Hà Nguyên
(VNTB) – “Tôi hỏi một câu chung với tất cả 29 bị cáo: Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay”.
1,2 … rồi 10 cánh tay giơ lên. Nhưng vẫn có đến 19 cánh tay còn lại vẫn giữ xuôi theo người. Có lẽ, họ có nhiều điều muốn nói hơn là cái giơ tay.
Luật sư Đặng Đình Mạnh kể và kèm lời kêu gọi: “Đó là lý do mà chúng tôi ước mong có nhiều luật sư đồng nghiệp hơn tham gia những phiên tòa như thế này để cùng lắng nghe họ, khi mà hoàn cảnh xã hội chưa cho phép luật sư bảo vệ được họ như thiên chức nghề nghiệp”.
Vụ án có đến 19 bị cáo bị tra tấn trong giai đoạn điều tra, đó là vụ án xảy ra tại Đồng Tâm đêm 9-1-2020, với những phát súng của lực lượng vũ trang bắn thẳng vào cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi.
Khi luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi bị cáo Lê Đình Công – người bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình, “Sau khi bị bắt, ông có bị bức cung, nhục hình gì không?”. Ông Lê Đình Công trả lời: “Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh”.
Như vậy liệu lúc chủ tọa phiên xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm tuyên án, ông có đề nghị xem xét về hành vi nhục hình ở vụ án Đồng Tâm? Và hành vi nhục hình này đã ảnh hưởng đến sự thật của lời khai bị can ra sao?
Tội dùng nhục hình là một trong những tội được quy định rất sớm trong pháp luật Việt Nam. Xuất phát từ các quyền tự do và cơ bản của con người cũng như xu thế chung của pháp luật thế giới thì Việt Nam cũng đã sớm đưa các quy định nhằm chống nhục hình vào hệ thống pháp luật và vào ngày 28/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn).
Đối với pháp luật Việt Nam, tội dùng nhục hình được quy định tại Điều 373 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác gây tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án và những người tham gia tố tụng khác.
Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm là người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau: tra tấn, đánh đập, bắt nhịn ăn, nhịn uống, cho ăn cơm thừa, canh cặn, không cho ngủ, cùm kẹp, hỏi cung suốt ngày đêm, bắt phơi nắng, bắt tắm nước lạnh vào mùa đông hoặc có hành vi khác gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam hoặc những người tham gia tố tụng khác.
Việc xác định hành vi dùng nhục hình không phải đơn giản vì tính chất của hành vi này rất khó phát hiện, bởi lẽ người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ pháp luật và bao giờ cũng dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để che giấu hành vi của mình; khi bị tố cáo, họ thường tìm cách chối cãi và đòi đưa ra bằng chứng, mà người bị nhục hình vì ở “thế yếu” nên không đưa được ra bằng chứng xác thực, nên không có căn cứ xác định người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có hành vi dùng nhục hình.
Chiều ngược lại, có nhiều trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam, trong quá trình điều tra đã khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội của mình, nhưng tại phiên toà lại chối tội; khi được hỏi vì sao tại Cơ quan điều tra bị cáo lại nhận tội thì được trả lời là do bị bức cung, nhục hình nên phải nhận tội nhưng lại không đưa ra được bằng chứng nào là mình bị nhục hình. Vì vậy, khi xác định người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có hành vi nhục hình hay không, phải rất khách quan.
Nếu dùng nhục hình mà hành vi cấu thành một tội phạm độc lập khác thì người có hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả tội dùng nhục hình và tội phạm tương ứng.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi dùng nhục hình là tội phạm đã hoàn thành.
Mặc dù trên thực tế các vụ án xét xử tội nhục hình diễn ra rất ít, tuy nhiên hành vi nhục hình luôn gây hậu quả nghiêm trọng đặc biệt không chỉ xâm phạm đến quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của người bị nhục hình mà xa hơn là xâm phạm đến sự đúng đắn của nền tư pháp, tính khách quan của vụ án… do vậy cần phải ngăn chặn kịp thời các hành vi này để quyền con người được đảm bảo và tôn trọng.
Có đến 19/ 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm đã xác nhận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm là họ đã bị nhục hình, đây là một con số đáng báo động của việc vi phạm pháp luật hình sự của Việt Nam.