Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Nhân quả (đã) nhãn tiền” về niềm tin & kinh tế xã hội

Cù Mai Công

Tới giờ, làn sóng bà con nhập cư rời Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… di tản ồ ạt về quê vẫn chưa dừng, dù lãnh đạo các tỉnh thành, đô thị kêu gào ở lại để phục hồi kinh tế, hứa hẹn chích ngừa, tăng hỗ trợ, thưởng này thưởng nọ gì đó… Liệu có muộn không khi mấy tháng qua, nói thật lòng là niềm tin của bà con đã tả tơi, phai nhạt với những hứa hẹn…? Ngay gói hỗ trợ lần ba của TP.HCM yêu cầu phát xong trước 5-10, giờ có nơi hẹn tới 15-10…

Nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất… thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực. Ngay ở Sài Gòn, sau mấy ngày đầu mở cửa háo hức, mua bán có nhộn nhịp hơn, nhưng giờ đã có biểu hiện ế ẩm; có nơi người bán đông hơn người mua. Dễ hiểu thôi, mấy tháng giãn cách, tiền bạc mỗi nhà đều hao hụt nặng. Nhiều nhà thật sự rơi vào báo động thiếu đói.

Dân Sài Gòn tại chỗ, không phải tốn tiền mướn nhà, mướn phòng trọ còn vậy nói chi bà con nhập cư nên bà con về là tất nhiên. Tối 30-9, trước ngày TP.HCM thôi giãn cách khắc nghiệt 1-10, Thủ tướng hỏa tốc yêu cầu bốn địa phương nhiều người nhập cư là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An quản lý chặt việc ra vô tỉnh, thành mình. Bà con vẫn đi; chặn xe máy thì lội bộ, kéo xe đẩy…

Khó mà nhân danh chống dịch để cản đường sống của bà con mình. Trước quyết tâm về của bà con. Thủ tướng lại phải yêu cầu “các nơi tổ chức đưa đón chu đáo, trật tự, đảm bảo phòng chống dịch với người dân quyết tâm về quê”. Thế là thay vì cản, các lực lượng chức năng lại xoay ra lo nơi nghỉ, nước nôi, xét nghiệm… và dẫn đường cho bà con về quê.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc nhận định: “Việc người dân kéo về quê giống như nồi áp suất đang căng. Giải pháp là phải xì van cho họ bình tĩnh lại, nếu không mọi thành quả sẽ đổ bể”.

Về quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo mà được gần người thân, lối xóm; mà có tự do, có tin tưởng. Dọc đường, dân lại tiếp tục lo cho dân: cơm nước, chè cháo, xăng… miễn phí, dù người lo cũng mệt mỏi, tơi bời với dịch. Lòng dân đất phương Nam ta vốn muôn dặm thương yêu, sẻ chia, “lá rách” vẫn “đùm lá nát”. Dân mình ngàn đời nay tin nhau vô tận, chưa bao giờ bỏ nhau; nói một làm mười.

Ông bà xưa dạy: “Nói chín thì nên làm mười – Nói mười làm chín kẻ cười người chê”.

Miền đất hứa, “đất lành chim đậu” Sài Gòn vốn vốn cưu mang biết bao nhiêu bà con tứ xứ giờ đã nhận rõ hơn vai trò của tứ xứ với mình. Không bà con nhập cư là kinh tế Sài Gòn lảo đảo ngay. Xưa giờ vậy rồi. Hai bên cùng nương tựa nhau để sống, để yêu thương, để trao niềm tin cho nhau, để cùng là Sài Gòn.

Giờ sao lại đến nỗi vậy? Đất còn lành không khi niềm tin đã chao đảo? Cặp vợ chồng đạp xe đạp chở nhau về quê khi cô vợ đang có mang tám tháng, trong túi chỉ còn 100.000 đồng rớt nước mắt khi có người thuong cả, chia sẻ năm triệu đồng. Nhưng cô vợ cũng thiệt bụng bảo: “Vợ chồng em hết dám lên Sài Gòn rồi”. Trước dịch, chồng thợ hồ, vợ lượm ve chai, ngày vài trăm cũng tạm đủ sống. Dịch, đâu đâu cũng rào gai, chốt chặn, ra đường là lãnh phạt hai triệu đồng…

Ba tháng hai vợ chồng nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng thì nếu là mình, anh em mình có về quê không?

Người ở lại cũng đâu có ổn: sức mua kém, thị trường thu hẹp, như gầy dựng lại từ đầu mà vốn liếng sau mấy tháng giãn cách giờ lắm người cạn kiệt. Ngày đầu tiên mở cửa 1-10, hàng ngàn bà con Sài Gòn mang vàng, mang đồ nhà đi cầm lâu vốn làm ăn mà có lẽ cũng chưa biết bắt đầu từ đâu, xoay sở cách nào; kiểu “tới đâu hay tới đó” của tánh người phương Nam. Nghệ sĩ Quyền Linh cám cảnh thốt lên âu sầu: “Nghĩ đến đó thôi mà thấy buồn cho họ lắm, cơ nghiệp mấy chục năm trời gầy dựng vậy mà có nguy cơ tan tành chỉ sau vài tháng giãn cách”.

