Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – “Người hùng không ngủ”- kiên trì chiến lược chống Covid-19.
Báo Lao Động, cơ quan của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hồi cuối năm ngoái có bài viết ngợi ca hết lời về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – khi ấy còn là Trưởng Ban phòng chống, dịch Covid-19 quốc gia.
Bài báo không tiếc mỹ từ tụng ca:
“Hồi giữa năm, trong một bài phát biểu rất xúc động trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lòng biết ơn tới nhân dân, tới “hàng ngàn thầy thuốc không có đêm, không có ngày”, tới “hàng ngàn chiến sĩ nằm rừng canh lối mòn, nhường giường cho người dân từ mùa Đông gió rét đến hôm nay nóng không ngủ được, dọc tuyến biên giới…
Những người quả cảm không có đêm không có ngày, nhưng thật ra, chính ông cũng là một “Người hùng không ngủ”.
“Người hùng không ngủ” là từ dùng trong một bài viết trên báo điện tử Chính phủ.
Người hùng không ngủ xuất hiện trong những bài thơ dân gian ghi nhận, ca ngợi Phó Thủ tướng.
Ngay chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dành lời cảm ơn tới Phó Thủ tướng đã “đã rất vất vả”. Bà mong Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo chống dịch “Nhưng cũng phải tranh thủ ngủ một chút đi anh”- dẫn lời một bài thơ được lan truyền trên mạng xã hội mà theo Chủ tịch Quốc hội là “rất hay”… – dừng trích.
Bài báo đã mượn một ý của đạo diễn Doãn Hoàng Giang khi dựng vở kịch Tả quân Lê Văn Duyệt hồi đầu tháng 7-2008, “Cứ đi khắp miền Nam mà xem, đâu đâu cũng thấy nghi ngút miếu thờ Lê Văn Duyệt. Mà một khi dân đã thờ, đã tôn như thánh suốt bao nhiêu năm thì con người ấy nhất quyết không thể là người sai trái!”, để kết bài báo tụng ca Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “Khi dân đã coi một ai đó là người hùng thì chẳng bao giờ sai cả”.
Và đúng là người dân không sai, bởi trên thực tế người Sài Gòn chưa bao giờ coi ông Vũ Đức Đam là người hùng.
Trích nhật ký phóng viên:
“Tôi không hiểu các đồng chí triển khai thế nào, xe vẫn đổ ra ầm ầm khi tôi đi Củ Chi hay xuống quận 8 hôm nay”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói khi thị sát tại khu vực phong tỏa ở quận 8, TP.HCM, chiều 24-7-2021.
Sáng cùng ngày, ông đã tới kiểm tra một số khu thu dung người nhiễm Covid-19 không triệu chứng (F0) và điểm phong tỏa tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ngay sau đó ông đã tới Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để hỏi về lưu lượng xe và được biết vài hôm đầu thực hiện Chỉ thị 16, lưu lượng giao thông giảm xuống 84%, nhưng tới hôm nay thì lưu lượng đã tăng lại, và chỉ còn ở mức giảm 70% so với thông thường.
“Giãn cách như vậy thì làm sao chống dịch được”, Phó thủ tướng nói với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, đại diện Sở Y tế và lãnh đạo quận 8. Ông bày tỏ sự lo ngại về hiệu quả chống dịch ở TP.HCM khi lưu lượng xe trên đường vẫn tăng lên dù thành phố đang thực hiện siết chặt hơn việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức lý giải lượng lớn người ra đường là shipper (người giao hàng), xuất phát từ nhu cầu của người dân. Ông Vũ Đức Đam cho biết sáng nay, ông chụp hình rất nhiều trường hợp “100% không phải shipper” mà là người mặc đồ thể thao, đi chơi.
“Tôi nghĩ chúng ta không thể tự bào chữa với nhau. Nếu làm vậy thì sẽ không thể chống được dịch”, Phó thủ tướng khẳng định.
“Yêu cầu thực hiện Chỉ thị 16 là phải giữ khoảng cách người với người, nhà với nhà. Dù là vùng dịch, ổ dịch, khu phong tỏa hay vùng an toàn đều phải làm nghiêm mới chặn được chuỗi lây nhiễm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. (dừng trích nhật ký).
Vậy là sau cái ngày định mệnh 24-7 đó một tháng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lệnh lãnh đạo TP.HCM phải quyết liệt thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”.
Kết quả, số ca tử vong vì Covid tại các bệnh viện dã chiến, các nơi cách ly tập trung ở TP.HCM tăng cao. Quá tải điều trị diễn ra khắp nơi. Vì “ai ở đâu ở yên đó” khiến đời sống người dân kiệt quệ, bệnh tật lại không thể ‘vượt’ các vòng rào kẽm gai, các lô-cốt dựng khắp nơi để đi đến bệnh viện.
Cơ sở y tế tư nhân cũng buộc phải đóng cửa vì “ai ở đâu ở yên đó”. Shipper cũng không được phép ra đường. Rồi sau đó quân đội, công an tràn ngập đường phố. “Người hùng không ngủ” ở hồi nào lại xuất hiện khắp nơi để đốc thúc “ai ở đâu ở yên đó”, bất chấp loạt hệ lụy đang xảy ra, bất chấp luôn cả khuyến cáo cần thay đổi ngay chính sách cực đoan của “Zero Covid”…
Giờ thì mọi việc đã thay đổi khi “người hùng không ngủ” lui xuống vị trí Phó Ban phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia.
Từ hạ tuần tháng 6-2021, người đứng đầu cơ quan Kiểm soát bệnh tật TP.HCM là bác sĩ Nguyễn Trí Dũng qua viện dẫn dịch tễ để cho rằng cho rằng chính quyền TP.HCM phải tính đến phương án “sống chung với lũ” trong giai đoạn tới. Bác sĩ Dũng cho rằng TP.HCM cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền như trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng. Những người này cần được chích vắc xin phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm.
Tuy nhiên những khuyến cáo khi ấy của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng đã đi ngược chủ trương “Zero Covid” của Trưởng ban phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, nên sau đó ông Dũng phải nhận lệnh “biệt phái”, rời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC).
Phải đến đầu tháng 10-2021, Sài Gòn kiên quyết thực hiện theo những gì mà thế giới đang làm, và cũng là điều mà vị giám đốc HCDC đề xuất từ tháng 6-2021, cho thấy đúng là người dân không sai, bởi trên thực tế người Sài Gòn chưa bao giờ coi ông Vũ Đức Đam là người hùng.