Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tiền lệ Nguyễn Đức Chung với ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ

Vân Khanh

 

(VNTB) – “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 của bộ luật này”.

 

Đề nghị 10 năm, tuyên 5 năm

Bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, bị truy tố ở khung hình phạt 10 – 15 năm tù về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Trong phiên tòa sáng 11-12, Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Chung 5 năm tù.

Theo luật sư tham gia phiên tòa, thì cả 4 bị cáo đều nhận tội, khai báo thành khẩn và tỏ ra ăn năn hối lỗi, không ai phản đối bất cứ quan điểm nào của đại diện Viện kiểm sát.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường cùng một số đơn vị liên quan (còn gọi là đại án Nhật Cường).

Đây là vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Vụ án này do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) thụ lý.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định bị cáo Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu, Phạm Quang Dũng là người thực hành.

Hội đồng xét xử đã căn cứ vào khoản 1 điều 54 bộ luật Hình sự: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 của bộ luật này”.

Theo luật sư, thì bị cáo Nguyễn Đức Chung có đến 4 tình tiết giảm nhẹ.

Câu hỏi đặt ra: liệu có thể xem bản án tuyên nói trên là một ‘tiền lệ’ khi cáo trạng buộc tội đã cáo buộc đến hai hành vi gọi là “gây hậu quả nghiêm trọng”?

Điều luật hình sự đã nói gì?

Toàn văn điều 54 bộ luật Hình sự, như sau:

“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; m) Phạm tội do lạc hậu; n) Người phạm tội là phụ nữ có thai; o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; r) Người phạm tội tự thú; s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội; v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”.

 

Nhìn từ 3 nhà báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Trong vụ án cáo buộc 3 hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã vi phạm vào điều 117 bộ luật Hình sự, liệu có tình tiết nào để ‘giảm nhẹ’ với mức tuyên phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt?

Trước hết với nhà báo Phạm Chí Dũng, các bài viết của ông được ông gửi đăng công khai trên các tờ báo ‘có môn bài’ như VOA, Người Việt. Sau đó thì phần lớn các bài báo này được đăng lại trên trang Việt Nam Thời Báo.

Các tờ báo như VOA, Người Việt khi sử dụng bài viết cộng tác của ông Phạm Chí Dũng, chắc chắn họ xét thấy nội dung bài viết tuân thủ nguyên tắc về tự do báo chí, tôn trọng chủ quyền quốc gia của các nước, nên không thể coi đây là “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nếu phía công tố xác lập đây là những bài báo “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thì bên ‘đồng phạm’ trong vai trò ‘tiếp tay’ là VOA, Người Việt phải được đưa vào vòng tố tụng.

VOA là cơ quan truyền thông thuộc Quốc hội Hoa Kỳ. Người Việt là tờ báo lâu đời nhất của người Việt tại hải ngoại, thành lập vào năm 1978. Đây là nhật báo tiếng Việt phát hành 7 ngày trong tuần tại Hoa Kỳ.

Tình tiết được gọi là ‘giảm nhẹ trách nhiệm hình sự’ đối với ông Phạm Chí Dũng, có thể là: “h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Tương tự, với ông Lê Hữu Minh Tuấn, các bài viết của ông gửi cộng tác trên trang Việt Nam Thời Báo, với nội dung phản biện các chính sách, các mặt trái của xã hội, qua đó để giúp củng cố Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chứ không phải “nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ông Lê Hữu Minh Tuấn có hai tình tiết giảm nhẹ: “h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Với ông Nguyễn Tường Thụy, những bài viết mà ông gửi cộng tác và được sử dụng trên Đài Á Châu Tự Do (tên khác: RFA Tiếng Việt, Đài Châu Á Tự Do; tên tiếng Anh: Radio Free Asia, viết tắt: RFA), thì cần lưu ý là RFA được tái lập lại như một tổ chức tư nhân vào tháng 3 năm 1996, Đài Á Châu Tự Do bắt đầu phát thanh trở lại từ tháng 9 năm 1996. Tổ chức mới này không có liên quan gì đến tổ chức RFA cũ từ thời 1950.

Đài Á Châu Tự Do được tài trợ bởi một quỹ hàng năm của liên bang do Hội đồng quản trị Phát thanh điều hành (Broadcasting Board of Governors hay BBG). Hội đồng quản trị này phục vụ như ban giám đốc của Đài Á Châu Tự Do, trao và giám sát quỹ cho Đài Á Châu Tự Do. BBG là một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 1999.

Tương tự như nhà báo Phạm Chí Dũng, các bài viết của ông Nguyễn Tường Thụy sau khi đăng trên trang web của RFA, đã được sử dụng đăng lại trên trang Việt Nam Thời Báo.

Ông Nguyễn Tường Thụy có đến 3 tình tiết giảm nhẹ: “h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên”.

Khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 của bộ luật này, trong trường hợp của 3 ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn là từ 1 năm đến 5 năm.

Tin bài liên quan:

VNTB – Phạm Chí Dũng chống hay bảo vệ nhà nước Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hội thẩm nhân dân có quyền độc lập hay không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vai trò ông Nguyễn Đức Chung trong vụ Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo