Hàn Lam
(VNTB) – Những ngày cuối của tháng tư này, hai nhà đầu tư nước ngoài trong ngành thương mại dịch vụ công bố… rời Việt Nam.
Hệ lụy của tụng ca?
Trước làn sóng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sau đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ – khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI và giao các cơ quan chức năng xây dựng ngay đề án thu hút dòng vốn quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước phải đặt mục tiêu thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, trở thành những điểm thu hút đầu tư, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu, biến thách thức thành cơ hội.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đã cùng hòa nhịp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những phát biểu đầy phấn khích kiểu ‘Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’. Theo đó, Thủ tướng Phúc từng hô hào rằng sau hơn 30 năm mở cửa, hội nhập và cải cách môi trường kinh doanh, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Báo chí Việt Nam khi đó đã dẫn nguồn từ báo chí nước ngoài để ‘bè theo’ cho thấy sự hồ hởi là không khí tràn ngập trong khúc tụng ca ở nền chính trị của Việt Nam dưới nhiệm kỳ liên tiếp thứ ba của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo đó, báo chí Việt Nam dẫn nguồn từ Nikkei Asia và cho rằng năm 2021, nền kinh tế các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng mạnh trở lại như giai đoạn chưa xảy ra đại dịch Covid-19.
Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á. Năm 2020, dù phải thực hiện mục tiêu kép: vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng 2,9%, nhờ thành công trong phòng chống dịch bệnh cũng như xuất khẩu mạnh mẽ sản phẩm điện tử và các mặc hàng tiêu dùng, tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng 6,5%…
Tin tức tường thuật trên báo chí phủ gam hồng đối với các cuộc gặp gỡ về vấn đề đầu tư phát triển, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động với lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh đến hình ảnh một môi trường Việt Nam mở cửa, kinh doanh năng động và thông thoáng để lôi kéo thật nhiều “đại bàng” (doanh nghiệp lớn) về làm tổ.
Vì sao họ rời Việt Nam?
Củng cố thêm niềm tin trên, hồi hạ tuần tháng 3-2023, một phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam, trong đó có các công ty quốc phòng, dược phẩm và công nghệ đã sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hàng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN tổ chức.
Thế nhưng rồi đến hạ tuần tháng 4-2023, trong không khí cả nước ‘ăn lễ’, thật bất ngờ khi báo chí đồng loạt đăng tin chủ chuỗi trung tâm thương mại Parkson Việt Nam nộp đơn phá sản; và khách sạn liên doanh đầu tiên giữa Việt Nam và Australia được khai trương vào năm 1991 tại trung tâm TP.HCM tuyên bố “khép lại hành trình phục vụ khách hàng”. Đây là một khách sạn thuộc Norfolk Group, tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển và quản lý các dự án bất động sản ở Việt Nam và Australia, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1990.
Không chỉ Norfolk mà nhiều khách sạn khác ở trung tâm TP.HCM cũng đóng cửa thời gian dài và ngừng hẳn hoạt động kinh doanh. Không ít khách sạn trên “đất vàng” như đường Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng… đều treo bảng sang nhượng đã nhiều tháng, và dần xuống cấp theo thời gian.
Nếu như Norfolk có chặng đường làm ăn tại TP.HCM được 30 năm, thì chỉ sau 18 năm hoạt động, Parkson Việt Nam đã phải nộp đơn phá sản trước những khó khăn về môi trường kinh doanh.
Parkson Retail Asia (PRA), công ty con được niêm yết tại Singapore do Parkson Holding sở hữu 67,96%, cho biết tập đoàn Parkson sẽ rời khỏi Việt Nam sau 18 năm hoạt động do không đạt kết quả thuận lợi về thương mại. Công ty TNHH Parkson Việt Nam (PRA sở hữu 100% vốn) đã đệ đơn lên tòa án tại TP.HCM và bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện hôm 28-4-2023.
Theo giải thích của Chủ tịch điều hành PRA Tan Sri William Cheng, tập đoàn đánh giá và xác định việc duy trì hoạt động tại Việt Nam không khả thi về mặt thương mại. Do đó, hội đồng quản trị Parkson Việt Nam thống nhất việc nộp đơn phá sản mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty.
Trong năm tài chính 2022, các hoạt động tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 1,72 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước lãi trước thuế 10,27 triệu USD. Doanh thu công ty cũng giảm từ 7,57 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 1,8 triệu USD vào năm ngoái…
1 comment
Tự hào quá việt nam oi!