VNTB- Những chia sẻ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa qua “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”

Hàn Giang


(VNTB) –  “…Rất cảm phục tấm lòng của cô giáo Trần Thị Lam, nhưng tôi nghĩ bài thơ từ gan ruột của cô thét lên cho hiện tình và tương lai đất nước không tác động đến các nhà lãnh đạo Việt Nam. Việc họ (an ninh) “mời” cô lên trụ sở công quyền “khuyên” gỡ bài thơ khỏi Facebook, hoặc sau này tệ hơn là chờ cho hiệu ứng lắng xuống sẽ tìm cớ ấn vào tay cô giáo cái chổi bắt quét sân trường, thậm chí đuổi việc…”
Không chỉ quan tâm đến vấn nạn dịch cá chết ở 4 tỉnh miền Trung mà dư luận Việt Nam trong những ngày qua còn quan tâm đến một bài thơ có tên “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam (SN 1973, Hà Tĩnh), giáo viên dạy môn ngữ văn ở trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Bài thơ được cho là một sự ngẫu nhiên của cô giáo Lam sau khi sáng tác rồi đăng tải lên facebook cá nhân nhưng có lẽ chính cô giáo Lam cũng không ngờ bài thơ lại được công đồng mạng lan truyền chóng mặt và trở nên “nóng bỏng” đánh động sự quan tâm của dư luận khắp nơi, trao đổi và suy luận rất nhiều thậm chí là dựa vào đó chế tác sang nhiều bài thơ khác nhau.

Việt Nam Thời Báo (VNTB) đăng lại bài thơ này:    

“ ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…

Trần Thị Lam (Hà Tĩnh)”
Nếu ai đã từng đọc qua bài thơ này hẳn sẽ có những nhận định từng câu thơ nêu rất thực đến những vấn đề xã hội đang diễn ra ở Việt Nam. Và cũng từ những câu thơ này đã phát sinh nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn dành lời khen cho cô giáo Lam đã sáng tác bài thơ hay, nhưng bên cạnh đó có ý kiến cho rằng cô giáo Lam đã có cái nhìn bi quan về đất nước hoặc cô giáo Lam dùng thơ để nói lên sự thật nhưng chỉ trích lượt một chiều dễ khiếu dư luận có cái nhìn không đúng tình hình đất nước.

Cùng là người viết văn, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa sinh sống ở Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với VNTB hòng chia sẻ thêm vài ý kiến xoay quanh vài khuất tất của dư luận.

PV.(VNTB): Thưa ông, cùng là người viết văn, theo ông thì bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam – tổ trưởng môn Ngữ văn ở trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, có thể hiện đúng với những gì diễn ra ở đất nước mình hay không?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Theo tôi, những cảnh mô tả về hiện trạng bi thương của nhân dân và đất nước Việt Nam ta trong bài thơ: ” Đất nước mình ngộ quá phải không anh” là đúng thực trạng xã hội Việt Nam ta hiện nay. Đất nước ta không có một vai trò gì, không đóng góp được một chút gì cho nền văn minh nhân loại đương đại. Chúng ta còn phải đang loay hoay với những đề tài cũ rích, từ thế kỷ trước của nhân loại như văn hóa, giáo dục, y tế dự phòng và vệ sinh môi trường sống. Thêm nữa, hệ thống chính trị, kinh tế, luật pháp và quản lý xã hội của chúng ta cũng lạc hậu, dẫn đến đời sống nghèo nàn, xã hội hỗn loạn. Nhìn ra ngoài thấy các dân tộc khác đã vượt qua chúng ta khá xa. Dân tộc ta đã trải qua 4000 năm hình thành. Ở vài thời điểm cũng có tầm vóc, có lịch sử rất hào hùng. Tiếc thay, các thời điểm này đã chấm dứt và không (hoặc chưa thấy) trở lại. Bởi vì dù đã giành được độc lập nhưng dân tộc ta bị ảnh hưởng, nói đúng hơn bị đô hộ bởi văn hóa, lịch sử Trung Quốc quá sâu và quá dài. Ngày nay, sự lệ thuộc vào Trung Quốc có lẽ càng lớn hơn. Chúng ta bị kìm hãm về đủ mọi mặt, bị lệ thuộc về mọi phương điện. Một người nô lệ, một quốc gia nô lệ thì không thể nào lớn lên được.
  
PV.(VNTB): Nội dung bài thơ đã cho nhiều người thấy một cái nhìn buồn nhưng lại có thật, liệu rằng ở đây có gì khác với sự bi quan hay không lạc quan về đất nước?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:  Vâng. Đúng là nội dung bài thơ đưa ta đến một cái nhìn thật buồn. Xã hội và người của xã hội ta đang làm những chuyện ruồi bu. Cái bánh chưng phải làm thật to. Phải đạt được kỉ lục. Để làm gì? Bỏ ra bao lương thực, thực phẩm rồi làm ra không ăn được, trong khi nhiều nơi người dân còn đói khổ… Những dự án to lớn, những tượng đài xây xong không ai đến thăm, một phần vì không có tính văn hóa-nghệ thuật và hơn nữa không có tính lịch sử lâu dài, thậm chí là bóp méo lịch sử. Ví dụ: Các tượng đài Hồ Chí Minh dù kiến trúc to, nghệ thuật đến đâu thì chắc rằng cũng có ngày sẽ bị phá bỏ khi lịch sử sang trang giống như tượng Lenin ở các quốc gia Đông Âu thời gian qua. Nợ nần thì chồng chất, môi trường sống thì bị phá hủy.v.v. Không bi quan về hiện tình đất nước mà còn lạc quan, tin mãi, tin vĩnh viễn vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng thì chỉ ở những người vô tâm, những người mù quáng… Tuy nhiên, ở phần ngược lại, tức những người đang đấu tranh cho một nước Việt Nam mới, những người có nhiệt tâm làm cho quốc gia lớn mạnh, quốc gia sẽ xử lý kịp thời mọi tình huống cấp thời và lâu dài phục vụ cho dân chúng thì không được bi quan. Những vấn đề quốc gia chúng ta gặp phải sẽ được giải quyết tốt hơn khi chúng ta có tự do, dân chủ, người dân được đất nước và xã hội.
PV.(VNTB): Bài thơ của cô giáo Lam giường như đang đặt câu hỏi lớn về năng lực làm việc của các nhà lãnh đạo Việt Nam khi để xảy ra những hiện thực buồn của đất nước hôm nay. Có điều, cô giáo Lam đã không nói thẳng ra. Liệu ông có chung nhận định này hay không? Theo ông thì các nhà lãnh đạo Việt Nam bị ảnh hưởng gì qua bài thơ này?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi không nghĩ là giới cầm quyền chóp bu quốc gia hiện nay có chút nào cảm hứng về bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam. Tôi đã viết trong Facebook cá nhân về nhận định này, xin dùng lại thay cho câu trả lời: Rất cảm phục tấm lòng của cô giáo Trần Thị Lam, nhưng tôi nghĩ bài thơ từ gan ruột của cô thét lên cho hiện tình và tương lai đất nước không tác động đến các nhà lãnh đạo Việt Nam. Việc họ (an ninh) “mời” cô lên trụ sở công quyền “khuyên” gỡ bài thơ khỏi Facebook, hoặc sau này tệ hơn là chờ cho hiệu ứng lắng xuống sẽ tìm cớ ấn vào tay cô giáo cái chổi bắt quét sân trường, thậm chí đuổi việc (như trường hợp thầy giáo Vũ Hùng ở Hà Đông-Hà Nội)… chỉ là một phản ứng tự nhiên chứ không hiểu ý nghĩa của những ngôn ngữ tạo thành thơ của cô. Tôi nghĩ vậy bởi hàng chục năm nay, hàng ngàn đầu sách và bài viết đủ các hình thức từ chính luận đến bình luận mang tư duy của lý trí, của triết học, hàng trăm tác phẩm từ kịch nghệ đến thơ ca mang ngôn ngữ của trái tim… đã nói ra điều cô giáo Lam đang nói mà vẫn vô ích.
VNTB cám ơn những chia sẻ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.

Như lời chia sẻ ở trên của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ngay sau khi cô giáo Trần Thị Lam đăng bài thơ lên trang facebook cá nhân được dư luận đón nhận sôi nổi thì cơ quan an ninh Hà Tĩnh có liên hệ cô giáo Lam và nhắc nhở, khuyên cô giáo Lam không nên phát tán, tạo hiệu ứng xấu cho xã hội. Còn về việc nhà trường, nơi cô giáo Lam đang công tác giảng dạy có kỷ luật cô giáo Lam hay không thì VNTB có liên lạc với Ban giám hiệu trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, đã đặt câu hỏi để làm rõ vụ việc thì được Ban giám hiệu trường THPT chuyên Hà Tĩnh khẳng định không có chuyện kỷ luật cô Lam. Cô giáo Lam hiện vẫn đến trường dạy bình thường.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)