VNTB – Nhớ chú Sáu

VNTB – Nhớ chú Sáu

PV


(VNTB) – Xin được ký tắt bài viết này hai chữ ‘PV’. Chú Sáu, đó là cách gọi theo thứ trong gia đình quen thuộc của người miền Nam.

Nếu không xảy ra đại dịch Covid-19, chắc chắn thời điểm này Đảng và Nhà nước Việt Nam chuẩn bị tưng bừng cờ, hoa cho lễ hội kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất Bắc – Nam.

Chính quyền TP.HCM không rõ có ẩn tình gì chăng, khi đã yêu cầu Chính phủ đồng ý thực hiện tiếp lệnh ‘cách ly xã hội’ đến 30 tháng tư, 2020. Nghĩa là từ đây đến ngày đó ở Sài Gòn sẽ không có bất kỳ một ‘tụ tập’ nào cho mít tinh, cho vỗ tay ‘ăn mừng chiến thắng’ mà người ta vẫn thường thấy mỗi khi tháng tư về.

Cuộc đua xe đạp truyền thống mừng 30 tháng tư của Đài Truyền hình TP.HCM năm nay cũng dừng, thay vào đó là cuộc ‘đua ảo’ trên thiết bị điện tử của một kiểu phong trào.

Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt để đời bằng cái câu mà anh em làng báo tỏ tường trước cả tháng trời khi chờ bài báo được phép in vào cuối tháng 3-2005: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.

Tôi nghĩ rằng chú Sáu nằm trong số hàng triệu người buồn, theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.

Không buồn sao được khi đầu năm 1966, người con trai út, Phan Chí Tâm, vừa được sanh ra ít lâu, vợ ông, bà Trần Kim Anh, muốn cho ông biết mặt con, đã ẳm Tâm và dắt theo cô con gái Phan Thị Ánh Hồng, sinh năm 1958, ra chiến khu thăm chồng. Từ Sài Gòn, bà Tư Cách, một cơ sở của ông dẫn bà Kim Anh đi theo đường sông, lên tới đoạn, bên này là Củ Chi, bên kia là Bến Cát thì chuyến tàu khách của họ bị trúng đạn của ai đó. Họ chết mà chưa bao giờ tìm thấy xác.

Bác sĩ riêng thời chiến tranh của chú Sáu, ông Huỳnh Hoài Nam, kể: “Trong suốt những năm ở trong rừng, ông luôn mang theo một tấm hình và hai bộ đồ của vợ”. Di nguyện cuối đời của chú Sáu là ông muốn tro của mình được rải xuống khúc sông mà hai người con và người vợ yêu quý nhất của ông đã mãi nằm lại đó.

Thời tôi học đại học, có mấy ông giáo sư của Sài Gòn ‘cũ’ vượt biên, bị bắt, nghe kể lại thì chính chú Sáu khi biết tin, đã can thiệp để trả lại tự do cho các thầy. Thời này là giai đoạn cây cột đèn mà nó biết đi, chắc giờ cũng là Việt kiều ráo trọi rồi.

Lúc rời chốn quan trường Hà Nội trở về sống ở Sài Gòn, chú Sáu đã có rất nhiều nỗ lực giúp đỡ việc tìm hài cốt của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa chết trong thời gian ‘học tập cải tạo’ ngoài Bắc.

Chú Sáu đã gặp gỡ lãnh đạo hai địa phương, Bình Dương và Sài Gòn để bàn về vấn đề nghĩa trang quân đội của những người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Đâu đó, người ta vẫn hay nhắc về câu khẳng khái của chú Sáu: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.

Có lẽ ‘bề trên’ không ưa chú Sáu cũng vì chuyện ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ từ các phát biểu thẳng đuột ấy.

Giờ với những diễn biến của cơn đại dịch đang giết chết cả trăm ngàn người trên toàn cầu, cho thấy một lần nữa với sự đồng lòng của người dân cùng chính phủ trong phòng chống lây lan dịch bệnh, tôi cho rằng cần nhắc lại với Đảng, hãy cất vào ngăn kéo lịch sử của nếp nghĩ ‘còn Đảng còn mình’, bởi Việt Nam không phải là của riêng Đảng, mà là của dân tộc, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)