Hoài Nguyễn
(VNTB) – Thương đến thắt lòng mớ ký ức Tết…
Thuở nhỏ, ta hay ao ước sẽ được lớn mau. Để trở thành người lớn đích thực. Để không bị ba mẹ la rầy hay đánh đòn nữa. Lúc đó, ta nghĩ làm người lớn thì không còn sợ gì nữa và ta hay tưởng tượng ra những viễn cảnh tươi đẹp của người lớn.
Nhưng khi ta lớn thật rồi. Phải đối diện với những bộn bề lo toan trong cuộc sống. Và có khi là những lọc lừa, dối trá, điêu ngoa trong cuộc đời. Ta phải bôn ba để mưu sinh kiếm sống như dòng nước cứ trôi, trôi mãi. Càng trôi, ta càng gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Có khi là sóng gió phong ba. Có khi là ham muốn lợi danh quyền thế mà để quên đi nhiều điều.
Để rồi một ngày nào đó ta chợt chựng lại thấy chạnh lòng và ao ước được trở về cái thuở ấu thơ, hồn nhiên vui tươi. Để tung tăng ca múa mà quên đi mọi thứ.
Tết Tân Sửu, chợt nghe vẳng đâu đó câu hát từ karaoke hè phố “Xin trả tôi về” của Mặc Thế Nhân, chợt như tiếng lòng mà ta hằng ao ước được trở về với những tháng ngày thơ mộng và vô tư lự, với Tết thuở thơ ấu chốn quê nhà nghèo khó:
“Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó
Bên mái tranh nghèo ngồi ngắm áng mây trôi
Mẹ quê đun bếp nghèo thơm mùi rơm qua khói mờ
Vui tình quê trìu mến”.
Miền quê ấy ở miền Nam trước 1975, tuy nghèo nhưng lại thanh bình, bất chấp cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Miền quê ấy đẹp như một bức tranh êm ả, con người sống gần gũi thật thà chất phác không lọc lừa nhau. Nơi đó, có những áng mây trôi lững lờ, có bóng dáng người mẹ hiền đang cặm cụi trong bếp chuẩn bị những bữa ăn cho gia đình, có đồng lúa, có lũy tre và có ánh trăng soi chiếu một thời tuổi thơ của ta.
Đó là cái thuở, ta chơi không biết mệt và quên cả thời gian. Bay nhảy tung tăng, vô tư lự mà không cần lo nghĩ, bởi vì ta chưa biết sầu, chưa biết buồn kia mà.
“Xin trả tôi về thời xa xưa lộng gió
Bên khóm hoa cà rượt đuổi bướm tung tăng
Diều căng dây mái đình thương đầu xanh chưa biết buồn
Chưa sầu chưa hờn oán”.
Đối với ta đó là “chuỗi ngày đẹp và thơ”. Đi qua những chặng đường khác nhau ta luôn tìm kiếm những kỷ niệm của một thời và đó sẽ là ký ức, là bức tranh của riêng ta được cất giữ cẩn thận khi ta yếu đuối mong tìm về.
“Xin trả tôi về vùng thơ ngây thuở đó
Chưa biết u sầu vì kiếp sống bôn ba
Nhìn qua bao thói đời vinh nhục hư trong kiếp người
Mơ lợi danh quyền thế.
Xin trả tôi về miền quê tôi nghèo khó
Có đám dân lành lòng chất phác vô tư
Ngày chăm lo cấy trong đêm quần vui bên chén trà”.
Dù cuộc đời có như thế nào đi nữa, thì tuổi thơ vẫn là kỷ niệm của một thời đẹp đẽ, dịu dàng. Nơi đó như là điểm tựa tinh thần trong mỗi chúng ta. Con người dẫu có trưởng thành, có đi đâu vẫn sẽ ao ước được quay lại thời xa xưa để thấy tâm hồn mình trẻ lại, và gạn lọc được sỏi đá trong đời.
Tết, là quê, là phải quay về dù cố hương đã bao xa. Bởi con đường đẹp nhất luôn là con đường về nhà…, và trớ trêu thay, Tân Sửu này thì lại là câu chuyện của “ở đâu, ăn Tết đó” vì con vi-rút sanh đẻ tận bên Tàu.
Đành nguyện ước Xuân sang năm mọi người ai nấy đều được ăn Tết đoàn viên.