Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhân vụ Đàm Vĩnh Hưng: bản sắc Việt và độc tài Cộng Sản

Khánh An

 

VNTB – Bản sắc là do lựa chọn của mỗi cá nhân và có thể thay đổi theo thời gian

 

Một hôm tôi vào một cuộc lớp học online trong đó toàn là người có tên Mỹ. Chỉ có một người khác, ngoài tôi, có tên Việt, Brian Nguyen. Mừng quá; tôi nhắn tin hỏi anh: “Are you Vietnamese?” (Anh có phải người Việt không?). Brian trả lời: “I speak the language.” (Tôi nói tiếng Việt). Tôi hiểu rằng anh không muốn nhận rằng mình là người Việt, ít nhất là trước mặt những người Mỹ khác. Hồi mới qua Mỹ, tôi thỉnh thoảng gặp những người Mỹ nói với tôi: “I was raised Catholic.” (Tôi được nuôi dạy như người Công giáo). Mãi về sau tôi mới hiểu rằng họ đã bỏ đạo. Các phản ứng trái chiều trong vụ Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn tại Atlanta(1) nhắc tôi rằng bản sắc là lựa chọn cá nhân và nó có thể thay đổi theo thời gian. Và có lẽ để lòng yêu tự do, yêu công lý là một phần tất yếu của bản sắc Việt, những người yêu tự do cần xem lại việc xây dựng và duy trì bản sắc của cộng đồng.

Bản sắc là những căn tính, những niềm tin, vẻ bề ngoài của một cá nhân hay một nhóm. Ví dụ, một người có màu da đen, tóc xoăn có thể được xem là người Mỹ gốc Phi, hay một cách khá miệt thị là Mỹ Đen. Tuy vậy, người này có thể tự nhận là người Mễ (tên gọi được người Việt dùng để gọi chung những người có nguồn gốc Trung và Nam Mỹ) vì dòng họ anh sống nhiều đời ở khu vực Mỹ La-tinh. Nói một cách khác, niềm tin của anh rằng mình là một người Mễ, là một phần của bản sắc của anh. Những đặc tính của bản sắc cũng có thể thay đổi theo thời gian. Ai đã từng thay đổi tôn giáo của mình hiểu rõ điều này, đặc biệt là những người lập gia đình với người Công giáo. Điều này cũng không chỉ xảy ra trong lãnh vực tôn giáo. Sau khi chứng kiến sự phồn vinh của Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, đặc biệt là sau khi chứng kiến sự tàn ác và ngu xuẩn của nhà cầm quyền Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm sau đó, nhiều đảng viên Cộng Sản và những người có cảm tình với đảng này đã bỏ Đảng, trong đó có nhà văn Dương Thu Hương. Ở phía ngược lại, cũng có những người bỏ cộng đồng tỵ nạn và quay trở về với Cộng Sản như Trần Trường và Hoàng Duy Hùng. Cho dù người trước vỡ mộng hòa hợp hòa giải và quay trở lại Mỹ (2,3).

Một mặt, một số người Mỹ gốc Việt tự xem mình là người Mỹ, không phải người Việt, như anh Brian Nguyen mà tôi kể ở trên. Điều này không chỉ xảy ra với những gia đình ít quan tâm dạy dỗ con cái. Có những gia đình từng là danh gia vọng tộc ở Miền Nam Việt Nam trước đây; người cha, người mẹ, dù thời gian họ sống ở Mỹ, từ năm 1975, nhiều hơn thời gian họ sống ở Việt Nam, vẫn nặng lòng với quê hương. Nhưng có những người con của họ, dù sinh ra tại Việt Nam, sẵn sàng trả lời với cha mẹ họ: I am not Vietnamese. You are Vietnamese. You are the one to help them, not me. They followed you, not me (Con không phải là người Việt Nam, Bố mới là người Việt Nam. Bố phải giúp đỡ họ chứ không phải con. Họ đã theo bố (người cha là một trong những người thuộc tầng lớp lãnh đạo thời Việt Nam Cộng Hòa), không phải họ theo con).

