Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhắm không xong… thì trả thôi

Việt Thắng

(VNTB) – Quyền bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan đã đồng ý chuyển trả chính phủ 802 tỷ bạc vì… không sử dụng.

 

Bà Đào Hồng Lan, theo lý lịch, đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Bà từng là trợ lý của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nên chuyện bà đồng ý trả lại khoản tiền ngân sách 802 tỷ bạc “chưa sử dụng hết” dành cho ngành y tế, có lẽ còn chất chứa ẩn tình gì đó.

Nhắm không xong thủ tục thì trả thôi

Giải thích về số vốn ngành y tế “xin chưa sử dụng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói rằng cơ quan này đã rà soát rất kỹ, họp nhiều lần, có văn bản “trao đi, đổi lại” với các địa phương. Chốt lại có 144 dự án đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn được chi theo Nghị quyết 43, nên vốn đầu tư cho các dự án ngành y tế giảm 802 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu, còn 13.198 tỷ đồng.

“Nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn nhưng phải bám vào Nghị quyết 43. Bộ đưa ra mốc thời gian cụ thể, và đến thời hạn địa phương không báo cáo thì có nghĩa là không có nhu cầu, chứ bộ không chờ đợi vì đã chậm tiến độ”, ông Tuyên nói.

Dường như vấn đề ở đây là Nghị quyết 43, có tên gọi đầy đủ là “Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành.

Bàn luận quanh vụ việc này, trong một hội luận do trang Việt Nam Thời Báo tổ chức, có ý kiến là ở đây cần thiết truy cứu trách nhiệm tận gốc của Bộ Chính trị, vì Điều 6.7 của Nghị quyết 43 giao Chính phủ nhiệm vụ, “cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.

Ai chịu trách nhiệm về “năng lực yếu” đó?

Thực hiện yếu cầu trên, Nghị quyết 11/NQ-CP, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành, tại phần II.5.c, yêu cầu, “Tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm”.

“Năng lực quản lý nhà nước” cụ thể ở đây về danh tánh, đó là 18 vị đương nhiệm ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII.

Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực thi hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2023. Nay đã sắp kết thúc quý 3-2022, nên việc “chưa sử dụng hết xin trả lại” về số tiền ngân sách theo điều chỉnh của nội dung Nghị quyết 43, là điều dễ hiểu khi thủ tục hành chính vẫn là rào cản trong cơ chế quản trị nếu có sai thì đó là chính phủ sai, còn đảng thì luôn đúng, mặc dù Điều 4 của Hiến pháp quy định rõ là trách nhiệm cuối cùng trong mọi vấn đề thuộc về đảng cộng sản Việt Nam.

“Điều 5 của Nghị quyết 11/NQ-CP, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành có tên “Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”. Tôi cho rằng ở đây chính phủ không đủ thẩm quyền để cải cách thể chế chính trị, do đó các vấn đề tiếp theo như cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, về nguyên tắc vẫn phải phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của người đứng đầu Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội là ủy viên Bộ Chính trị. Thủ tướng và Chủ tịch nước cũng là ủy viên Bộ Chính trị. Như vậy, việc cải cách thể chế ở đây về chính trị, xét về mặt quyền lực luật pháp quốc gia, thuộc về Chủ tịch Quốc hội.

Cải cách thể chế chính trị: có dám không?

Điều 4.3 của Hiến pháp 2013, ghi, “Các tổ chức của đảng và đảng viên đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”.

Vậy thì nếu quy trách nhiệm ở đây theo khuôn khổ của “Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành; và tiếp theo đó là Nghị quyết 11/NQ-CP “Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành theo thẩm quyền điều hành, thì để cải cách thể chế về chính trị, có thể vẫn là sự lãnh đạo toàn diện của đảng, song trong tuyển dụng nhân sự cho bộ máy quản trị quốc gia, cần thiết chấm dứt sự phụ thuộc vào chuyện quy hoạch cán bộ nguồn của Ban Tổ chức Trung ương (Bộ Chính trị).

Để có bước cải cách đó, cần thiết Quốc hội Việt Nam với thẩm quyền lập pháp, cần ban hành những điều luật, tu chỉnh luật cụ thể về các vấn đề trên. Ngoài ra còn cần cả việc phải có Tòa bảo hiến để điều chỉnh quyền lực của Bộ Chính trị” – một đề xuất nhận được nhiều tán thành từ góc nhìn phản biện chính sách của nhóm thân hữu ở hội luận do trang Việt Nam Thời Báo tổ chức ngày 30-8-2022.


Tin bài liên quan:

VNTB – Không đủ ăn phải cho uống thêm vitamin A bổ sung

Do Van Tien

VNTB – Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương sắp thiếu thuốc tê

Do Van Tien

VNTB – Lại là lỗi của thủ tục hành chính?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo