Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhân quyền ở đâu trong các vụ án chính trị?

Thới Bình

 

(VNTB) – Các nguyên tắc “Suy đoán vô tội” hoặc “Một người chỉ bị xem là có tội khi đã có bản án kết tội tuyên có hiệu lực pháp luật” chỉ còn là khẩu hiệu đẹp trong bộ luật.

 

Mỗi khi công dân nào đó bị nhà chức trách cáo buộc tội danh hơi hướm chính trị như “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, thì công dân ấy gần như lập tức bị “tuyên án” với việc báo chí đưa tin bằng lối cách trình bày và mẫu câu kiểu như công dân ấy đã nhận bản án phúc thẩm hình sự rồi vậy.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có rất nhiều khách hàng bị cáo buộc vào nhóm thuộc Chương XIII của Bộ luật hình sự, cho rằng, “Hãy nhìn thế giới bên ngoài, hình ảnh các nghi can được cảnh sát dùng khăn hay áo trùm che kín đầu khi bắt giữ, dẫn giải họ có giúp cho chúng ta học hỏi được điều gì từ văn minh của thế giới?

Giữ mình mông muội sau lũy tre hay bương ra thế giới học hỏi văn minh có khó không? Không khó đâu, hãy giảm vài cái click chuột, tạm ngưng copy/ paste để không chia sẻ những hình ảnh kém duyên của người phụ nữ ra công chúng”.

Cả 3 nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn cũng từng là những công dân đã bị truyền thông sớm kết tội và thi hành bản án tử hình về thanh danh, hình ảnh…

Nhân quyền ở đâu trong những vụ án đó?

Trong chiều ngược lại, khi những công dân bị cáo buộc vào nhóm thuộc Chương XIII của Bộ luật hình sự, thì lúc ra tòa họ không được báo chí tiếp cận đưa tin một cách trung thực. Nhiều tòa soạn báo còn không thể “can thiệp” để phóng viên của mình vào dự phiên xét xử để đưa tin đa chiều…

Lý thuyết tuyên truyền hoa mỹ của báo chí nhà nước hay viết như vầy – theo lời của một nhà báo thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo, từng phụ trách pháp đình, nếu so với những gì diễn ra người ta sẽ thấy đầy mỉa mai – đại khái đó là, thông qua truyền thông, công chúng sẽ biết được về các hoạt động của hệ thống tòa án, hiểu biết về quá trình đi đến các quyết định pháp lý, để từ đó tôn trọng, tâm phục, khẩu phục đối với mỗi phán quyết của Tòa án, tạo ra niềm tin vào công lý.

Ai cũng hiểu rằng, số người đọc báo, xem báo phản ánh về phiên tòa cao gấp nhiều lần số người dân trực tiếp tham dự phiên tòa.

Chính vì vậy, báo chí – mặc dù không phải là phương tiện duy nhất – nhưng “đóng vai trò quan trọng, là nguồn tin tức và bình luận chủ yếu gây ảnh hưởng lớn nhất đối với các tầng lớp nhân dân về hệ thống Tòa án”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình từng nói như vậy.

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng hàng đầu của truyền thông đại chúng. Ở các nước phương Tây, chức năng này được đề cao với đầy đủ hành lang pháp lý, cho nên báo chí và truyền thông đại chúng được coi như nhánh quyền lực thứ tư, ở khía cạnh nào đó có thể nói giám sát cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Giám sát xã hội của báo chí, truyền thông đại chúng là giám sát chủ yếu bằng tai mắt của nhân dân, giám sát bằng dư luận xã hội. Đó là quá trình giám sát mọi nơi, mọi lúc. Chức năng giám sát xã hội của báo chí, truyền thông đại chúng trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách, luật pháp là để kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương khích lệ và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời cũng để sớm phát hiện những “trục trặc”, những nơi làm dở, làm sai, những nơi vi phạm chủ trương, chính sách và luật pháp để đấu tranh…

Vậy thì nếu như lúc ban đầu báo chí đưa tin kiểu “tuyên án”, thì khi phiên tòa diễn ra, báo chí lại buộc phải đứng bên lề. Nhân quyền ở đâu cho cả thân phận người dân lúc vướng vòng lao lý, lẫn báo chí tại Việt Nam?


Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền con người nhìn từ ‘app’ PC-Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Xét nghiệm tìm kháng thể thay cho ‘chọt mũi’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Án bỏ túi … có phúc thẩm thì vẫn y án!

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 28.03.2022 12:45 at 00:45

Nhân quyền trước giờ ở đâu vẫn ở đó, chưa bao giờ muốn/thích/dám đi khỏi chỗ của mình

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo