Hà Nguyên
(VNTB) – Bộ Y tế bảo thủ giữ các chính sách bất hợp lý, và chỉ chịu sửa đổi khi tình thế đã quá ngặt nghèo…
Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội bị cáo buộc đã lợi dụng quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Cáo trạng nói rằng sai phạm được xác định từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại đến việc ban hành chứng thư thẩm định giá. Giá nhiều loại vật tư bị nâng khống 2 – 20 triệu đồng, trong đó cao nhất là ‘stent’ do Hoàng Nga cung cấp, bị “thổi giá” hơn hai lần, từ 17 lên 37 triệu đồng mỗi chiếc, viện kiểm sát quy kết.
Có ý kiến về mặt pháp lý thì thời điểm đó, như giá của các trang thiết bị vật tư y tế trúng thầu tại bệnh viện Tim Hà Nội được cơ quan điều tra xác định cao hơn so với giá trị thực tế, thế nhưng theo quy định khi ấy thì các trang thiết bị y tế, bao gồm thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao, hóa chất xét nghiệm chưa là danh mục phải thực kê khai giá đầu vào.
Lúc đó mới chỉ có thuốc thực hiện kê khai giá đầu vào, giá bán ra, vì vậy bệnh viện không có cơ sở, căn cứ để yêu cầu các nhà thầu tham dự thầu cung cấp giá nhập khẩu (Giá CIF) ghi trên Tờ khai Hải quan.
Theo lý giải từ phía bệnh viện Tim Hà Nội thì phía quản lý nơi đây đã thuê tư vấn từ công ty thẩm định giá, và tham khảo từ kết quả trúng thầu đã có từ các đơn vị khác, vì đây là mặt hàng được sử dụng khá phổ biến ở một số bệnh viện có can thiệp tim mạch trên địa bàn Hà Nội và 12 đơn vị trên phạm vi toàn quốc, cho thấy giá trúng thầu của bệnh viện Tim Hà Nội cũng tương đương các bệnh viện khác…
Không phủ nhận chuyện “bánh ít đi – bánh quy lại” rất quen thuộc trong các giao kết làm ăn ở Việt Nam, ở đây cần công bằng thấy rằng trách nhiệm không thể chối bỏ của Bộ Y tế về việc bảo thủ các chính sách bất hợp lý, và chỉ chịu sửa đổi khi tình thế đã quá ngặt nghèo…
Trên thực tế thì phải đến trung tuần tháng 4 này, phía Bộ Y tế mới ban hành Thông tư 08/2023/TT-BYT, về “bãi bỏ Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập”.
Trước đó, trong Thông tư 14/2020/TT-BYT, về nội dung liên quan đến giá gói thầu có hướng dẫn: Giá gói thầu được xây dựng trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán đối với dự án, giá gói thầu là tổng giá trị của gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.
Trường hợp gói thầu chia làm nhiều phần thì ngoài việc ghi tổng giá trị của gói thầu, mỗi phần đều phải ghi rõ danh mục, số lượng, đơn vị, đơn giá và tổng giá trị của phần đó theo quy định.
Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Bộ Y tế để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế, cụ thể như sau:
Giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố.
Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể; đối với những trang thiết bị y tế chưa có giá trúng thầu được đăng tải, khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ theo các tài liệu hướng dẫn của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đấu thầu có liên quan về xây dựng giá gói thầu bảo đảm phù hợp với giá trang thiết bị y tế đó trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Nội dung như trên được coi là vướng mắc trong quá trình đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, khi không lựa chọn được nhà thầu có giá trúng phù hợp với hướng dẫn. Và trong chừng mực nào đó, đây cũng là duyên cớ đẩy phía quản lý bệnh viện như trường hợp ông Nguyễn Quang Tuấn vào tù tội.