Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà ở xã hội: ảo tưởng hại dân hại nước

Cảnh Chân 

 

(VNTB) – Làm nhà ở xã hội cho công nhân nhưng công nhân không đủ tiền mua


Thủ tướng duyệt đề án một triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân trong khi công nhân chỉ nhận được mức lương 6-7 triệu mỗi tháng và đối diện nhiều nguy cơ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Khiến nhiều người hình dung đến một tương lai ảm đạm với hàng loạt thành phố ma mọc lên không khác gì đi vào vết xe đổ của Trung Quốc nhưng năm gần đây. 


Một triệu căn nhà cho công nhân: lợi dụng đề án để làm giàu cho quan chức

Với đề án này chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 xây được một triệu căn nhà ở xã hội (trong đó 428.000 căn phải hoàn thành trước năm 2025); tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa. Vốn xã hội hoá này hiểu đơn giản là tạo điều kiện cho những doanh nghiệp bất động sản sân sau của các quan chức cộng sản làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, để xây nhà bán cho công nhân và thu lợi nhuận.

Theo đề án này thì chính phủ “yêu cầu các địa phương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng khác” cho chủ đầu tư và người mua nhà xã hội, nhà ở công nhân vay. Đồng thời, các quan chức chính phủ cũng buộc ngân hàng phải hạ lãi suất cho những nhóm này thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường, trong từng thời kỳ.

Mặc dù nhà chức trách nói rằng mục đích của đề án này là nhằm giúp giá nhà ở trở nên phù hợp với khả năng chi trả của các hộ gia đình thu nhập trung bình, thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp. Nhưng với cách làm này thì có thể thấy rõ đề án một triệu căn nhà cho công nhân thật ra chỉ là cái cớ để quan chức cộng sản kiếm chát qua việc giải ngân các gói tín dụng và ép ngân hàng phải hạ lãi suất cho các công ty bất động sản sân sau của họ.

Đi theo vết xe đổ của hàng chục thành phố ma ở Trung Quốc

Trước đây công nhân có thể cải thiện thu nhập bằng cách tăng ca, tăng giờ làm. Nhưng tình trạng khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, giảm lương sau đại dịch đã khiến cho tình cảnh của công nhân trở nên càng ngày càng điêu đứng. Hàng chục ngàn người đã buộc phải trở về quê chứ không trụ lại được tại các thành phố lớn.

Những người trụ lại được thì phải chấp nhận bị giảm giờ làm, giảm lương, đi chạy xe ôm, tìm việc ngoài giờ kiếm thêm thu nhập. Thì thử hỏi tiền đâu mà mua nhà, cho dù là nhà trả góp thì kiếm đâu ra mỗi tháng 7-10 triệu để đóng tiền ngân hàng; trong khi mức lương công nhân chỉ khoảng 6-7 triệu/tháng?

Lấy ví dụ cụ thể tại Bắc Ninh theo thông tin trên báo chí những ngày qua. Tỉnh này hiện có 15 khu công nghiệp đang hoạt động, nhiều nhất miền Bắc và nằm trong top 5 toàn quốc. Đến cuối năm ngoái, các khu công nghiệp này sử dụng hơn 314.000 lao động, trong đó hơn 70% là người ngoài tỉnh.

Đây là địa phương được chính phủ giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cao thứ 3 toàn quốc, sau Bình Dương, Bắc Giang. Đến năm 2025, tỉnh này phải có ít nhất 30.700 căn nhà ở xã hội và thêm 41.500 căn đến năm 2030. Các dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 180.000 người.

Hiện tỉnh đã có khoảng 4000 căn hộ thuộc 7 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành, hoặc hoàn thành một phần. Nhưng số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đăng ký mua nhà rất ít. Các chủ dự án đã rao bán 1.681 căn nhà ở công nhân nhưng số lượng bán được rất ít, hiện 7 dự án đang ế 1.324 căn nhà. Đó là chưa kể trong số 357 căn hộ đã bán được thì bao nhiêu là công nhân mua, bao nhiêu là cán bộ viên chức mua để đầu cơ?

Một số chuyên gia nhận định rằng khi một triệu căn hộ được hoàn thiện, thì sẽ không thể bán được cho công nhân, và cũng rất khó bán được cho ai trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Chúng ta có thể thấy bài học trước mắt từ việc phát triển bất động sản ồ ạt của Trung Quốc những năm trước. Dẫn tới hậu quả là ra đời của hàng loạt “thành phố ma” ở nước này, với 15 triệu căn hộ được xây dựng mỗi năm và bị bỏ hoang do người dân không đủ tiền mua.

Đi vào vết xe đổ của bất động sản Trung Quốc chính là kết cục mà nhiều người có thể dự đoán được, thế nhưng chính phủ Việt Nam vẫn cứ đâm đầu vào. Không phải họ không biết, nhưng biết mà vẫn làm, vì tiền xây nhà không phải của họ, dân không mua được cũng không ảnh hưởng tới họ, miễn là trước mắt họ được chung chi là được.

Dân càng khổ, nước càng nghèo, quan càng giàu nhờ rửa tiền, thổi giá nhà đất

Các mẫu trả lời báo chỉ của quan chức cộng sản Việt Nam đều cho rằng “công nhân rất phấn khởi, vui mừng khi nghe tin có gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội”. Thế nhưng trên thực tế không có bao nhiêu công nhân tỏ ra hào hứng với đề án này. Thậm chí rất nhiều người còn không biết, không quan tâm tới những gói hỗ trợ tài chính của chính phủ, vì họ hiểu rằng họ không thể nào tiếp cận được những nguồn tài chính từ nhà nước.

“Cho dù nhà nước có hỗ trợ mua trả góp thì thu nhập hai vợ chồng 14-15 triệu cũng không đủ tiền mỗi tháng vừa nuôi con vừa đóng tiền góp ngân hàng. Cũng phải dự trù trường hợp công ty không đủ đơn hàng, đóng cửa, không trả lương, thất nghiệp, rủi có ốm đau bệnh tật rồi tiền đâu mà xoay… Công nhân thà ở trọ mỗi tháng khoảng 1 triệu tiền phòng chứ sao dám liều mua nhà chung cư cả tỷ đồng rồi mỗi tháng đóng ngân hàng cả chục triệu”. Chị N.T.T.P nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

Các quan chức cộng sản đang bị “ngáo giá” với cơn sốt bất động sản do chính họ tạo ra, rồi bị ảo tưởng với giấc mơ “số tiền trong dân còn nhiều”. Từ đó họ đưa ra những đề án siêu to khủng lồ nhằm vơ vét hết tiền bạc của dân vào túi họ, mà không thử đặt mình vào tình thế của người công nhân.

Không hiểu, không chịu hình dung xem với mức lương 6-7 triệu hàng tháng thì người công nhân phải ăn gì, uống gì, ở đâu, nuôi con như thế nào, đời sống tinh thần, giải trí bằng cách nào. Ngay cả bản thân những viên chức nhà nước ở các địa phương, cán bộ uỷ ban cấp xã cũng không thể sống trong sạch với mức lương 3-4 triệu mỗi tháng.

Nói thẳng ra, công chức, đảng viên có thể làm hành chính để lấy việc hành dân là chính, tìm thu nhập cửa sau, hối lộ, tham nhũng, hút máu dân để mua nhà. Còn công nhân thì sau giờ hành chính phải tăng ca, phải làm thêm, bán hàng online, chạy grab để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Nhưng mức thu nhập kiếm thêm đó có thấm vào đâu so với mức sống hiện nay, rồi lấy đâu ra tiền dư để mua nhà?

Khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp lao đao không thể chu cấp tài chính cho bộ máy quan chức nhà nước cồng kềnh. Nên đảng cộng sản chuyển hướng “khai thác tài chính” vào túi tiền của người lao động tay chân, bất chấp tình trạng nguy cấp của tầng lớp cần lao này. Nếu trước đây thì họ tuyên bố chỉ “vặt lông vịt”, thì bây giờ cộng sản đã tính tới phương án cắt tiết, làm thịt con vịt để làm giàu cho bản thân, gia đình họ. Sau khi không còn vịt, đảng sẽ bán luôn cái chuồng, và có lẽ căn nhà chung mang tên Việt Nam có lẽ cũng phải sang tên đổi chủ…

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phá cửa nhà người khác để “giật cô hồn”: có thể truy tố tội cướp tài sản

Do Van Tien

VNTB – Tô Lâm trọng thưởng đại thần

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Cần tận dụng tình trạng thiếu lao động do COVID để đòi tăng lương và giảm giờ làm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo