Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nguy cơ lây nhiễm Covid ở các trại giam Việt Nam?

Hà Nguyên

(VNTB) – Tin tức dựa trên các báo cáo của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10), thì việc đề phòng lây nhiễm Covid ở các trại giam đã được triển khai từ khi Việt Nam tuyên bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Hiện tại, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng lan rộng tại các địa phương, Cục C10 đã chỉ đạo các đơn vị tạm dừng việc giải quyết thăm gặp, trừ trường hợp phục vụ yêu cầu công tác, đồng thời hạn chế tối đa việc gửi và nhận quà, bưu phẩm để hạn chế nguồn lây, và đã cho tăng số lượng và thời lượng cuộc gọi điện thoại cho tất cả các đối tượng giam giữ để họ thông tin liên lạc với gia đình.

Báo cáo của Cục C10 cho biết, các đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc 4 tại chỗ là dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị thuốc men, dụng cụ bảo hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.

Trong thời điểm đầu khi dịch bệnh mới xảy ra việc cung ứng trang thiết bị y tế, hóa chất, dụng cụ bảo hộ còn gặp nhiều khó khăn – Cục C10 cho biết các đơn vị đã chủ động mua hóa chất, trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang y tế, may khẩu trang vải để cấp cho cán bộ chiến sĩ và đối tượng giam giữ mỗi người 3 khẩu trang; hướng dẫn quy trình rửa tay bằng xà phòng bánh để sát khuẩn; pha nước muối loãng để cán bộ chiến sĩ và đối tượng giam giữ súc miệng sát khuẩn họng hàng ngày.

“Ngay từ đầu, để đảm bảo việc kiểm soát, giám sát tốt nguồn lây, các đơn vị đã tổ chức hàng chục nghìn lượt truyền thông về tình hình dịch bệnh, nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng tránh dịch bệnh Covid-19 trên hệ thống phát thanh nội bộ vào buổi sáng trước khi đi làm, buổi trưa và chiều tối khi đi lao động về để phổ biến tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân, trại viên, học sinh;

In hàng chục nghìn tranh ảnh, pa nô, áp phích, tờ rơi… với các nội dung như: quy trình rửa tay sát khuẩn, cách đeo khẩu trang đúng, cách phát hiện và các biện pháp dự phòng lây nhiễm, hướng dẫn cách ly tới cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân, trại viên, học sinh; chỉ đạo và thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử khuẩn khu vực cơ quan 2 lần/tuần, hàng ngày khử khuẩn nơi ở, phòng làm việc, nhà ăn, bếp ăn của cán bộ, chiến sĩ, nhà giam, buồng giam, nhà thăm gặp, căng tin, bếp ăn của phạm nhân; đặt nước rửa tay, xà phòng bánh tại các nhà vệ sinh và nước rửa tay sát khuẩn nhanh tại cổng cơ quan, nhà ăn, hành lang, cầu thang và các tầng nhà làm việc để đảm bảo việc khử khuẩn tay thường xuyên cho cán bộ chiến sĩ, đối tượng giam giữ”. – Trích báo cáo của Cục C10.

Thế nhưng toàn bộ nội dung ở trên là câu chuyện của trước ngày 1-8-2020.

Trong một bản tin về công bố các ca mắc mới Covid-19 loan báo hôm chiều ngày 5-8 trên trang web của Bộ Y tế, có vỏn vẹn một dòng thế này: “1 ca là công an canh phạm nhân tại Khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng”.

Câu này nằm trong cụm câu như sau: “Ca bệnh 680-713 (BN680-713): tại Đà Nẵng, độ tuổi từ 1-75, trong đó: 14 ca là F1 của bệnh nhân liên quan Bệnh viện Đà Nẵng; 10 ca là bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng; 7 ca là người chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng; 1 bệnh nhân là nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng; 1 ca là công an canh phạm nhân tại Khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng; 1 ca tại quận Liên Chiều, Đà Nẵng” (Nguồn: https://ncov.moh.gov.vn/-/mot-cong-an-canh-pham-nhan-o-bv-a-nang-mac-covid-19-ca-nuoc-them-41-ca)

Các bản tin tiếp theo đó không cho biết viên công an này được đánh số thứ tự bao nhiêu, là ca F1 hay F2 với nguồn nghi lây nhiễm từ đâu: bên trong bệnh viện Đà Nẵng, hay bên ngoài bệnh viện? Yếu tố dịch tễ của ca này vẫn được giữ kín, do đó càng tạo thêm lo lắng cho các thân nhân của phạm nhân đang thi hành án ở trại giam thuộc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Bản tin lúc 18 giờ ngày 5/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết khá chung chung là đã ghi nhận thêm 41 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 34 ca tại Đà Nẵng, 04 ca tại Lạng Sơn, 02 ca tại Bắc Giang, 01 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Việt Nam hiện có 713 bệnh nhân.

Phần được gọi là chi tiết nhất ở bản tin 18 giờ ngày 5/8, là dòng sau đây:

“Ca bệnh 680-713 (BN680-713): tại Đà Nẵng, độ tuổi từ 1-75, trong đó: 14 ca là F1 của bệnh nhân liên quan Bệnh viện Đà Nẵng; 10 ca là bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng – 7 ca là người chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng; 1 bệnh nhân là nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng; 1 ca là công an canh phạm nhân tại Khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng – 1 ca tại quận Liên Chiều, Đà Nẵng”.

Vậy, con số thống kê chung chung là có 14 ca F1 trong độ tuổi từ 1-75 liên quan Bệnh viện Đà Nẵng, thì có ‘phạm nhân’ nào đang chữa trị tại đây đã mắc Covid-19 hay không? Hay ‘phạm nhân’ này nằm trong danh sách ‘10 ca là bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng’?

Xem ra với diễn biến quá nhanh của dịch bệnh Covid tại Đà Nẵng, đang lan dần các ổ dịch nhỏ hơn trên cả nước từ dòng du khách ‘tháo chạy’ khỏi Đà Nẵng, cho thấy đây là lúc chính quyền và nhà nước Việt Nam nên cân nhắc, và ra quyết định tha, hoặc tạm tha tù với nhiều người đang thi hành án vì sức khỏe của họ, cũng như vì an toàn chung cho đất nước, tránh các ổ dịch diễn biến phức tạp, ảnh hưởng cả sinh mạng của lực lượng cảnh sát trại giam.

Tin bài liên quan:

VNTB – Bộ trưởng Bộ Y tế: Xét nghiệm toàn dân để bóc tách ca nhiễm, không còn cách nào khác

Phan Thanh Hung

VNTB – Dựa vào vắc xin Trung Quốc, giờ họ phải vật lộn với dịch bùng phát

Phan Thanh Hung

VNTB – Cà phê đầu tuần: Khi truyện cười hổng có mắc… cười

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo