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Trước vụ bắt cóc nhà báo Đường Văn Thái, năm 2019 nhà báo Trương Duy Nhất khi vừa sang Thái Lan để xin tị nạn đã bị công an Việt Nam bắt cóc đưa về Việt Nam và kết án tù nặng nề. Năm 2017, Bộ Công An đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về vì liên quan tới những bí mật của Đảng Cộng Sản.
Hành động bắt cóc những người bất đồng chính kiến của nhà nước Việt Nam, cho thấy họ xem thường luật pháp quốc tế và điều này khiến cộng đồng người Việt tị nạn tại Thái Lan hết sức hoảng sợ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn quý vị:
(1). Điều tra về vụ bắt cóc nhà báo Thái Văn Đường. Vấn đề bắt cóc các nhà hoạt động cần được thông tin rộng rãi để người dân Việt Nam đều biết và lên án.
(2). Thực hiện các biện pháp bảo vệ người Việt tị nạn tại Thái Lan một cách hiệu quả hơn, tránh tái diễn các vụ bắt cóc trong tương lai.
(3). Nhanh chóng thực hiện việc tái định cư cho những người Việt tị nạn đã được UNHCR cấp quy chế, để người tị nạn đến một quốc gia an toàn hơn Thái Lan.
Trân trọng cảm ơn!
Kính thư
Nhóm người Việt tị nạn tại Thái Lan
Mọi chi tiết xin liên hệ:
Lê Thương (người đại diện)
Whatsapp: +66 94 426 0250
Những người Tị nạn tại Thái Lan đồng ký tên vào thỉnh nguyện thư