VNTB – Nhân vật tuyên giáo “bi hài kịch” tiêu biểu nhất- Phó Ts Triết Học Mác Lê Đào Duy Quát

VNTB – Nhân vật tuyên giáo “bi hài kịch” tiêu biểu nhất- Phó Ts Triết Học Mác Lê Đào Duy Quát

 

Dương Tử

 

(VNTB) – Đào  Duy  Quát: “Muốn xây dựng luật về văn học nghệ thuật, cần phải thể chế hóa đường lối văn nghệ của đảng.” 

 

***

Đào Duy Quát, thiếu gia quý tử của trùm tuyên huấn Đào Duy Tùng. Ông Tùng (1924 -1998), cựu ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương (Giữ quyền lực như phó Tổng bí thư). Sau 4 khóa liên tục, ông Tùng ngã ngựa. Tại Đại Hội 7, ông bị kỷ luật cảnh cáo vì tội “hành vi phản dân chủ”, “lạm dụng quyền lực”.

Mặc dầu ông Tùng đã đầu tư rất sớm cho cậu quý tử Đào Duy Quát. nhưng con đường hoạn lộ của con trai cũng khá trắc trở, nhất là vào nửa sau cuộc đời.

Đào Duy Quát tòng quân nhập ngũ thời chiến tranh Việt- Mỹ. Người cha toan tính nước cờ chính trị nêu gương cho lãnh đạo. Vào quân đội tuy có đi chiến trường Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên, nhưng Quát không cầm súng. Quát làm sĩ quan tuyên huấn, toàn ngồi ở phía sau an toàn. Sau 1975, Quát mới đi học khoa Triết Đại học Tổng hợp rồi kế đó du học Liên Xô khoa triết Mác Lê nin, nối theo nghiệp cha, giữ nếp nhà, lấy về cái bằng “Phó tiến sĩ”. Tuổi hơi cao mới đi học nên cũng chẳng giỏi giang gì hơn ai, nhưng đã có “quy hoạch” sẵn. Quát giữ nhiều chức vụ trong ngành tuyên huấn, Viện nọ Ban kia. Cuối cùng lên tới Phó ban Tuyên giáo trung ương là hết cỡ (vẫn chưa vào được Trung ương) ấy là khi cha Quát thất sủng, vấp ngã… Chức vụ “Tổng biên tập Tạp chí ĐCSVN”- một trang blog “có tiếng không có miếng”. Nhưng lại có tai nạn lớn phục chờ sẵn.

Đó là lúc mạng lưới Blogs nở rộ toàn quốc.

Ban Tuyên giáo Trung ương ra quyết định kỷ luật “khiển trách” ông Đào Duy Quát, Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản VN do báo này có sai phạm khi đăng bản tin dịch “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông” (dịch từ báo Hoàn Cầu và Phượng Hoàng của Trung Quốc). Đăng tin như vậy coi như thừa nhận chủ quyền của TQ ở biển Đông.

Trên báo Tuổi Trẻ ngày 29/9, ông Đào Duy Quát cho rằng việc đưa bản tin đó là để “cảnh báo một hoạt động, một mưu đồ”… Theo ông Quát, bản tin ban đầu có thêm chữ “ngang ngược” vào cụm “phó tư lệnh tuyên bố” nhưng trước khi xuất bản, người đánh máy không đưa vào dẫn đến việc hiểu sai lệch thông tin…. Từ đây tiếng Việt thêm thành ngữ “lỗi của cậu đánh máy”.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính cơ quan này 30 triệu đồng.

Con đường tiến lên BCH Trung ương đóng sập cửa trước mặt Quát.

Đi đâu, về đâu bây giờ ?

Đào Duy Quát ngậm ngùi nhận chức vụ “Chủ tịch Hội phát hành báo chí Việt Nam”.

Nói nôm na là Quát phụ trách đám trẻ bán báo rong trên đường phố.

Tin 11/04/2009 “Ông Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, TBT Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, được Đại hội Phát hành báo chí Việt Nam lần thứ nhất bầu làm “Chủ tịch Hội Phát hành báo chí Việt Nam”.

Nhận chức vụ bèo “chủ tịch Hội bán báo”này, coi như đời Quát ứng với câu Kiều:

Trong khi chắp cánh liền cành

mà lòng rẻ rúng đã dành một bên“.

Thời gian “thử thách bán báo rong”, Đào Duy Quát hẳn là phụ trách các đại lý bán báo trên vỉa hè và hàng nghìn “tổ bán báo XA MẸ ở hai thành phố lớn nhất: Hà Nội và Sài Gòn HoChiMinh. Có lẽ phó tiến sỹ Quát đã dạy dỗ trang bị chủ nghĩa Mác Lê cho hàng nghìn trẻ bán báo Việt Nam. Trung ương cảm thấy hạ nhục Quát như thế đủ rồi. Kế tiếp Trung ương nhấc Quát lên một cái ghế sang trọng hơn: “Phó chủ tịch Hội đồng Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Việt Nam”.

