Mẫn Nhi (VNTB) Vào năm 2000, Bộ Chính trị Việt Nam đã lấy ngày 21/06 làm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là ngày ra đời của báo “Thanh Niên” (1925) với tôn chỉ và mục đích là “nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.”
Giao diện trang Việt Nam Thời Báo |
Tôi vẫn cho đó là một tôn chỉ thực sự cách mạng, thực sự tốt đẹp. Và cũng như vậy, khi nhìn lại trang Việt Nam Thời Báo – thuộc Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, tôi cũng nghĩ về một sứ mệnh, một sứ mệnh mang tính quốc gia. Đó là nói lên ý chí, khát vọng của người dân Việt Nam, chỉ rõ phương hướng đấu tranh nhân quyền, vì tự chủ, nhân bản và hạnh phúc thực sự.
Khi ngày 21/06, nền báo chí Việt Nam với hàng trăm ngàn tờ báo, cơ sở phát thanh – truyền hình,… được tôn vinh. Tôi nghĩ nhiều hơn về cái thời điểm, tờ báo “Cách mạng” mang tên Thanh Niên ra đời. Và tôi tin rằng, đã có một thời điểm, tờ báo tiền thân của ngày cách mạng cũng từng khát khao tự do báo chí đến thế. Do đó mà, cái không gian ra đời và vận hành của “tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ quốc ngữ, viết bằng giấy sáp, in bằng bàn in tay” là một điều đáng được trân trọng.
Tôi hiểu rằng, mỗi thời điểm, một trang báo ra đời đều mang một lý do của nó, bản thân giữa Thanh Niên (1925) và Việt Nam Thời Báo (2014) cũng mang tôn chỉ phục vụ, và đối tượng phục vụ khác nhau. Nhưng tôi biết, cả hai vẫn tồn tại một điểm chung, là đó là một tờ báo “không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển”, điều này đồng nghĩa, nó “phá vỡ thế độc quyền báo chí” – vốn được ban phát trước đó.
Và đó chính là điều làm nên điểm khác biệt của Thanh Niên và Việt Nam Thời Báo trong bối cảnh báo chí nói chung.
Nhưng những “hậu duệ” của báo Thanh Niên năm xưa nay có phần yếu nhược hơn xưa, thậm chí bỏ rơi của một khát vọng về mặt tự do báo chí, phản đối tự do báo chí.
Tôi vẫn còn nhớ như in vào tháng 8/2014, báo Biên Phòng tiến hành phỏng vấn ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo về buổi lễ ra mắt Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Ông Nhà báo Phạm Quốc Toàn khi đó đã khẳng định: cái gọi là HNBĐLVN đã ra đời bất hợp pháp, và cả về mặt pháp lý và thực tiễn, cái gọi là HNBĐLVN hoàn toàn không có giá trị, không cần thiết đối với những người làm báo Việt Nam.
Cho đến nay, sau 3 năm tồn tại và phát triển, đứng dưới Điều 25 Hiến pháp 2013, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vẫn đứng vững về mặt pháp lý, và về mặt thực tiễn – đã nhận được sự ủng hộ từ bạn đọc trong và ngoài nước. Một độc giả chia sẻ trên trang Việt Nam Thời Báo rằng: Người Việt sinh ra không đã thiếu tự do, và việc “nói” rộng rãi thế nào là tự do là nghĩa vụ của trang báo.
Và thực sự, 3 năm qua, những bài viết của Hội nhà báo độc lập Việt Nam đã làm cái “nghĩa vụ” đó, khi luôn nhấn mạnh tự do báo chí, tự do xuất bản hay tự do ngôn luận. Mặc dù, sự tự do theo quy luật tất yếu của xã hội ấy lại gặp nhiều rào cản bởi thể chế, cụ thể – ngay cả quyền tiếp cận thông tin từ độc giả đối với Việt Nam Thời Báo cũng gặp khó khăn vì… tường lửa!
Ngày 21/06, là ngày vui của “báo chí Cách mạng”, tôi chia sẻ niềm vui đó và mong mỗi nhà báo thuộc tổ chức Hội nhà báo Việt Nam sẽ hiểu hơn về giá trị của nhân quyền và tự do.
Ngày 21/06, bản thân là người viết cho Việt Nam Thời Báo, tôi cũng như nhiều người khác nhìn vào và tự do, làm sao để cho nền báo chí thực sự tự do đúng nghĩa, ở cả phía truyền thông cách mạng và truyền thông quốc dân.
Và tôi nghĩ Việt Nam Thời Báo đã là một trang báo quốc dân đúng nghĩa, đã và đang làm nghĩa vụ “quốc dân” đó, kể từ thời điểm ra đời của nó cách đây 3 năm (4/7/2014 – 4/7/2017).