Mặt khác, nhiều người Việt ở Mỹ giới hạn vấn đề bản sắc Việt trong các vấn đề gia đình và … trong việc phê phán những người họ biết. Ví dụ, để dạy con cái phải lễ phép, hiếu thảo với cha mẹ, họ có thể nói: con là người Việt, người Việt phải … chứ không phải … Hay khi phê phán một người Mỹ gốc Việt khác, họ có thể nói: … là kẻ lai căng, mất gốc; người Việt không hành xử như vậy. Họ ít quan tâm đến cộng đồng chứ chưa nói đến quan tâm đủ để yêu mến đồng bào ở Việt Nam, để tìm hiểu nguyên nhân gốc của những đau khổ của bà con ở đó. Một người mà tôi biết nói với tôi: All I care about are my parents and my brother (tôi chỉ quan tâm đến cha mẹ và anh tôi (anh là một người độc thân)). Tôi tin rằng anh không phải là một trường hợp cá biệt. Ngược lại, tôi tin rằng những người có suy nghĩ như anh chiếm đa số; người ta không nói ra thôi.

Một khía cạnh khác nữa là bản sắc của mỗi cá nhân có thể có những đặc tính, mà trong một số hoàn cảnh, mâu thuẫn nhau. Điều này đã được thể hiện từ rất xa xưa, Kinh Thánh Ki-tô giáo có câu: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của [cùng một lúc] được.” Nếu việc làm tôi hai chủ không xảy ra, Đức Giê-su đã không nói vậy. Và đến nay, nhiều người vẫn vật lộn với vấn đề này, từ các vị chức sắc tôn giáo, mà lẽ ra có định hướng rõ ràng, vững vàng, và đúng đắn cho đời sống tâm linh của chính họ, đến … thường dân như một số bạn đọc và tôi. Linh mục Trần Xuân Mạnh – Quyền Chủ tịch Ủy ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam đã từng phát biểu: “Có lẽ ai trong chúng ta cũng nhận thức một cách rõ ràng, trước khi là người công giáo, tôi là người Việt Nam. Là người Việt Nam, là công dân của đất nước mà tổ tiên cha ông chúng ta hơn 4.000 năm đã đổ ra biết bao mồ hôi, công sức và cả máu xương để có được như bây giờ, cho nên chúng ta có nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình.” Điều này thoạt nghe không có gì mâu thuẫn nhưng nếu nhìn vào chính sách đàn áp tôn giáo xuyên suốt chiều dài cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam và việc ông đứng đầu Ủy Ban Đoàn Kết Tôn Giáo, một cơ quan của Nhà nước chứ không phải của Giáo hội Công giáo, thì … (4,5). Tôi nhớ có lần cha xứ tôi chia sẻ trong một bài giảng: anh chị em phải sống đạo thật sự. Đừng ở trong nhà thờ thì “con yêu mến người ta như mình con” nhưng ra đến ngoài đường thì “mày mà động đến bà thì bà … xé xác mày ra.” Nhìn chung, trong những hoàn cảnh khó khăn khi hai căn tính khác nhau của cùng một cá nhân đề nghị hai hướng hành động ngược nhau, đặc tính trội hơn (trong hoàn cảnh đó) sẽ chiếm ưu thế và cá nhân đó sẽ hành động theo sự hướng dẫn của đặc tính trội hơn. Không biết bạn đọc có tin rằng tình trạng này hiếm khi xảy ra hay không. Tôi thì chắc chắn không. Những người đã từng xin trở thành công dân Mỹ chắc đã phải đối diện với câu hỏi: What is one promise you make when you become a United States citizen? (Ông/bà phải hứa gì khi trở thành công dân Mỹ?). Và câu trả lời là: từ bỏ lòng trung thành với các quốc gia khác.