Tạo sao cả thế giới Covid, vô số nước còn nặng nề hơn ta mà tình cảnh đâu đến nỗi vậy? Gần ta như Indonesia ca nhiễm, ca chết cỡ gấp năm, gấp mười Việt Nam; Thái Lan ca nhiễm gần gấp đôi (chỉ chết bằng một nửa); Singapore hiện ca nhiễm mỗi ngày nếu theo tỉ lệ dân số gấp mấy lần Việt Nam (tỉ lệ chết tới giờ là 1%; Mỹ còn lên tới 45 triệu ca nhiễm… Chưa thấy nước nào hoảng loạn trong dân lẫn chức năng như ở ta. Để đến nỗi có doanh nghiệp FDI siêu quốc gia Nike đã chuyển dây chuyền sản xuất mỗi năm 350 triệu đôi giày (51% sản lượng của Nike trên toàn thế giới) sang Indonesia, nơi mà tình hình dịch còn gấp mấy Việt Nam. Và có lẽ chuyện này chưa dừng lại…

Không hiếm bậc trí giả, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ… có tên tuổi, uy tín đã kêu gào liên tục như vô vọng chuyện này. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Tôi cũng lên tiếng nhiều lần trên trang mình từ đầu, từ mấy tháng trước chuyện này.

Như tiếng kêu trong hoang mạc. Trước 1-10, ở TP.HCM, rào gai vẫn giăng, chốt chắn vẫn đóng, giấy đi đường vẫn phải trình trong ngoài thành phố…

Hôm qua 4-10, nhiều vị lãnh đạo đã dự Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Sau khi dành một phút tưởng niệm đồng bào tử vong; cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19, các ủy viên Trung ương đại biểu sẽ bàn nhiều nội dung, trong đó có một nội dung tập trung thảo luận, cho ý kiến về tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị chú ý tổng kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian qua.

Nghĩa là việc chống dịch, cách chống dịch vừa qua thế nào, hay dở ra sao đang được đặt lên bàn các các vị lãnh đạo. Đây rõ ràng là việc cần thiết, cần làm ngay khi tình hình đang nóng, rất nóng; liên quan trực tiếp đến từng mạch máu kinh tế xã hội và an sinh mỗi người dân đang lúc lãnh “hậu quả khôn lường”.

Cụ thể là ngay lúc này, 13 tỉnh miền Tây la hoảng “vỡ trận” trước làn sóng trên dưới 200.000 người tự kéo nhau về quê, tới giờ vẫn chưa dứt.

Ý kiến cá nhân của tôi: Tỉnh không lo nổi thì để bà con về nhà, đề nghị tự cách ly ở nhà như TP.HCM hiện nay với hàng trăm ngàn F0, F1. Ôm không nổi mà ôm làm gì để than, cầu cứu lên trên?!

Thực tế hiện nay dân tự lo cho mình tốt hơn là vào khu cách ly tập trung. Lẽ nào chúng ta chưa thấy thực tế lây nhiễm chéo ở mô hình đã cách ly còn tập trung đó? 7-14 ngày ngồi không ở đó, đòi một F0 (nếu có) chịu ngồi một chỗ, không giao lưu, “tám” chuyện với ai là chuyện viễn tưởng.

Để bà con về nhà, cùng lắm là lây trong nhà vài người, còn hơn lây lung tung cả phòng, cả khu cách ly mấy ngàn người.

Và cốt nền chuyện này đã có: từng là “người trong cuộc” của tâm dịch TP.HCM, Bình Dương…, bà con mình dư biết cách tự phòng chống cho mình, cho người thân và bà con lối xóm. “Lấy dân làm gốc”. Đừng coi thường hiểu biết, trình độ của dân.

Còn nói rủi ro? Đã sống chung là phải chấp nhận rủi ro nhất định. TP.HCM siết giãn cách 39 ngày đến khó thở (từ 23-8 đến 30-9-2021) thì cũng có hết rủi ro đâu: mỗi ngày vẫn trung bình vài ngàn ca, vài trăm người chết.

Còn hơn rủi ro khôn lường về số phận mấy chục triệu người dân và nền kinh tế mà chúng ta hiện nay bước đầu ai cũng thấy. “Nhân quả “ đã “nhãn tiền”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đằng sau phản ứng COVID-19, Việt Nam nghi ngờ Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Bangladesh: đeo khẩu trang giúp giảm ca COVID có triệu chứng

Phan Thanh Hung

VNTB – Làm sao để tăng cường sức đề kháng trong tình cảnh hiện nay?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.