Cú “qui hoạch” này là sự phục hồi làm sang cho Quát nhưng lại chuyển sang hạ nhục gần chục nghìn văn nghệ sỹ Việt Nam. Văn nghệ sỹ từ già tới trẻ đều ngơ ngác, lắc đầu: ”Ô hay, anh chàng phó tiến sĩ triết học mác lê này biết quái gì về nghệ thuật, sao lại chễm chệ ngồi lên đầu lên cổ lũ chúng ta nhỉ. Kỳ quái thật ! Họ khinh rẻ chúng ta quá thể rồi !”.

Đúng là “Trong khi chắp cánh liền cành / mà lòng rẻ rúng đã dành một bên” (Kiều- Nguyễn Du). Bây giờ kế tiếp là “rẻ rúng văn nghệ sỹ”!

Mặc dù chức vụ của Đào Duy Quát chỉ là “quyền rơm vạ đá”. Nhưng nỗi đau nghệ sĩ Việt Nam thì khôn nguôi vì cảm thấy bị “rẻ rúng” trắng trợn.

Ngày 15.12.2021, cái gọi là Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam họp triển khai nghị quyết.

Đây là chuỗi hoạt động chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng tấn công về văn hoá- văn nghệ. Mở đầu là “Hội nghị Văn hoá Toàn quốc” do ông Trọng trực tiếp chỉ đạo với 600 đại biểu “tinh hoa văn hóa”. Kế đó là ông TT.Phạm Minh Chính triệu tập hội nghị vài chục sếp các hội văn nghệ, khuyến khích giao nhiệm vụ. Cuối cùng là hội nghị “Giới lí luận phê bình văn học nghệ thuật” mà Đào Duy Quát được mời dự. 

Qui mô Hội nghị cứ teo tóp nhỏ dần lại.

Ở phân khúc chót, Đào Duy Quát đã nghỉ hưu, còn mang danh “cựu phó CT Hội đồng LLPBVHNT”, trèo lên diễn đàn phát biểu ngớ ngẩn mà làm dậy sóng dư luận.

Ông Quát quy lỗi đạo đức xã hội xuống cấp cho văn nghệ gây ra một phần, và đề xuất “Muốn xây dựng luật về văn học nghệ thuật, cần phải thể chế hóa đường lối văn nghệ của đảng”. Thì ra, thói bảo hoàng hơn vua, Quát vẫn muốn khẳng định đảng lãnh đạo tốt thì văn nghệ mới tốt được (!)

https://tuoitre.vn/tranh-luan-ve-trach-nhiem-cua-van-hoc-nghe-thuat-20211215211014934.htm

“Theo PGS.TS Đào Duy Quát, thời gian qua văn học nghệ thuật có một phần trách nhiệm về tình trạng một bộ phận cán bộ đảng viên và quần chúng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiêu cực xã hội, tệ nạn xã hội và tội phạm gia tăng… 35 năm sau đổi mới, văn học nghệ thuật đã đưa ra xã hội quá nhiều tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. 

Quá nhiều tác phẩm tầm thường cả về giá trị tư tưởng và nghệ thuật với những biểu hiện chủ yếu xa lánh những vấn đề lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, buông bỏ chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật.

Đã có không ít những tác phẩm truyền bá lối sống vô văn hóa, phản văn hóa, một số tác phẩm truyền bá những tư tưởng độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước“, PGS.TS Đào Duy Quát nói.

Có thể, Đào Duy Quát nói đúng thực trạng nhưng giải thích sai nguyên nhân.

Phản bác quan điểm này tại Hội nghị một cách nhẹ nhàng nhưng sâu cay, nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng “nói sự hư hỏng của cán bộ có tội của văn học nghệ thuật là hơi oan quá”. Theo ông Thảo, để phát triển văn học nghệ thuật, trong tương lai “phải huy động 11 triệu cán bộ thưởng thức văn học nghệ thuật”, “5 triệu đảng viên thì ít nhất cũng phải xem những phim về Bác Hồ, phải đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo về văn hóa nghệ thuật”… “Muốn phát triển văn hóa văn nghệ thì phải làm sao tất cả học sinh Việt Nam biết cầm đến tờ báo Văn Nghệ, một cuốn sách văn học mà đọc. 11 triệu cán bộ của mình cũng phải đọc sách. 500 đại biểu Quốc hội cũng phải có tủ sách trong nhà, để họ trở thành những người gieo mầm văn hóa”.

Nhà văn Ngô Thảo phản biện lắt léo thú vị. Ông phản bác ý nói rằng “11 triệu cán bộ nhà nước không đọc văn nghệ, 5 triệu đảng viên cũng không, 500 đại biểu Quốc hội cũng…không luôn! Thế thì họ có bị “đạo đức xuống cấp diễn biến tư tưởng” gì đó là do nguyên nhân khác, sao lại đổ tội cho văn – nghệ ?!”

Màn hài kịch cuối cùng “răn dạy văn nghệ sỹ” của Quát được coi là thành tích bất hảo cuối cùng của một nhân vật bi hài kịch Tuyên giáo tiêu biểu ở Việt Nam.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)