Trở lại vụ Đàm Vĩnh Hưng, vấn đề ở đây là hai phiên bản của bản sắc Việt va chạm nhau, phiên bản có một trong những căn tính trội là yêu tự do, yêu công lý đối đầu với phiên bản có những tính trội khác, trong đó có tính … thích giải trí. Có lẽ những người tổ chức hay tham dự buổi hòa nhạc xem họ là người Việt. Vì vậy họ mới mời các ca sĩ Việt. Thậm chí họ còn xem mình là những người Việt thức thời, biết cách sống, chứ không phải như một đám nhỏ người già, lẩm cẩm, bám lấy quá khứ lỗi thời vì không có khả năng hòa nhập vào xã hội Mỹ. Họ chỉ muốn giải trí, không muốn làm hại ai. Những người ở phía phản đối sô diễn này xem mình là người Việt Quốc gia, hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa và không chấp nhận những kẻ đại diện cho những kẻ đã gây cho họ biết bao chết chóc, đau thương cho họ, cho cha mẹ và gia đình họ đến biểu diễn trong cộng đồng của mình. Không hẳn họ là những người cực đoan; về khía cạnh pháp luật, đã có những án lệ bất lợi cho những người tổ chức một sự kiện tương tự(6).

Tình trạng này không chỉ xảy ra trong các vấn đề liên quan đến tự do và nhân quyền, nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác. Những chia rẽ của cộng đồng Việt, kể cả trong nội bộ các gia đình, trong cuộc bầu cử vừa qua có thể là một ví dụ điển hình. Một số ủng hộ ông Trump trong khi một số khác ủng hộ ông Biden; chắc những người này đã có những niềm xác tín trái ngược nhau. Nó cũng không chỉ xảy ra với Việt tộc, nó xảy ra với nhiều sắc dân khác.

Vì bản sắc có tính tự lựa chọn và có thể thay đổi, những người Việt yêu tự do và công lý muốn đặc tính này trở thành một trong những căn tính trội của Việt tộc cần phải xem lại cách xây dựng và duy trì bản sắc này. Công bằng mà nói, việc duy trì bản sắc Việt tại Hoa Kỳ là một việc vô cùng khó khăn, nếu không nói là gần như không khả thi. Nếu bạn đọc có dịp đến HỢP CHỦNG quốc Hoa Kỳ, và hỏi những người lớn lên ở Hoa Kỳ bạn thuộc sắc dân nào, nhiều khả năng bạn sẽ nhận được câu trả lời: tôi là người Mỹ. Tôi chưa thấy sắc tộc nào có thể giữ được bản sắc của mình sau nhiều thế hệ trong đất nước này, trừ người Do Thái.

Một việc mà có lẽ đã có những người, những tổ chức đang làm và có thể nên được thúc đẩy thêm là xây dựng bản sắc Việt bao gồm tất cả mọi người Việt yêu tự do, yêu công lý dù họ đang ở Việt Nam hay bất kỳ phương trời nào, dù là người miền Bắc hay miền Nam, dù có tín ngưỡng hay vô thần, bất kể sắc tộc nào. Với cách nhìn này, không phải tiếng Việt, nhạc Việt, cũng không phải là con cháu của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mà là căn tính yêu-tự-do, yêu-công-lý là sợi dây nối người Việt lại với nhau.

 

Tham khảo

  1. https://vietnamthoibao.org/vntb-cong-dong-nguoi-viet-quoc-gia-georgia-phan-doi-dam-vinh-hung/
  2. Vụ Trần Trường – Wikipedia tiếng Việt
  3. VNTB – Kẻ dại tự mang thòng lọng vào cổ – Việt Nam Thời Báo (vietnamthoibao.org)
  4. Linh mục Trần Xuân Mạnh: Người công giáo luôn đồng hành cùng dân tộc (baonghean.vn)
  5. VNTB – Phân tích sự đàn áp Của Đảng Cộng Sản Việt Nam với Tự Do Tôn Giáo của Giáo Hội Công Giáo (Phần I) – Việt Nam Thời Báo (vietnamthoibao.org)
  6. VNTB – Cách nhìn khác về show có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ở Atlanta: Hệ quả pháp lý của hành vi gây tổn thương – Việt Nam Thời Báo (vietnamthoibao.org)

 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Một đồng minh vô nhân đạo” (*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Biểu tình ở phía đối diện tòa soạn báo Thanh Niên

Do Van Tien

Thư gửi Đoan Trang (P.2): Có nên “bài cộng sản”?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo