Khánh Hòa
(VNTB) – Về bản chất, phóng viên điều tra là những con sói đơn độc. Họ luôn quyết liệt bảo vệ các bí mật của mình.
Trong quá trình điều tra, Công an thành phố Cần Thơ phát hiện Trương Châu Hữu Danh cùng các đồng phạm trong nhóm “Báo Sạch” lưu giữ nhiều tài liệu có đóng dấu “Mật” và “Tối Mật”. Trong đó, có tài liệu liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải.
Cơ quan An ninh điều tra đã tách hành vi này để tiếp tục xác minh, khởi tố điều tra, xử lý trong một vụ án khác.
Một nhà báo đã nghỉ hưu kể về thời gian thập niên 80 ở thế kỷ trước quanh chuyện tiếp cận hồ sơ ‘rò rỉ’, rằng hồi ấy các nhà báo ở Sài Gòn được tham gia vào việc viết bài chống tiêu cực mà không bị đề nghị cung cấp nguồn tin vụ việc.
Trong suốt giai đoạn đó, báo chí đấu tranh rất mạnh mẽ chống cái xấu, tiêu cực. Các nhà báo tham gia chống tiêu cực tự chịu trách nhiệm của mình trước thông tin trên mặt báo. Phóng viên tác nghiệp ở lĩnh vực này đương nhiên phải khách quan và tôn trọng sự thật. Họ có quan hệ rộng rãi với người dân. Do vậy, họ có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ bí mật nguồn tin mà người dân cung cấp.
“Các nguồn cá nhân. Đây là những nguồn thông tin kín đáo hoặc thậm chí bí mật mà các nhà báo có trong giới quyền lực và có chuyên môn. Họ có được những mối quan hệ như vậy qua công việc và đạo đức, nhận được lòng tin của những người sở hữu thông tin chưa xác định, hoặc không rõ ràng.
Các nhà báo không bao giờ tiết lộ danh tính của những người này cho bất kỳ ai, kể cả người giám sát của chính họ; khỏi phải nói, nhà báo phải chịu trách nhiệm về những đóng góp trong mối quan hệ của mình.
Luôn có sự cân bằng quyền lực giữa nhà báo và các nguồn tin của họ. Có một bên “chi phối” – bên cung cấp thông tin và một bên “được chi phối” – bên cần thông tin. Đó là cung và cầu… Quản lý sự cân bằng quyền lực này đòi hỏi kỹ năng và chuyên môn.
Dù là cá nhân hay người chuyên nghiệp đều mong muốn hưởng lợi từ một nguồn tin, từ việc cung cấp thông tin, vì vậy luôn có nguy cơ nhà báo bị thao túng. Thường có rất ít khả năng, nhưng vẫn có. Đó là một câu hỏi của lương tâm. Đừng để bị lừa. Cần phải cân bằng” – vị nhà báo yêu cầu không nêu danh tính, nhận định.
Vụ án từng xảy ra ở báo Người Cao Tuổi là một bài học về lằn ranh của tiếp cận hồ sơ ‘rò rỉ’.
Trên số báo ra ngày 15-1-2014, báo Người Cao tuổi – với Tổng biên tập là ông Kim Quốc Hoa – đã đăng bài “Về kết luận thanh tra Tập đoàn điện lực Việt Nam: Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ “cắt giảm” hơn 6000 tỷ đồng vi phạm…”. Trong bài báo này đã đăng ảnh chụp một phần nội dung tài liệu mật số 1835/TTCP-V.I ngày 31-10-2012 của Thanh tra Chính phủ do ông Nguyễn Văn Sản – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung dự thảo Kết luận thanh tra.
Việc này đã vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 1 Quyết định số 558/2004/QĐ-BCA (A11) ngày 25-6-2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về Danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Thanh tra; vi phạm khoản 3 Điều 10 Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
Đó chính là lằn ranh của chuyện hồ sơ ‘rò rỉ’, vì trên thực tế nếu không có bên đưa, tức bên quản lý hồ sơ, thì chẳng cách nào mà nhà báo có thể ‘chiếm đoạt’ được để mà đăng báo công khai như vậy với tư cách là chứng cứ được củng cố với nguồn tin được bảo chứng bằng chính con dấu “Mật”.
Bài báo trên tờ Người Cao Tuổi không sai phạm nội dung, nhưng trớ trêu thay là vi phạm vào điều mà Đảng và Nhà nước ‘chưa cho phép’. May là sau đó ông Kim Quốc Hoa không phải đi tù.
“Về bản chất, phóng viên điều tra là những con sói đơn độc. Họ luôn quyết liệt bảo vệ các bí mật của mình. Bởi trong nhiều vụ phanh phui tham nhũng, phần lớn hồ sơ vụ việc được chính những người trong cuộc tố cáo, thông qua sự tin cậy cụ thể vào một nhà báo nào đó. Tôi nghĩ rằng hồ sơ vụ án Bưu cục Cầu Voi cũng nằm trong phạm vi đó, nhất là giờ đây báo chí và luật sư ở Sài Gòn tiếp tục kiên trì đeo bám vụ án này…” – vị nhà báo nghỉ hưu, chia sẻ quan điểm.